Tết xong, học trò không đến lớp, nạn nhân là...cô chủ nhiệm!

09/02/2019 06:23
Đỗ Quyên
(GDVN) -Sau niềm vui mùa Tết đã về, nhiều thầy cô giáo ở những vùng khó khăn, vùng rừng núi, thậm chí vùng biển quê hương tôi lại nơm nớp lo cảnh học trò không đến lớp.

Năm nào cũng vậy, cứ sau mùa Tết học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông bỏ học khá nhiều.

Thương học trò mất chữ cũng thương chính mình sẽ bị cắt thi đua vì không làm tốt công tác chủ nhiệm.

Một số thầy cô giáo phải đôn đáo, tất tả chạy ngược xuôi tìm mọi cách vận động học sinh ra lớp. Thế nhưng không phải lúc nào sự nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô đều được đền đáp.

Học sinh tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa Báo Bình Thuận)
Học sinh tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa Báo Bình Thuận)

Đi mòn đường, gọi cháy sim

Cô H. giáo viên một trung học cơ sở ở Bình Thuận cho biết “Có những năm, ăn Tết xong hàng chục học sinh trong trường đồng loạt bỏ học.

Giáo viên phải tới từng nhà tìm hiểu nguyên nhân để vận động gia đình cho các em trở lại lớp học”.

Nguyên nhân học sinh bỏ học khá nhiều như hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em tự nghỉ học để tham gia lao động sớm.

Một số em lại theo gia đình đi làm ăn xa nên bỏ học giữa chừng mà chẳng cần xin chuyển giấy tờ nhập học nơi khác.

Một số em khác do học quá yếu, kém lại ham chơi dẫn đến chán học...

Có lớp 1-2 em, có lớp tới 3-5 em bỏ học.

Giáo viên chủ nhiệm những lớp học này quả là “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Thế là ngoài giờ dạy, thầy cô tất tả vào từng nhà gặp phụ huynh.

Không ai hiểu hết nỗi gian truân, vất vả của giáo viên làm công tác vận động học sinh ra lớp.

Nhiều giáo viên kể rằng, mới đầu phụ huynh thấy thầy cô giáo đến nhà cũng ra đón tiếp khá lịch sự.

Sau vài lần, nhiều gia đình tránh né, không tiếp vì họ không thích thầy cô năn nỉ khi ý đã quyết.

Có gia đình lại phản đối thẳng thừng và viện đủ lý do để ngăn trở việc cho con trở lại lớp.

Không bỏ cuộc, giáo viên liên tục đến nhà mặc cho phụ huynh lánh mặt với hy vọng "mưa dầm thấm lâu".

Có thầy cô gọi điện thoại đến cháy sim, nhiều phụ huynh chẳng buồn bắt máy.

Cuối cùng nhà trường, đại diện Ủy ban cùng thầy cô giáo đến từng nhà, có phụ huynh mới chịu tiếp.

Thấy nhà trường quá nhiệt tình nên một số phụ huynh bắt đầu đưa ưu sách kiểu kể nghèo, kể khổ.

Và, những xuất học bổng hứa sẽ được trao, quần áo, sách vở sẽ được hỗ trợ…

Quả đúng như cha ông ta thường nói “Có gia đình được voi đòi tiên”. Vì thấy cán bộ xã đi cùng nên họ yêu cầu mảnh đất được cấp sổ đỏ hay căn nhà xập xệ cần được xây...

Trước những đòi hỏi vô lý ấy, nhà trường cũng đành phải buông xuôi.

Giáo viên chủ nhiệm trở thành nạn nhân

Dù quá rõ công việc đi vận động học sinh trở lại lớp học là vô cùng khó khăn và nhiều gian nan.

Thế nhưng, một số hiệu trưởng vì áp lực duy trì sĩ số của trường đã cột trách nhiệm nặng nề này trên vai thầy cô giáo chủ nhiệm.

Có trường đưa ra quy định 1–2 học sinh bỏ học, giáo viên chủ nhiệm bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Từ 3-4 em, giáo viên chủ nhiệm bị hạ 2 bậc hạnh kiểm. Từ 5 em trở đi, chính giáo viên ấy không được xếp loại.

Chỉ có những con số bỏ học lạnh lùng mà tuyệt nhiên không cần biết, không cần quan tâm nguyên nhân bỏ học của các em vì sao?

Thầy cô giáo đã phải nỗ lực thế nào? Vậy mà, có trường vẫn cột trách nhiệm của giáo viên trong việc học sinh bỏ học vào kết quả thi đua cuối năm.

Tự cứu lấy mình

Đã có giáo viên uất ức vì bị hạ một lúc 2 bậc thi đua oan ức.

Thế nên không thể lấy lý do “Đã đi vận động mòn đường nhưng phụ huynh vẫn cương quyết cho con nghỉ học” để được du di trong xếp loại.

Nhiều giáo viên truyền nhau “bí kíp” để tự cứu lấy mình.

Như việc vận động phụ huynh (hoặc tự thầy cô làm ) xin giấy chuyển trường cho con.

Bằng không, lặng lẽ không báo sĩ số học sinh bỏ học mà cùng nhau ghi điểm khống để tổng kết xem như các em vẫn đi học bình thường.

Cách này theo một số thầy cô “cũng có chút phiêu liêu vì nhà trường biết được cũng khá phiền toái.

Thế nhưng để không uổng bao công sức phấn đấu trong việc giảng dạy (chỉ vì lý do học sinh bỏ học) thì buộc phải liều thôi”.

Sau niềm vui mùa Tết đã về, nhiều thầy cô giáo ở những vùng khó khăn, vùng rừng núi, thậm chí vùng biển quê hương tôi lại nơm nớp lo cảnh học trò không đến lớp.

Đỗ Quyên