Thả nổi chuẩn đầu ra, làm sao có được tiến sĩ chất lượng "thật"

19/07/2021 06:43
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Thiệp cho rằng, Quy chế 2021 thực chất là một bước “hạ chuẩn” có lợi cho những cơ sở giáo dục tiếp tục vận hành những “lò ấp” tiến sĩ dưới chuẩn.

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành với một số điểm mới so với Quy chế từ năm 2017, đã làm dấy lên những tranh luận, trong đó có sự lo ngại về những thay đổi trong Quy chế mới sẽ làm giảm chất lượng đào tạo tiến sĩ, giảm chất lượng phó giáo sư, giáo sư ở Việt Nam.

Thông tư này đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi, nhất là điều kiện đầu ra của nghiên cứu sinh quy định tại Điều 14.

Điều 14 của Thông tư quy định, để bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải “là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.

Yêu cầu tại điểm c khoản này có thể được thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của: 1 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; hoặc 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án”.

Có thể thấy, so với Quy chế năm 2017 thì Quy chế này đã có sự thay đổi. Nếu Quy chế năm 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 1 bài thuộc ISI/Scopus hoặc tương đương, thì nay không còn bắt buộc, và được thay thế bằng nhiều hình thức khác, như điều 14 quy định.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thừa nhận, Quy chế đào tạo tiến sĩ mới là một bước thụt lùi trong việc tiếp cận chuẩn quốc tế. Bởi quy định mới của Thông tư 18/BGD-ĐT đều thấp hơn so với yêu cầu cũ và xa rời các chuẩn mực quốc tế.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (ảnh: Thùy Linh)

“Khi hạ chuẩn, không đòi hỏi công bố quốc tế sẽ khiến cho người ta càng dễ dàng hơn có được những bài báo trong nước. Chúng ta vẫn thường lo lắng xảy ra gian dối, tiêu cực trong nghiên cứu khoa học nhưng lại bỏ đi yêu cầu công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế, thả nổi như vậy thì làm sao nói đến chất lượng thật", Giáo sư Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.

Cuối cùng, Giáo sư Thiệp cho rằng, Quy chế 2021 thực chất là một bước “hạ chuẩn” có lợi cho những cơ sở giáo dục tiếp tục vận hành những “lò ấp” tiến sĩ dưới chuẩn, gây hậu quả khôn lường và làm chậm sự phát triển của khoa học công nghệ Việt Nam. Bởi Quy chế cũ đã phần nào dẹp bỏ được vấn nạn về các “lò ấp” tiến sĩ rởm vì yêu cầu nghiên cứu sinh và người hướng dẫn phải có bài báo đăng tạp chí quốc tế.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có lý giải “Quy chế 18 đề cao tự chủ học thuật, vai trò của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đơn vị chuyên môn và cộng đồng khoa học” tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng lập luận này không thuyết phục vì ở Việt Nam hiện nay, tiến sĩ tốt nghiệp ở trường tốp đầu hay tốp sau đều được xem là tiến sĩ như nhau cả, chưa có sự phân biệt lớn, vì vậy nếu hạ chuẩn sẽ dẫn đến hiện tượng ngại chỗ khó làm chỗ dễ.

Các trường hàng đầu có tiêu chí cao càng khó tuyển nghiên cứu sinh, trong khi những trường giữ mức chuẩn đầu ra theo quy chế mới (dễ và thấp hơn) sẽ thu hút đào tạo nghiên cứu sinh ào ạt, dẫn đến hiện tượng lại tạo nên những “lò ấp tiến sĩ “ chất lượng thấp, như tình trạng trước năm 2017.

Và nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp như thế, sau 5 hay 10 năm tới, khi lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng phó giáo sư, giáo sư của chúng ta sẽ như thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo trình độ cao nhất của Việt Nam.

Minh Ngọc