Thanh Hóa yêu cầu làm rõ về giáo viên bị “bỏ quên” tiền dạy trẻ khuyết tật

01/03/2022 06:30
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ làm rõ chế độ cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được nhận.

Ngày 28/2, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hướng giải quyết chế độ cho các giáo viên dạy trẻ hòa nhập ở Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã có văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề nghị kiểm tra nội dung thông tin theo phản ánh của giáo viên về việc giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các lớp hòa nhập cộng đồng theo Nghị định 28/2012 và Nghị định 113/2015 bị "bỏ quên" chế độ suốt nhiều năm qua.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát theo từng đơn vị qua đó tổng hợp số lượng cụ thể để báo cáo và đưa ra đề xuất cụ thể.

Lớp học có trẻ khuyết tật giáo viên vô cùng vất vả. Ảnh minh họa: Phụ nữ Việt Nam

Lớp học có trẻ khuyết tật giáo viên vô cùng vất vả. Ảnh minh họa: Phụ nữ Việt Nam

Theo thông tin phản ánh, tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hàng ngàn giáo viên, chưa nơi nào thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho những người đứng lớp dạy trẻ khuyết tật bậc mầm non tới Trung học cơ sở.

Theo Nghị định 28/2012 và Nghị định 113/2015 đã hướng dẫn, quy định rất rõ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia dạy trẻ khuyết tật. Thế nhưng, theo phản ánh của giáo viên, kể từ ngày có quy định tới nay, giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy trẻ khuyết tật từ bậc mầm non tới Trung học cơ sở tại tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được chế độ phụ cấp.

Đáng nói, dù triển khai thực hiện cùng một hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nhưng giáo viên dạy học sinh khuyết tật cấp Trung học phổ thông tại tỉnh này được chi trả chế độ đầy đủ, trong khi giáo viên các cấp còn lại (từ mầm non đến Trung học cơ sở) thì không được.

Lại Cường