Thành lập trường ĐH tư thục cần vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng, có còn phù hợp?

29/06/2022 06:55
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến cho rằng quy định mức vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng mới cho thành lập trường Đại học là khá cứng nhắc, cần xây dựng quy định cụ thể, chi tiết hơn.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 46/2017 và Nghị định 135/2018 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Trong nhiều nội dung được góp ý trong Nghị định mới thì quy định về điều kiện để thành lập trường đại học tư thục là phải có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỉ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường) nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

Trong đó có những ý kiến bày tỏ đồng ý cần phải có một mức quy định tối thiểu chung khi thành lập trường đại học để đảm bảo việc trường đó có quy mô, tránh bị xé lẻ.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mức quy định tối thiểu 1.000 tỷ đồng này còn cứng nhắc, không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Nên phân loại Đại học để có quy định trần tối thiểu

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng Đại học Luật (Đại học Huế) chia sẻ, vấn đề ở đây là việc đăng ký thành lập một trường đại học phải dựa vào quy mô lớn hay nhỏ.

Việc phân loại thành từng nhóm trường tương ứng với các quy định mức tối thiểu vốn khác nhau sẽ phù hợp với tình hình phát triển của giáo dục đại học hiện nay. (Trong ảnh là giảng đường của một trường đại học ở Đà Nẵng được đầu tư khá hiện đại). Ảnh: AN

Việc phân loại thành từng nhóm trường tương ứng với các quy định mức tối thiểu vốn khác nhau sẽ phù hợp với tình hình phát triển của giáo dục đại học hiện nay. (Trong ảnh là giảng đường của một trường đại học ở Đà Nẵng được đầu tư khá hiện đại). Ảnh: AN

Nếu quy mô bình thường thì số tiền quy định tối thiểu 1.000 tỷ đồng là ổn. Nhưng nếu đăng ký quy mô chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế thì số tiền đó chưa thể đáp ứng được.

“Tôi nghĩ, nên đưa ra “mức trần” tối thiểu theo quy mô. Nếu quy mô hiện đại, theo chuẩn quốc tế thì yêu cầu phải tăng số tiền lên mới đáp ứng được. Do đó, nên căn cứ vào đề án thành lập trường đại học tư thục để đưa ra mức trần này”.

Trước lo ngại về vấn đề trượt giá, mức tối thiểu thành lập trường đã tăng từ 250 tỷ đồng (trước năm 2017) lên 1.000 tỷ đồng theo Nghị định 46/2017 và Nghị định 135/2018 thì nên chăng có phương án định giá khác?

Về vấn đề này, thầy Lương cho rằng, nếu không đưa ra mức quy định chung về số tiền vốn tối thiểu để mở trường đại học thì sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn.

“Nếu trong Nghị định mới không quy định mức vốn tối thiểu ban đầu thì sẽ không định giá được, gây khó khăn cho việc quản lý. Ít nhất thì cơ quan chức năng cũng phải thẩm định được giá trị tài sản của chủ đầu tư là bao nhiêu để làm cơ sở nhằm đảm bảo được việc duy trì hoạt động của nhà trường.

Nếu đưa mức vốn tối thiểu tăng cao quá thì khó mà thu hút đầu tư. Còn đưa ra mức thấp quá thì dễ xảy ra tình trạng chủ đầu tư thành lập trường xong lại bán, rất lộn xộn”, thầy Lương nói.

Hiệu trưởng Đại học Luật cũng đưa ra cảnh báo việc số tiền vốn tối thiểu ban đầu không được quy định phù hợp cũng sẽ dẫn đến tình trạng mở trường tràn làn, quy mô nhỏ lẻ.

“Theo tôi, Nghị định mới nên phân ra từng nhóm trường tương ứng với từng mức vốn tối thiểu khác nhau sẽ phù hợp hơn việc quy định tối thiểu chung cho tất cả như hiện nay.

Bởi ở nước ta đang có nhiều nhóm trường khác nhau, cho nên khi quy định từng nhóm thì có thể căn cứ vào đó để đăng ký thành lập.

Ví dụ, đăng ký thành lập trường tuỳ vào số lượng ngành nghề đào tạo như thế nào, đội ngũ là bao nhiêu… để đăng ký nhóm 1, nhóm 2 hay nhóm 3.

Ở đây, có thể quy định mức tối thiểu của nhóm 1 lên đến 3.000 – 4.000 tỷ đồng vì là trường chuẩn quốc tế hiện đại. Còn nhóm 3 có thể quy định mức vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (thấp nhất trong ba nhóm).

Dựa vào định hướng của chủ đầu tư là việc thành lập trường đại học đó nhằm đáp ứng yêu cầu gì thì mức tiền và mức đầu tư sẽ khác, mức tối thiểu cũng sẽ khác. Và khi thẩm định để cấp phép thì những tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng hơn", thầy Lương dẫn chứng.

Trường Đại học cần một nền tảng tài chính vững vàng

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, trong Nghị định mới thay thế hai Nghị định cũ thì cũng cần phải tiếp tục kế thừa quy định về số tiền vốn đầu tư tối thiểu ban đầu và diện tích xây dựng trường (vốn 1.000 tỉ đồng và phải có 5 ha).

“Điều đầu tiên là phải xem xét vì sao phải đặt ra quy định ấy? Về mặt nguyên tắc thì số tiền ít hơn vẫn có thể thành lập được trường đại học. Nhưng ở đây, trường đại học là một thực thể khá đặc biệt, nếu khi có vấn đề phức tạp xảy ra thì ảnh hưởng của nó đến xã hội rất lớn. Lý do là nó liên quan đến nhiều thứ.

Cho nên, theo ý kiến cá nhân của tôi, một trường đại học khi thành lập đều cần một nền tảng tài chính tốt. Để sau này khi có vấn đề khó khăn, trường đó có thể khắc phục, vượt qua” thầy Tùng cho hay.

Về con số quy định “cứng” tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (xấp xỉ 50 triệu USD), thầy Tùng cho rằng, số vốn đầu tư tối thiểu này mới chỉ đủ cho một trường đại học ở mức độ trung bình.

Bởi ngoại trừ tiền đất thì số tiền dành cho xây dựng các khối giảng đường, tường rào, hệ thống hạ tầng đường sá, các tòa nhà, cấp thoát nước… cũng đã tiêu tốn ít nhất hơn 500 tỷ đồng. Do đó, con số 1.000 tỷ đồng đưa ra cũng chỉ là quy định mang tính chất tương đối.

Liên quan đến quy định trường đại học phải có đủ 5 ha đất, nhiều ý kiến chia sẻ rằng quy định này chưa thực tế và có phần cứng nhắc. Bởi nhu cầu về diện tích đất của các trường đại học kỹ thuật hoặc nông lâm thì cần rộng hơn (để xây lắp nhà xưởng, phòng thực hành) so với các trường thuộc khối ngành xã hội, luật hay kinh tế.

Thầy Tùng cho hay, quy định về diện tích tối thiểu của một trường đại học bắt buộc phải có 5 ha đất trở lên là ổn.

“Nếu một trường hoạt động đàng hoàng, hiện đại thì diện tích như vậy còn là ít. Bởi trường đại học thì ngoài giảng đường, phòng thực hành còn cần phải có ký túc xá dành cho sinh viên. Mà khi xây dựng ký túc xá thì phải kèm theo các tiện ích sống khác như: nhà ăn, nhà tập luyện, công viên…

5 ha cũng chỉ là con số quá ít so với một trường đại học ở nước ngoài. Chỉ tính riêng Trường Đại học FPT đang có 50 ha đất.

Nhưng muốn đủ con số diện tích tối thiểu đó thì các trường đừng tập trung ở nội thành, phải di chuyển ra ngoài mới có đất để quy hoạch xây dựng. Các trường nước ngoài, trường nào cũng ở ngoại thành, nội thành chỉ là bộ phận tiếp khách thôi”, thầy Tùng nói thêm.

Cũng theo thầy Tùng thì số vốn tối thiểu có thể quy định 1.000 tỷ đồng nhưng phải tăng vốn theo lộ trình để đáp ứng. Nhưng đất xây dựng thì không thể “phình” ra được nên phải quy định cụ thể, chặt chẽ ngay từ đầu.

AN NGUYÊN