Thành tựu, triển vọng nghiên cứu về Việt Nam học ở Nhật Bản

10/01/2022 09:49
Nguyễn Huy Khuyến (Đại học Quốc gia Hà Nội)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về thách thức và triển vọng trong công tác nghiên cứu về Việt Nam và Việt Nam học đó là về nhân lực đầu ngành chuyên về Việt Nam học đang có xu hướng giảm dần.

Tại Diễn đàn Việt Nam học - Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI diễn ra ngày 28-29/10/2021, Hội Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam đã có bài tham luận về tình hình nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản thành tựu, thách thức và triển vọng.

Bài tham luận đã tổng kết đánh giá quá trình nghiên cứu về Việt Nam trong vòng 20 năm của Hội.

Những thành tựu trong nghiên cứu, những thách thức trong thời gian tới và cũng là triển vọng để Hội tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam.

Nghiên cứu về Việt Nam, đặc biệt trên lĩnh vực Việt Nam học tại Nhật Bản đã trải qua hai thập kỷ.

Trong khoảng thời gian này Hội Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực Sử học – Khảo cổ học và Văn hóa – xã hội truyền thống.

Giai đoạn này đánh dấu bước chuyển mình trong nghiên cứu về Việt Nam với sự kiện hai nước đã nâng tầm trở thành đối tác chiến lược và quan hệ giữa hai nước phát triển toàn diện.

Ngoài ra trên lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử - Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa cận hiện đại Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu. Những công trình đã được xuất bản.

Ảnh minh hoạ: lhu.edu.vn

Ảnh minh hoạ: lhu.edu.vn

Về nhân lực nghiên cứu về Việt Nam hiện nay của Hội Nhật Bản là khoảng 150 người, so với thời gian năm 1987 đã tăng gấp đôi về số nhân lực. Tuy nhiên, những năm gần đây số nhà nghiên cứu và học viên, nghiên cứu sinh lại không tăng thêm.

Về cơ sở nghiên cứu có các trường đại học nổi tiếng như Đại học Tokyo, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Khoa tiếng Việt - Đại học Osaka.

Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều trường mở ngành đào tạo tiếng Việt và Việt Nam học như Đại học Hiroshima, Nữ Chiêu Hòa, Osaka, Ngoại ngữ Kanda...

Về công tác đào tạo tiếng Việt cũng có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều giáo trình và sách về tiếng Việt phục vụ cho công tác giảng dạy cũng được xuất bản nhiều ở Nhật.

Trong số đó là từ điển Việt Nhật – Nhật Việt được biên soạn công phu do Giáo sư Kawamoto biên soạn có tên là Từ điển tường giải Nhật -Việt.

Về công tác nghiên cứu trong giai đoạn này là quá trình hợp tác điều tra nghiên cứu của các học giả hai nước ở khu vực đồng bằng sông Hồng, cụ thể là ở địa danh Bách Cốc.

Bước sang thế kỷ 21 các nhà nghiên cứu Việt Nam học đã cùng tham gia điền dã ở nhiều địa điểm ở Bách Cốc dưới các mức độ.

Đa dạng hóa đối tượng điều tra điền dã để làm sáng tỏ đặc điểm nổi bật ở hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 thời kỳ hậu Bách Cốc.

Đó là những công trình nghiên cứu đô thị của NAGASAKA 2011, HASHIMOTO 2017, SHIBUYA YUKI 2018; Nông thôn miền Trung của KATO 2008; Đồng bằng sông Hồng của MIYAZAWA 2005; Dân tộc thiểu số của ITO Masako 2003....

Để đạt nhiều thành quả trong công tác nghiên cứu về Việt Nam và Việt Nam học, các học giả của Nhật Bản cũng đánh giá cao công tác tư liệu của Việt Nam, đặc biệt là việc tiếp cận tư liệu gốc ở các Trung tâm lưu trữ Quốc gia.

Về thách thức và triển vọng trong công tác nghiên cứu về Việt Nam và Việt Nam học đó là về nhân lực đầu ngành chuyên về Việt Nam học đang có xu hướng giảm dần.

Nhiều nhà khoa học đầu ngành đã mất, thế hệ trẻ kế cận ngày càng ít, đặc biệt là tầng lớp sinh viên đại học và nghiên cứu sinh.

Theo đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam học tại Nhật Bản mong muốn ngành Việt Nam học hướng đến việc nghiên cứu phát triển theo định hướng khu vực học để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành Việt Nam học trên thới giới.

Cũng theo kinh nghiệm của Nhật Bản thì nên tạo điều kiện cho các nhà Việt Nam học Nhật Bản dễ tiếp cận tài liệu gốc ở các thư viện và trung tâm lưu trữ ở Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà Việt Nam học tại Nhật Bản triển khai điều tra điền dã tại Việt Nam.

Thứ ba là khuyến khích tăng số công trình nghiên cứu đồng tác giả là sự hợp tác giữa các nhà Việt Nam học tại Nhật Bản và các nhà khoa học Việt Nam.

Đó cũng là sự kỳ vọng vào ngành Việt Nam học có vai trò quan trọng cho các nhà Việt Nam học trên thế giới. Bên cạnh đó là hy vọng có nhiều công trình nghiên cứu sáng tỏ vị trí của Việt Nam trong lịch sử thế giới.

Tài liệu tham khảo:

Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam (2021), Tình hình nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản: Thành tựu, Thách Thức và Triển Vọng, Báo cáo hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 6.

Nguyễn Huy Khuyến (Đại học Quốc gia Hà Nội)