“Thầy cô thay đổi thì thế giới sẽ thay đổi”

31/01/2022 06:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chạy theo thành tích, không chạy theo điểm số và không dùng điểm số tạo áp lực lên học sinh. Với suy nghĩ coi trọng việc giáo dục con người.

“Công tác giáo viên chủ nhiệm là một trong những thế mạnh, là niềm tự hào của trường chúng tôi, ngoài việc các thầy cô được đào tạo tại các trường đại học, chúng tôi còn có chương trình đào tạo riêng của trường trong 2 năm, giúp thầy cô có thêm trải nghiệm thực tế trước khi nhận công tác làm chủ nhiệm. Có thể nói, những giáo viên chủ nhiệm của nhà trường là những nét đẹp văn hóa, giáo dục tầm cao, là những nhà tâm lí, nhà giáo dục chứ không đơn thuần là người truyền dạy kiến thức.

Nếu ở góc độ nhà tâm lí, các thầy cô thấu hiểu hơn tâm lí lứa tuổi học trò, từ đó có những phương pháp giáo dục phù hợp với từng em, biết động viên khuyến khích, biết thông cảm chia sẻ với những điểm yếu của các em do tâm lí lứa tuổi mang lại”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm và các em học sinh của trường. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm và các em học sinh của trường. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Hòa: “Với những quan điểm mới về giáo dục, không chạy theo thành tích, không chạy theo điểm số và không dùng điểm số tạo áp lực lên học sinh; Với suy nghĩ coi trọng việc giáo dục con người, giúp cho học sinh thay đổi, tiến bộ và đó mới là mục tiêu của giáo dục, những điều này không phải tự nhiên các thầy cô giáo có được, mà phải qua cả một quá trình học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức.

Các cô chủ nhiệm không chỉ dạy kiến thức, mà còn là những người truyền cảm hứng vào từng môn học, truyền cảm hứng phấn đấu giúp cho học sinh luôn có ý thức trong việc học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, có lòng yêu nước. Việc thầy cô truyền cảm hứng như vậy đã làm cho các con thay đổi, phát huy những thế mạnh ưu điểm của bản thân, có nhiều kĩ năng và trưởng thành hơn.

Đặc biệt, học sinh khi vào trường chúng tôi sau một thời gian đều có sự thay đổi cả về trình độ và nhận thức. Năm nay vì dịch bệnh nên các em phải học trực tuyến, với lớp 6 và lớp 10 mới vào trường, các em chưa được gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm, nhưng qua hình thức học trực tuyến các con đã thấy yêu mến các thầy cô, coi thầy cô là “thần tượng”, như vậy có thể nói khả năng truyền cảm hứng cho học trò của các giáo viên chủ nhiệm là một điều rất đặc biệt.

Giáo viên chủ nhiệm luôn coi việc học trò tiến bộ là trách nhiệm của chính mình, chăm lo tới từng con, hiểu từng con, và sự thay đổi tiến bộ của các con hàng ngày chính là niềm tin của các bậc cha mẹ học sinh với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi coi việc chăm lo tới từng học sinh, giúp các em tiến bộ là phương châm xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, giúp định hướng cho các thầy cô.

Giáo viên chủ nhiệm luôn có mối quan hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh, lôi cuốn các bậc phụ huynh đồng hành, chia sẻ, lắng nghe và giúp cha mẹ các em khắc phục những nhược điểm của các con, qua đó cha mẹ học sinh cũng trở thành nhà tâm lí để giáo dục chính con mình. Từ sự lôi cuốn và đồng cảm đó, các giáo viên chủ nhiệm có thêm “đồng minh”, tạo thành sự hỗ trợ trong công tác giáo dục.

Học sinh thay đổi không phải chỉ nhờ có giáo viên chủ nhiệm, mà có sự đóng góp to lớn từ phía gia đình, có thể nói đó là công tác cha mẹ học sinh cùng đồng hành với giáo viên và nhà trường. Cô chủ nhiệm nào làm tốt nhất, cô chủ nhiệm có nhiều học sinh thay đổi thì giáo viên đó đã làm rất tốt công tác cha mẹ học sinh”.

Tập thể giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NTCC.

Tập thể giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NTCC.

Giáo viên chủ nhiệm cũng là người truyền cảm hứng

Thầy Hòa chia sẻ: “Để có được một đội ngũ toàn là nữ giáo viên chủ nhiệm như hiện nay, cô giáo nào cũng trở thành nhà tâm lí giáo dục, người truyền cảm hứng, thì việc đầu tiên chúng tôi coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng.

Giáo viên trường chúng tôi đều được đào tạo với nhiều khóa học giá trị sống, năm nào cũng được nâng cao kĩ năng, trình độ, có triết lí giáo dục đúng đắn, quan điểm về tình yêu thương con trẻ, qua đó xác định được vai trò, vị trí sứ mệnh của mình. Từ những khóa học đó đã khiến các cô thay đổi, mà thầy cô giáo thay đổi thì thế giới cũng thay đổi. Các cô thay đổi thì các cô sẽ thấy hạnh phúc, học trò cũng sẽ hạnh phúc theo và gia đình các em cũng sẽ hạnh phúc bởi con của họ tiến bộ.

Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà giáo viên phải có hiểu biết về tâm lý Giáo dục, tâm lý lứa tuổi học sinh vì điều đó rất quan trọng, có hiểu thì mới tác động được vào học sinh trong quá trình dạy học của mình. Nếu giáo viên chủ nhiệm không hiểu được tâm lý học sinh thì có tác động những hoạt động giáo dục vào nó cũng sẽ bị bật ra ngoài.

Giáo viên phải biết tránh những áp lực, tránh chuyện bạo lực, tránh chuyện ứng xử với học sinh theo cách cho rằng mình là người thầy nên mình có quyền uy. Giáo dục hiện đại bây giờ thì vai trò của giáo viên đã khác trước rất nhiều, giáo viên phải là những người bạn, là người đi trước, người dẫn đường…cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm là người phải hiểu từng học trò như hiểu chính lòng bàn tay của mình, để tiếp cận và hiểu học trò là cả một quá trình, phải có tấm lòng yêu thương, trái tim phải biết rung động trước trái tim của học sinh, đó là những yêu cầu tiên quyết và đòi hỏi sự cố gắng cao.

Giáo viên phạt học sinh, dùng uy lực bắt học sinh phục tùng thì đều là những giáo viên có trái tim không biết rung động, mà đã như vậy thì không thể làm chủ nhiệm được. Mục tiêu của giáo dục hiện đại không phải là đào tạo học sinh ngoan, biết vâng lời như một cái máy, mà phải đào tạo những con người có kiến thức, có tư duy tốt, có trí tuệ, trách nhiệm, sáng tạo…thích hợp với nền kinh tế trong xã hội hiện đại.

Các cô chủ nhiệm phải chấp nhận sự khác biệt, bởi mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt, khác nhau về khuôn mặt, tính cách, cảm xúc và cả về phẩm chất, năng lực. Nếu chấp nhận được sự khác biệt đó thì các giáo viên chủ nhiệm mới có khả năng chia sẻ, có khả năng giúp học trò tiến bộ.

Công tác giáo viên chủ nhiệm cần phải được chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ từ chính bản thân mình, học hỏi từ các đồng nghiệp thông qua Hội nghị công tác chủ nhiệm hàng năm của nhà trường, đây là lúc các cô chia sẻ, bộc lộ tâm tư, học hỏi,…Từ những hoạt động như vậy, các cô thấy mình có giá trị, được coi trọng.

Những câu chuyện được giáo viên chủ nhiệm kể lại hàng năm, những câu chuyện các cô đã làm học trò thay đổi có thể nói là ngoạn mục, ví dụ cô Hoàng Diệu Thúy đã giúp học sinh Đ.T.T thay đổi. Cô Linh cũng đã thay đổi học sinh N.M.T. Cô Hà Ngọc Thủy đã khiến cho em N.V.A từ một học sinh có suy nghĩ sẽ trượt lớp 10 nhưng lại trở thành một học sinh xuất sắc, phát huy hết năng lực của bản thân.

Đó chỉ là những tấm gương, những câu chuyện trong hàng nghìn câu chuyện của nhà trường, chính những tấm gương, câu chuyện đó là sự ghi nhận, sự khẳng định kết quả công tác của đội ngũ nữ giáo viên chủ nhiệm. Và công tác chủ nhiệm, nếu không có được niềm tin, không có sự đồng hành, sự khích lệ,…của cha mẹ học sinh thì cũng khó có thể đạt được thành công.

Những cuộc hội thảo của nhà trường tổ chức với mục đích nâng cao hiểu biết về tâm lí học cho cha mẹ học sinh, lôi cuốn phụ huynh vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, làm chỗ dựa vững chắc để giáo viên chủ nhiệm có thêm động lực làm cho các con thay đổi”.

Học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Học sinh Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Học sinh Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NVCC.

Luôn chia sẻ với học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào

Thầy Hòa cho biết: “Việc học trực tuyến là vấn đề lo lắng nhất của các bậc cha mẹ học sinh, liệu các con có bị căng thẳng quá hay không, việc dạy học trực tuyến có hiệu quả hay không, đội ngũ giáo viên liệu có khả năng về công nghệ thông tin để triển khai việc học hay không?

Thấu hiểu những thắc mắc đó của các bậc phụ huynh học sinh, chỉ trong thời gian 3 tháng, ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyển đổi số cho tất cả giáo viên trong nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học.

Tất cả giáo viên đã nắm vững công nghệ thông tin, chịu khó tìm tòi, thay đổi đưa bài giảng của mình trở nên sinh động hơn, hấp dẫn người học, giảm sự căng thẳng cho học sinh, giờ học nhẹ nhàng lôi cuốn. Hơn nữa các giáo viên chủ nhiệm vẫn quan tâm đến học sinh như lúc học trực tiếp, thăm hỏi thường xuyên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những khúc mắc của từng con để kịp thời tư vấn giúp đỡ”.

Tùng Dương