Thầy Cư xứng đáng được Bộ Giáo dục khen thưởng

24/05/2021 06:53
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Việc chính của mình là giảng dạy thì phải tận tâm, tận lực hết lòng, phải luôn yêu thương học sinh chính là nâng tầm giá trị vị trí của người thầy lên”.

Trong chúng ta, không nhiều thì ít cũng đã hơn một lần từng thấy những vụ tai nạn giao thông trên đường. Có người sẽ lướt qua vì khá nhiều lý do như đang bận công việc, vì sợ máu, sợ bị liên lụy…

Thầy giáo Võ Văn Cư, giáo viên Trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thầy giáo Võ Văn Cư, giáo viên Trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Có người đã đứng lại nhưng phần nhiều cũng chỉ nhìn xót xa, thương cảm. Người tích cực hơn lấy điện thoại gọi công an hay nhiệt tình hơn nữa là chở nạn nhân đi bệnh viện rồi thông báo tìm người nhà là xong.

Có mấy ai đưa nạn nhân đi bệnh viện còn ngồi chờ sơ cứu xong gọi luôn xe cấp cứu để theo nạn nhân đến bệnh viện tuyến trên?

Có ai dám thay mặt gia đình dũng cảm ký vào đơn đồng ý phẫu thuật và khảng khái khẳng định chắc chắn rằng: "Bệnh viện cứ mổ cho em. Tôi bảo đảm máu không thiếu".

Người làm được công việc phi thường này là thầy giáo Võ Văn Cư, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi, huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Cũng vì nghĩa cử cao đẹp này, thầy vừa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định khen thưởng do đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong việc cứu người bị tai nạn giao thông vừa qua.

Câu chuyện được kể hết sức cảm động

Lúc 13h45 phút, ngày 26/4, trên đường đi dạy, thấy có vụ tai nạn giao thông thầy ghé qua và phát hiện người nằm bên đường là học sinh của trường.

Học sinh được cấp cứu kịp thời (Ảnh của thầy Dương Thy Phan)

Học sinh được cấp cứu kịp thời (Ảnh của thầy Dương Thy Phan)

Khi đó, một số người dân đã để em học sinh nằm ngay ngắn, đầu gối lên cặp sách và chờ người nhà và công an đến làm việc.

Thầy Cư nói nhìn em trên người lại không xây xát, trầy trụa gì nhưng mặt mày tái mét và thở rất mệt mỏi: “Mọi người nói chờ người thân xuống nhưng thấy em trong tình trạng nguy kịch, mặc dù đang có tiết dạy nhưng tôi vẫn quyết định nhờ một em học sinh khác ngồi sau để chở em đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa gần đấy.

Bệnh viện nơi đây sơ cứu ban đầu và nói phải chuyển gấp đi Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cấp cứu nếu không em sẽ chết. Lúc này, người thân cũng không liên lạc được với ai, gấp quá tôi gọi xe cấp cứu chở em lên Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận cách khoảng 50 km”.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: "Em Hải bị vỡ gan, phải mổ để sơ cứu và cần có ngay từ 4 - 6 đơn vị máu tươi. Có 2 phương án, một chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, hai là mổ tại chỗ. Nhưng, nếu chuyển viện vào Sài Gòn, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi. Nếu mổ tại đây thì hiện tại bệnh viện đang thiếu máu".

Để cứu học trò, thầy Cư đã không ngần ngại ký vào bản cam đoan chịu trách nhiệm thay cho cha mẹ em Hải chưa đến kịp. Thầy bảo: "Bệnh viện cứ mổ cho em. Tôi bảo đảm máu không thiếu".

Giáo viên và học sinh nhà trường chờ hiến máu (Ảnh của thầy Dương Thy Phan)Giáo viên và học sinh nhà trường chờ hiến máu (Ảnh của thầy Dương Thy Phan)

Ngay lúc đó, thầy Cư nhắn thông tin cần máu để cứu giúp em Hải lên group giáo viên và báo cáo sự việc cho thầy Nguyễn Tấn Nha, Hiệu trưởng nhà trường biết. Ngay lập tức, thông tin được phát đến tất cả thầy cô giáo và học sinh toàn trường.

Thầy cô và học sinh có nhóm máu O, B đã tự nguyện lên xe nhà trường thẳng tiến bệnh viện để hiến máu cứu trò, cứu bạn.

Không chỉ hiến máu, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi còn chung tay quyên góp được gần 15 triệu đồng để giúp gia đình em Hải lo tiền thuốc thang cho em mau bình phục.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Nha, trực tiếp trao tiền ủng hộ cho học sinh (Ảnh gia đình cung cấp)

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Nha, trực tiếp trao tiền ủng hộ cho học sinh (Ảnh gia đình cung cấp)

Thầy giáo thích làm từ thiện và có 20 lần hiến máu cứu người

Thuộc nhóm máu O, nhóm máu hiếm ở bệnh viện nên thầy Cư cho biết mỗi khi ai cần máu hoặc nhận được đề nghị của bệnh viện thầy luôn sẵn sàng đi hiến máu.

Cho đến nay, thầy Cư đã có 20 lần hiến máu cho cộng đồng. Thầy Cư cho biết mình đã được yêu cầu làm hồ sơ để tuyên dương nhưng hiện tại vẫn chưa làm.

Ngoài việc sẵn sàng hiến máu cứu người, thầy thường xuyên đứng ra vận động, quyên góp từ các "Mạnh Thường Quân" cho đồng bào bị bão lụt, thiên tai và để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống và duy trì việc học hành.

Được biết, cuộc sống gia đình thầy cũng không mấy dư giả. Vợ thầy học ngành y ra nhưng không xin được việc nên ở nhà mở một cửa hàng văn phòng phẩm nho nhỏ để buôn bán.

Ngoài giờ lên lớp, thầy phụ vợ đi giao hàng để tăng thêm thu nhập, nhưng thầy khẳng định: “Làm công việc ngoài để tăng thu nhập thì có cũng được, không có cũng được. Việc chính của mình là giảng dạy thì phải tận tâm, tận lực hết lòng, phải luôn yêu thương học sinh chính là nâng tầm giá trị vị trí của người thầy lên”.

Nói về giáo viên của mình, thầy giáo Nguyễn Tấn Nha, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong giảng dạy, thầy Cư luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn luôn giúp đỡ đồng nghiệp. Thầy Cư là một người thầy mẫu mực”.

Những việc làm của thầy, những nghĩa cử cao đẹp dành cho cộng đồng, cho học trò, thầy giáo Võ Văn Cư đã gieo vào lòng những người dân nơi đây hình ảnh đẹp về một nhà giáo giàu lòng vị tha, nhân ái hết lòng vì học sinh thân yêu.

Lớn hơn thế, chính những việc làm của thầy đã lan tỏa mạnh mẽ trong ngành giáo dục, khá nhiều thầy cô giáo sẽ nhìn lại mình để vì học sinh nhiều hơn. Người viết cho rằng, thầy thật xứng đáng nhận được lời khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phan Tuyết