Thầy gạ tình trò, vết nhơ bao giờ gột rửa sạch?

31/03/2022 06:59
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vết nhơ đối với những người thầy bị học trò tố gạ tình cũng sẽ theo mãi những tháng năm còn lại của cuộc đời. Vết nhơ đó khó lòng mà gột rửa sạch với thời gian.

Mỗi lần đọc báo, thấy thông tin thầy gạ tình, cưỡng ép học trò có lẽ trong thâm tâm mỗi người Việt chúng ta đều căm phẫn, khinh thường bởi cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì người đáng khinh bỉ vất là người thầy có dã tâm chiếm đoạt học trò.

Đặc biệt, những người thầy đứng ra gạ tình học trò lấy “mồi nhử” là điểm số hay một lời hứa hão huyền nào đó về tương lai để tạo niềm tin cho học trò của mình rồi đến khi đạt được mục đích thì bỏ mặc trò và khi sự việc bị lọt ra ngoài trâng tráo chối tội lại càng đáng bị lên án.

Những “con sâu” như vậy đang “làm rầu” đội ngũ nhà giáo trên cả nước, làm ảnh hưởng đến thanh danh của nhiều người. Chỉ tiếc, trước khi sự việc được nhiều người biết đến thì những “ông thầy” này vẫn đạo mạo đứng trên bục giảng để rao giảng đạo đức cho học trò.

Nhưng, bên cạnh những “ông thầy” đã bị lộ liệu có còn những con “con quỷ râu xanh” nào đội lốt nhà giáo nữa hay không? Chế tài nào để xử lý những ông thầy đã gạ tình nữ sinh? Đặc biệt là đối với những người giảng viên đại học có động cơ thấp hèn này.

Những dòng tin nhắn có nội dung nhạy cảm được cho là của giảng viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Những dòng tin nhắn có nội dung nhạy cảm được cho là của giảng viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Làm sao để những kẻ gạ tình phải trả giá cho hành động của mình?

Chuyện thầy gạ tình nữ sinh, thậm chí nam sinh những năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến khá nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong số này, nhiều người đã một thời đứng trên bục giảng phải trả giá bằng những năm tháng nhục nhã trong chốn lao tù.

Nhưng, đa phần những nhà giáo gạ tình học trò bị xử lý nghiêm thì chúng ta mới thấy dừng lại ở những giáo viên phổ thông mà thôi.

Tra trên google.com, mọi người dễ dàng tìm thấy hàng chục vụ nhà giáo phổ thông phải trả giá đắt cho hành động gạ tình của mình. Có lẽ, cơ chế xử lý giáo viên phổ thông dễ dàng hơn chăng?

Xâu chuỗi nhiều vụ giáo viên phổ thông có liên quan đến gạ tình học trò ở các cấp phổ thông, chúng tôi thấy phần lớn được xử lý nghiêm, thấu đáo, rất ít vụ việc chìm xuồng. Có lẽ, những giáo viên cấp phổ thông thì mối quan hệ, chức tước của họ ít và nhỏ hơn chăng?

Và, cũng có lẽ những vụ việc giáo viên phổ thông gạ tình học sinh phổ thông thì phần nhiều các em dưới 16 tuổi nên có phần các em còn non nớt, được cha mẹ giám sát chặt và những kẻ gạ tình cũng khó chối cãi được những tội lỗi của mình.

Ngược lại, đối với những giảng viên đại học thì phần nhiều đi vào ngõ cụt. Và, nếu chúng ta thường xuyên theo dõi báo chí trong thời gian gần đây, không khó để tìm ra những giảng viên đại học bị sinh viên tố cáo gạ tình, lừa tình.

Đó là: một giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội gạ nữ sinh, "đổi tình lấy điểm"; nữ sinh Ngoại thương tố giảng viên gạ tình, hứa "chạy việc"; Lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội bị tố gạ tình sinh viên.

Mới đây nhất là sự việc một trưởng khoa ở Trường Đại học Luật Hà Nội bị tố có hành vi cưỡng ép một cô gái… và nếu liệt kê hết thì còn nhiều vụ gạ tình là giảng viên đại học đã được báo chí điểm tên, chỉ mặt.

Thế nhưng, điểm chung của các vụ giảng viên gạ tình sinh viên đều rơi vào thế bế tắc và đa phần chưa thấy bị xử lý hình sự. Những giảng viên bị tố cáo này phần nhiều chối bay, chối biến hoặc đưa ra những lý do vô thưởng vô phạt.

Những sinh viên tố cáo thầy mình thường bị thua thiệt và chuốc lấy những tủi hổ, bẽ bàng trước dư luận…

Chuyện những giảng viên bị sinh viên tố gạ tình, cưỡng dâm, ép quan hệ tình dục ít bị xử lý hình sự hơn giáo viên phổ thông có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Phải chăng, phần nhiều họ là những người có chức vụ cao hơn giáo viên phổ thông và tất nhiên họ biết lấp liếm những việc họ đã làm?

Hơn nữa, sinh viên là lứa tuổi đã trưởng thành nên mọi chuyện cũng dễ dàng chuyển sang hướng khác như: nữ sinh tự nguyện; nữ sinh gạ tình thầy… và nếu có xử lý hình sự thì mức án cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều những giáo viên phổ thông có tội lỗi tương tự.

Những sự việc đau lòng như thế đã và vẫn xảy ra nhưng có lẽ đó chưa phải là những sự việc cuối cùng vì mọi việc không được xử lý đến nơi, đến chốn mà chốn giảng đường thì không thiếu…những điều bí mật.

Những “bí mật” ấy không phải sinh viên nào cũng đủ can đảm đứng ra để tố “thầy” của mình.

Hãy xứng đáng là những người thầy của học trò

Hiện nay, nhiều văn bản quy định những điều giáo viên không được làm, những nhà giáo là đảng viên cũng thấm nhuần những điều đảng viên không được làm. Nhưng, vì sao những sự việc đau lòng này vẫn cứ xảy ra ở nhiều cấp học, nhiều địa phương khác nhau trong thời gian qua?

Trước hết, những nhà giáo đã bị xử lý hình sự hay những nhà giáo bị sinh viên tố gạ tình, ép buộc sinh viên để đạt được mục đích xấu xa của mình dù chưa bị xử lý, dù còn rơi vào ngõ cụt thì đó vẫn là những người đáng bị lên án, đáng bị mọi người khinh bỉ.

Bởi lẽ, cho dù là học sinh phổ thông chưa đủ tuổi trưởng thành hay những sinh viên ở các giảng đường đại học thì các em vẫn là học trò của mình…

Một khi đã bước vào học sư phạm, học những bài học đầu tiên về đạo đức người thầy thì ai cũng phải thấm nhuần được đạo lý của tình thầy trò. Người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức, định hướng tương lai cho học trò mà còn là tấm gương về đạo đức.

Khi đứng trên bục giảng, người thầy không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ giảng dạy mà còn phải giữ được hình ảnh của mình trước học trò. Một câu nói, một hành động của thầy luôn có hàng chục học trò lắng nghe, nhìn ngó nên phải chuẩn mực, gương mẫu.

Thế nhưng, lại có những người thầy lợi dụng sự non nớt, ngây thơ, trong sáng của học trò để làm trò xằng bậy, trái với thuần phong mĩ tục và đạo đức của người thầy thì người thầy ấy đã không còn nhân cách đứng rao giảng đạo đức cho học trò.

Ông bà ta có câu: “Không có lửa làm sao có khói” nên chuyện học trò đứng ra tố cáo thầy gạ tình, lừa tình là chuyện bất đắc dĩ bởi khi tố cáo thầy thì bản thân trò cũng đã lường trước được những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt. Chính vì thế, nỗi đau cho học trò trong quãng đời còn lại là rất lớn.

Nhưng, vết nhơ đối với những người thầy bị học trò tố gạ tình cũng sẽ theo mãi những tháng năm còn lại của cuộc đời. Vết nhơ đó khó lòng mà gột rửa sạch với thời gian.

Và, dù bị xử lý hình sự hay chưa hoặc không bị xử lý thì những người thầy như thế cũng không xứng đáng để đứng trên bục giảng nữa.

Chúng tôi chỉ hy vọng, các cơ quan chức năng, lãnh đạo ngành giáo dục cần mạnh tay, xử lý nghiêm với những người thầy đã làm mất đi nhân cách của chính mình, làm ảnh hưởng đến hình ảnh hưởng đến hàng triệu nhà giáo hết lòng vì học trò thân yêu của mình.

Bởi lẽ, một khi người thầy đã vi phạm đạo đức nhà giáo, nhân cách bị tha hóa thì họ có đáng được học trò gọi là thầy nữa hay không? Và, học trò có quyền được từ chối những người thầy tha hóa đến dạy mình.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/giua-thu-do-2-giang-vien-dai-hoc-bi-to-ga-tinh-du-luan-mong-som-lam-ro-post223064.gd

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/truong-khoa-bi-to-cuong-dam-dang-co-don-xin-nghi-viec-o-dh-luat-ha-noi-post225388.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI