Thầy Nguyễn Văn Hiếu: Nếu dịch kéo dài, Bộ nên giảm yêu cầu năng lực mỗi môn học

11/09/2021 07:58
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về những nỗ lực của ngành cho một năm học có nhiều điều đặc biệt.

Năm học mới (2021-2022) đã chính thức bắt đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại thành phố này.

Trước thực trạng đó, ngành giáo dục của thành phố đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức khi triển khai việc dạy và học trên internet. Hiện ngành cũng đang chủ động tìm rất nhiều giải pháp để gỡ khó cho học sinh, thầy cô.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, để thầy có thể chia sẻ rõ hơn những vấn đề này.

Xin ông có thể chia sẻ những khó khăn khi mà ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt, khi năm học mới bắt đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, kéo dài?

Không chỉ riêng giáo dục mà tất cả các ngành nghề khác trong xã hội cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19. Dịch càng kéo dài, diễn biến càng phức tạp thì càng ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề tới giáo dục.

Từ đó có thể thấy rằng năm học 2021-2022 bắt đầu tại thành phố có rất nhiều khó khăn.

Cụ thể: Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học cũng thiếu thốn, khó khăn; việc phát hành sách giáo khoa trong dịp đầu năm gặp nhiều trở ngại; đường truyền internet chập chờn; học sinh thiếu các phương tiện công nghệ để tham gia học tập trực tuyến như máy tính bảng, điện thoại thông minh…

Đặc biệt, nhiều gia đình học sinh nhiễm Covid-19, thậm chí là mất mát người thân. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tâm lý và cả đời sống vật chất của các em học sinh.

Khi tình hình dịch diễn biến ngày càng phức tạp, các kịch bản, phương án dạy học do Sở chuẩn bị thì càng bị lệ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thực tế của thành phố. Chính vì vậy, tính ổn định trong môi trường giáo dục bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc dạy và học trên internet từ năm học trước, nhưng nhiều nơi, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh vẫn chưa thích ứng được với việc dạy và học trên internet.

Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, học sinh chưa thể đến trường học tập, việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đã được ngành giáo dục thành phố triển khai ra sao trong năm học mới này?

Hiện Sở đã bắt đầu xây dựng, phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh ghi hình các tiết dạy, chọn lựa những thầy cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy học sinh lớp 1,2. Đây là hai lớp của đầu cấp tiểu học, lại thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể trong tuần đầu của năm học 2021-2022, các trường sẽ tập trung hướng dẫn học sinh phương pháp học trên môi trường internet, hướng dẫn cho cha mẹ học sinh (nhất là đối với học sinh lớp 1) phương pháp hỗ trợ việc học của học sinh.

Sở cũng chỉ đạo các trường tùy theo điều kiện cho phép có thể tổ chức thêm các môn học, hoạt động giáo dục khác trên môi trường internet, dựa trên cơ sở đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, việc cần là sắp xếp thời gian, thời lượng các tiết học phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh, đảm bảo không làm cho học sinh quá tải.

Khuyến khích giáo viên dạy học bằng hình thức trực tuyến, có tương tác giữa giáo viên và học sinh, chú trọng dạy học phân hóa, tích hợp và tích cực.

Trong quá trình tương tác, giáo viên đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức phù hợp, động viên sự cố gắng và tiến bộ, dù là nhỏ nhất của các em học sinh.

Hiệu trưởng nhà trường tổ chức tập huấn công nghệ thông tin (nếu cần) giúp giáo viên thành thạo, tự tin khi tổ chức dạy học trực tuyến.

Đối với các địa phương, các khối lớp học có học sinh còn khó khăn thì có thể thiết kế bài học qua tin nhắn ứng dụng OTT (Skype, Facebook Messenger, Zalo, Viber…), qua hộp thư điện tử, các phương tiện thông tin liên lạc khác…hay có thể in sao trên giấy và gửi đến cho cha mẹ học sinh.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc dạy học trực tuyến do dịch bệnh phức tạp (ảnh: P.N)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện việc dạy học trực tuyến do dịch bệnh phức tạp (ảnh: P.N)

Giáo viên có thể giới thiệu các đoạn video clip, được các đơn vị xây dựng theo hướng dẫn 2236/SGDĐT-GDTH ngày 11/8/2021 của Sở Giáo dục, sau đó kết hợp tổ chức thêm các hoạt động khác để có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.

Riêng đối với học sinh lớp 1,2 thì giáo viên cần tăng cường tương tác thời gian thực, gân gũi và thân thiện với học sinh, kết hợp nhiều hoạt động học tập xen lẫn với vui chơi, vận động với thời lượng phù hợp để tạo sự hứng thú cho các em.

Nhà trường sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với thời gian học tập của học sinh, cung cấp các thông tin hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh đăng nhập vào website nhà trường bằng tài khoản của học sinh, để học tập hay bằng các ứng dụng khác.

Giáo viên có biện pháp theo dõi, nhận xét, đánh giá các nhiệm vụ học tập mà học sinh đã thực hiện được, động viên, khuyến khích học sinh hoàn thành các bài tập, hoạt động.

Kế hoạch dạy trực tuyến đến hết học kỳ 1, nên đầu năm học, Sở đã nghiên cứu, triển khai các lớp học trên truyền hình. Đây là nguồn dữ liệu để học sinh, phụ huynh có thể học thêm để kết hợp với các hình thức học tập khác.

Các lớp học còn lại bắt đầu học bằng rất nhiều phương tiện, cách thức cụ thể.

Đối với các em đã có đủ điều kiện học tập thì học trực tuyến với giáo viên theo khung giờ rất linh hoạt. Sở chỉ đạo các đơn vị trường học trong dạy học trực tuyến cần tăng cường phát triển năng lực tự học, tự đọc tài liệu của học sinh. Tăng thời lượng học tập có hướng dẫn tại nhà, khi học online là chỉ để làm bài tập, thầy cô giáo giải đáp các thắc mắc của học sinh.

Việc này sẽ làm giảm số giờ phải ngồi học online của học sinh, tránh được việc mạng chập chờn, khiến việc tiếp thu kiến thức của học sinh không được trọn vẹn.

Đối với các em học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến, thì nhà trường sẽ gửi tài liệu giấy và các hướng dẫn học tập để các em tự học.

Sau đó sẽ ghi lại các thắc mắc để trao đổi với giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có liên lạc, trao đổi qua đường dây nóng giải đáp các thắc mắc được các trường tổ chức thực hiện với các giáo viên có chuyên môn đã được trường phân công.

Sở Giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kho học liệu là các bài dạy, các bài kiểm tra đánh giá, các tư liệu học tập…Với các kho học liệu này, các em có thể học bất cứ lúc nào nếu có điều kiện.

Thưa ông, với số lượng học sinh không đủ các thiết bị, đường truyền (khoảng hơn 72.000 em) để học tập trên internet, ngành đã có những giải pháp gì để hỗ trợ, cũng như đảm bảo việc học tập cho những đối tượng này?

Đây là một trong những vấn đề được quan tâm, khi toàn ngành triển khai việc dạy và học trên internet cho học sinh khi năm học mới bắt đầu.

Theo khảo sát, hiện nay có khoảng hơn 72.000 học sinh thiếu các điều kiện học tập trên internet như không có các thiết bị, đường truyền…

Căn cứ vào khảo sát của từng trường, Sở Giáo dục đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ đối tượng học sinh gặp khó khăn trong quá trình tham gia vào việc học trực tuyến như không có thiết bị công nghệ, nhà không có mạng internet, đường truyền yếu…

Nhóm giải pháp về phương pháp giảng dạy như đã nói ở trên: Xây dựng thành quá trình học tập, hoạt động học chủ động bất kỳ trong không gian, thời gian, học sinh đều có thể tiếp cận được chủ đề trên không gian LMS.

Giáo viên xây dựng học liệu giấy, để học sinh tự học, tự làm các bài kiểm tra sau khi học để đánh giá khả năng tiếp nhận kiến thức, sau đó thì ghi lại các thắc mắc và trao đổi với giáo viên.

Nhóm giải pháp hỗ trợ máy móc, thiết bị để học sinh học tập: Chỉ đạo mỗi đơn vị nhà trường thực hiện, tiến hành khảo sát, thống kê tỷ lệ học sinh không có khả năng học trực tuyến, xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục.

Phối hợp với các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện thuận lợi về thiết bị, kết nối mạng internet phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, những em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện Sở cũng đã làm việc với VNPT, Viettel thực hiện giảm giá cước sử dụng data, miễn phí truy cập vào 9 hệ thống phần mềm LMS để học tập trực tuyến.

Thưa ông, diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, học sinh của thành phố vẫn còn có thể phải kéo dài thời gian học trực tuyến. Vậy Thành phố Hồ Chí Minh có thể kiến nghị, đề xuất gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc giảm tải chương trình, kiểm tra đánh giá?

Do thành phố đã định hướng việc giảng dạy theo hướng hình thành năng lực cho học sinh, nên các kiến thức, kỹ năng để hình thành năng lực lại xâu chuỗi, liên hệ với nhau giữa các bài, chương trong bài học.

Thế nên, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài, Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bên cạnh việc giảm cơ học các đơn vị kiến thức, thì cũng cần giảm tải các năng lực ở mỗi môn học, chỉ chọn lọc một vài năng lực chính cần hình thành cho học sinh ở mỗi môn học, cấp học trong tình hình dạy và học khó khăn do dịch bệnh kéo dài.

Việc xác định rõ các năng lực chính sẽ làm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh trong công tác dạy và học.

Trân trọng cảm ơn Ông.

Việt Dũng