Thầy Thái Văn Thành: "Dạy học trực tuyến, thầy cô không nên kêu khó kêu khổ"

10/09/2021 06:00
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An, giáo viên không nên kêu khó, khổ khi dạy học online, bởi họ là người đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số "cách mạng 4.0".

Để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, thời gian vừa qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức khai giảng và dạy học trực tuyến. Tuy nhiên việc học online này, khiến nhiều người cảm thấy còn nhiều khó khăn về đường truyền internet, thiết bị học tập... cần có giải pháp khắc phục.

Về vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi phỏng vấn với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An – Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An – Giáo sư,Tiến sỹ Thái Văn Thành (Ảnh: Báo Nghệ An)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An – Giáo sư,Tiến sỹ Thái Văn Thành (Ảnh: Báo Nghệ An)

Khó khăn và cách khắc phục

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành, trong đợt khai giảng vừa qua, tỉnh Nghệ An tổ chức khai giảng trực tuyến và đồng thời triển khai dạy học online. Theo thống kê, tại Thành phố Vinh và các Thị xã, các em học sinh đều có đủ 100% phương tiện để học trực tuyến, vùng nông thôn thì đạt khoảng trên 83%, còn miền núi thì chỉ đạt trên 60%.

“Tỉnh Nghệ An có 6 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện vùng núi cao gặp khó khăn về đường truyền internet, đặc biệt có nơi chưa có điện nên rất khó khăn”, ông Thành nói.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm, trước thực trạng trên, đơn vị cũng chỉ đạo các Hiệu trưởng trường học rà soát đến từng học sinh thiếu cái gì, để kêu gọi các tổ chức cá nhân ủng hộ máy tính cũ, điện thoại cũ cho các em.

Bên cạnh đó, các cơ quan tổ chức chính trị của tỉnh cũng vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các em nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.

Để việc dạy học trực tuyến ổn định cần phải có đường truyền băng thông thông rộng, nên Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An đã tổ chức phân bố cho học sinh học 3 buổi trong 1 ngày và cả học nhóm.

“Thực tế, có những gia đình điều kiện khó khăn chỉ có 1 chiếc điện thoại hoặc máy tính trong khi có 2-3 con cùng đi học, thì việc học phân bổ thời gian như vậy để đỡ khó khăn cho các gia đình”, Lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Vị lãnh đạo này cũng nhận định, để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho phụ huynh, học sinh thì việc dạy học trực tuyến là tối ưu nhất được đặt lên hàng đầu và phương pháp giảng dạy này cũng là xu hướng của thế giới.

Tại những địa phương miền núi, Sở cũng kết hợp dạy trực tuyến và dạy trực tiếp ở những địa phương không có dịch, bởi các cháu không thể có đủ điều kiện sắm thiết bị học tập.

Giáo viên không nên kể khó, kể khổ

Giáo sư – Tiến sỹ Thái Văn Thành nhận định, việc dạy học trực tuyến đối với khối phổ thông Cấp 2 và Cấp 3 thì không khó đối với các giáo viên, nhưng lại rất vất vả đối với các giáo viên Cấp 1, bởi kĩ năng sử dụng công nghệ của các thầy cô còn hạn chế.

“Chúng tôi nói với giáo viên rằng, đừng có kêu khó đừng có kêu khổ, vất vả khi dạy học online. Thầy cô phải là người động viên, chia sẻ khích lệ phụ huynh, hỗ trợ học sinh”, Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành cho hay.

Bên cạnh những khó khăn về việc dạy và học trực tuyến, lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An cũng nhận định đây là cơ hội để đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số trong thời cách mạng 4.0, theo xu thế chung của thế giới.

Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành lấy ví dụ, chúng ta không thể nhìn thấy được sự thiệt thòi của các cháu học sinh ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên 10 năm sau thì chúng ta mới thấy các cháu có bị thiệt thòi hay không.

“Đừng để 10 năm sau khi đó các cháu nói rằng chúng thiếu kĩ năng này, kĩ năng kia. Giáo dục phải có tầm nhìn như vậy để đến năm 2030 chúng ta có nguồn nhân lực chuyển đổi số, hội nhập quốc tế tốt, và 4.0 ta vững vàng”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nói.

Để thực hiện việc đào tạo trên, vị lãnh đạo này nhận định cần phải có sự đầu tư từ phía phụ huynh, học sinh cho đến đội ngũ giáo viên và cộng đồng xã hội.

Bộ nên đề nghị các nhà mạng hỗ trợ cho giáo viên, học sinh cả nước

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc dạy và học trực tuyến, lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An cũng có đề xuất đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông cho rằng, việc tập huấn dạy học trực tuyến thì do các tỉnh thành tự làm, kết hợp với sự giúp đỡ của các nhà mạng viễn thông.

Đối với tỉnh Nghệ An, đơn vị phối hợp với VNPT và Viettel để tập huấn cho giáo viên. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần có sự tập huấn của Bộ Giáo dục nhằm đảm bảo ngân sách hỗ trợ cho địa phương tốt hơn.

“Tôi đề nghị Bộ Giáo dục tạo điều kiện để có đường truyền băng thông rộng, có dung lượng lớn để cho giáo viên, học sinh truy cập. Bên cạnh đó, cần có chương trình tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy học trực tuyến.

Bộ cũng nên đề nghị các nhà mạng hỗ trợ cho giáo viên, học sinh được giảm giá về sim 3G, 4G, hoặc giá truy cập internet. Hoặc nếu không thì có thể hỗ trợ đồ đã qua sử dụng như điện thoại thông minh và máy tính nhằm động viên và khích lệ các em trong học tập trực tuyến. Làm được điều này, nhân đân và phụ huynh cũng đồng cảm về giáo dục của chúng ta”, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An nói.

Vị này cũng đề xuất thêm, về lâu dài, trong chương trình dạy học thiết bị tối thiểu, Bộ Giáo dục cũng nên đưa một số phương tiện dạy học trực tuyến vào trong danh mục dạy học, để sự có đầu tư của Chính phủ và chính quyền.

Năm nay, việc dạy học trực tuyến được thực hiện ngay từ Học kì 1 thì Bộ cũng nên có hướng dẫn giảm tải trong dạy học trực tuyến, chỉ dạy kiến thức cơ bản, cốt lõi, còn những kiến thức tự học thì hướng dẫn các em ở nhà.

Khi đã giảm tải thì việc kiểm tra, đánh giá theo nội dung giáo viên dạy cho học sinh, còn nội dung học sinh tự học thì không kiểm tra nữa, để không tạo áp lực cho học sinh.

Mạnh Đoàn