Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Nếu đam mê hãy học ngành y, đừng ngại khó

30/11/2021 06:31
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi luôn ghi nhớ trong lòng lời dạy của các thầy cô đã dạy rằng: “Phẫu thuật viên không chỉ mổ bằng đôi bàn tay mà phải bằng cả cái đầu và bằng cả trái tim mình”.

Bác sĩ Chuyên khoa II, Thạc sĩ Nguyễn Vũ Phương - Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) được trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2021.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương để lắng nghe chia sẻ của ông về niềm đam mê, trăn trở đối với ngành y cũng như những gửi gắm tới thế hệ trẻ của đất nước.

Xin chúc mừng bác sĩ Nguyễn Vũ Phương vừa được đón nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Thầy có thể chia sẻ cảm xúc khi vừa qua được đón nhận danh hiệu cao nhất của ngành y?

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Khi xác định theo đuổi ngành y, tôi xác định cố gắng phấn đấu học tập tốt, làm việc tốt để trở thành một người thầy thuốc của nhân dân. Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân là sự công nhận và tôn vinh của Nhân dân, của Đảng và Nhà nước với bản thân tôi cũng là niềm vinh dự, tự hào của Trường, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên), của gia đình và của quê hương Phú Thọ yêu dấu.

Đồng thời tôi như được trao một trách nhiệm lớn lao, nặng nề hơn trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân cũng như trong việc đào tạo nhân lực cho ngành chăm sóc sức khoẻ.

Cơ duyên nào giúp thầy gắn bó với Bộ môn Ngoại? Trong quá trình học tập và thực hành, thầy đã gặp phải những khó khăn nào và vượt qua ra sao?

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Yên Lập - một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ, từ nhỏ ba anh em tôi đã sống cùng bà nội. Dù kinh tế khó khăn nhưng bà nội luôn khích lệ các cháu vượt khó học tập tốt.

Với mơ ước mình phải vượt qua dãy núi bao bọc quanh huyện để mở mang tầm hiểu biết, mặc dù các bạn cùng trang lứa chỉ học đến lớp 6, lớp 7 đều nghỉ về lao động, trường cấp 3 cách nhà hơn 20 km, nhưng tuần nào tôi cũng đi bộ từ tờ mờ sáng vượt núi, các khe suối đến trường.

Bác sĩ Chuyên khoa II, Thạc sĩ Nguyễn Vũ Phương - Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) vinh dự được trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2021 (ảnh: NVCC)

Bác sĩ Chuyên khoa II, Thạc sĩ Nguyễn Vũ Phương - Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) vinh dự được trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2021 (ảnh: NVCC)

Với sự nỗ lực của bản thân, năm 1978 tôi là 1 trong 4 học trò của trường cấp 3 của huyện thi đỗ vào đại học. Tôi đỗ vào Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội tại Thái Nguyên.

Kỳ thực, tôi đăng ký vào trường y là do ngày xưa có câu “nhất y, nhì dược…” chứ hoàn toàn không có hiểu biết gì về ngành. Mặc dù mình là học sinh giỏi của trường cấp 3, song năm thứ nhất đại học mình chỉ đạt học lực trung bình. Giai đoạn đó, hòa bình mới được lập lại, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, điều kiện ăn ở, học tập của sinh viên vô cùng thiếu thốn.

Song với quyết tâm không thua kém các bạn trong lớp, năm thứ hai mình nỗ lực vươn lên trở thành học sinh khá của lớp, được các thầy cô tin tưởng giao nhiệm vụ làm lớp phó học tập, rồi làm lớp trưởng. Sau 6 năm miệt mài đèn sách, tốt nghiệp mình là 1 trong 3 sinh viên xuất sắc được giữ lại Trường Đại học Y khoa Bắc Thái làm giảng viên.

Với niềm đam mê từ khi bước chân vào trường đại học y, tôi chọn chuyên ngành Ngoại khoa - một chuyên ngành đòi hỏi gần như toàn diện: yêu cầu về sức khoẻ, sự cẩn trọng, sự khéo léo, sự kiên nhẫn trong học tập và nghiên cứu, ngoài ra chuyên ngành này còn có những yêu cầu khắt khe về chuyên môn, tính trách nhiệm cá nhân, tinh thần làm việc tập thể, đề cao tính kỉ luật do vậy phải luôn luôn học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức.

Khi theo chuyên ngành Ngoại khoa, cần phải bỏ nhiều thời gian học hỏi, áp dụng thuần thục và sáng tạo trong thực hành nghề nghiệp, phải liên tục cập nhật các kiến thức chuyên ngành nhất là ứng dụng công nghệ thông minh trong khám chữa và chăm sóc người bệnh.

Tôi luôn ghi nhớ trong lòng lời dạy của các thầy cô đã dạy rằng: “Phẫu thuật viên không chỉ mổ bằng đôi bàn tay mà phải bằng cả cái đầu và bằng cả trái tim mình”. Chính vì vậy, trong sự nghiệp làm thầy thuốc và thầy giáo của mình tôi đã dành trọn niềm đam mê nhiệt huyết của mình cho công việc, tận dụng từng cơ hội để học tập từ các thầy cô giáo, từ các đồng nghiệp và từ những người bệnh của tôi.

Với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, thầy đánh giá như thế nào về thành tựu y khoa Việt Nam nói chung và chuyên ngành mà thầy nghiên cứu nói riêng?

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Cuộc sống luôn luôn vận động, các chuyên ngành chăm sóc sức khoẻ nói chung và ngành y nói riêng cũng luôn vận động, phát triển không ngừng trên nền tảng y học từ thời Hypocrat.

Cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 hiện nay đã mang lại những kì tích mà trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ có được. Ngành bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đã có những thành tựu to lớn trong hơn 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu.

Những thành tựu chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như ghép tạng, ứng dụng tế bào gốc, điều trị bằng y học cổ truyền, châm cứu... đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng và phát huy hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Bản thân tôi còn nhớ những năm 80 thế kỉ trước, chúng tôi đã phải dùng chỉ may vá bằng sợi coton bán ngoài chợ mang về cắt thành đoạn 20 - 25 cm sau đó luộc kĩ 15 phút, hấp rồi dùng cho cả một cuộc phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, ruột...khâu từ trong ổ bụng ra ngoài thành bụng.

Ngày nay, các dụng cụ nội soi, cánh tay robot dưới sự điều khiển của con người đã làm thay bàn tay của các phẫu thuật viên. Các bác sĩ Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu hoặc phương pháp cứu chữa người mà các đồng nghiệp trên khắp thế giới nể phục và học tập theo.

Trước kia, khi đất nước còn chiến tranh và nghèo khổ chúng ta đã có các Thầy lớn làm vang danh đất Việt như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Văn Chung, Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Nguyễn Tài Thu....thời nay chúng ta có những bác sĩ tiếp bước khẳng định vị thế của nền y học nước nhà như Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giáo sư Trịnh Hồng Sơn.....và nhiều giáo sư, bác sĩ khác đã tận tâm tận lực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân một cách toàn diện và hiệu quả.

Theo thầy, để đào tạo ra thế hệ y bác sĩ, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo, quản lý bệnh viện mới với những kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng những yêu cầu mới thì điều kiện cần và đủ là gì?

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Để đào tạo ra một bác sĩ, đặc biệt là đào tào tạo ra đội ngũ lãnh đạo, quản lí bệnh viện trong tình hình mới có những kỹ năng cần có đáp ứng yêu cầu mới của thời đại thì sự thực hành thuần thục về chuyên môn cùng với những bằng cấp, học hàm và học vị vẫn là những điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Nền y học đang phát triển một cách nhanh chóng, công nghệ chăm sóc sức khoẻ và các phương pháp điều trị mới đang được định hình việc ra quyết định của người thầy thuốc.

Nhiều chính sách về y tế liên tục thay đổi trong việc cung ứng các dịch vụ lâm sàng đa dạng đến các hoạt động giám sát chất lượng khám chữa bệnh, hồ sơ sức khoẻ điện tử, chi phí khám chữa bệnh, cải tiến và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, chương trình cải thiện sức khoẻ dân số...là những thách thức lớn với các nhà quản lý bệnh viện nếu không được trang bị kiến thức, kĩ năng cần thiết để quản trị bệnh viện ngoài những kiến thức chuyên môn đã có.

Do vậy, theo ý kiến riêng của tôi chúng ta cần có chiến lược đào tạo một thế hệ lãnh đạo, quản lí bệnh viện mới với những kĩ năng cần có để đáp ứng yêu cầu mới.

Trước tiên, cần tìm và xác định các nhà lãnh đạo và quản lí tiềm năng tại chính các cơ sở y tế rồi hướng cho họ tham gia các chương trình đào tạo chính quy cùng với các hoạt động thường qui tại chính cơ sở y tế đó.

Thứ hai, cần phải có quy trình tuyển chọn để chọn ra những người không chỉ có kinh nghiệm, tầm nhìn tốt mà còn phải là người thấy được giá trị cốt lõi của cơ sở y tế của mình, có thể thu hút và truyền cảm hứng cho người khác và tập hợp xung quanh mình hướng đến một tầm nhìn chung. Cũng phải là người hiểu rõ chuyên ngành của mình, tôn trọng và hỗ trợ các lợi ích khác nhau của các nhóm làm việc trong cơ sở y tế của mình.

Ngoài ra, người lãnh đạo và quản lý bệnh viện cần tham gia và hoà nhập các hoạt động văn hoá của cơ sở y tế của mình để có sự kết nối, hợp tác trong công việc chuyên môn.

Trong tình hình mới hiện nay, các nhà quản lý và lãnh đạo bệnh viện cần phải chủ động nắm bắt những yêu cầu từ thực tế, những mong đợi của xã hội và từ đó mới có cơ hội phát triển các mối quan hệ hỗ trợ trong lập kế hoạch hoạt động và cho phép đạt được hiệu quả, thành công trong việc.

Trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp thời gian qua, công tác tuyển sinh năm 2020, 2021 khối ngành sức khỏe đã có sự chuyển dịch nhẹ thể hiện qua việc nhiều thí sinh lựa chọn ngành học khác thay vì chọn ngành y. Thầy có nhận định và lời khuyên gì dành cho các bạn học sinh, sinh viên?

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Ngành sức khoẻ là ngành đặc thù, tính chất công việc ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng con người do vậy nhóm ngành này có những yêu cầu đòi hỏi khắt khe về nghề nghiệp.

Theo Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Nền y học đang phát triển một cách nhanh chóng, công nghệ chăm sóc sức khoẻ và các phương pháp điều trị mới đang định hình việc ra quyết định của người thầy thuốc.

Theo Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: Nền y học đang phát triển một cách nhanh chóng, công nghệ chăm sóc sức khoẻ và các phương pháp điều trị mới đang định hình việc ra quyết định của người thầy thuốc.

Bên cạnh yêu cầu về trình độ chuyên môn, tính trách nhiệm cao thì kiên nhẫn và đam mê là những yếu tố cần có ở những con người làm trong ngành này.

Qua diễn biến của các đợt dịch COVID-19 vừa qua trên toàn cầu cho thấy nguồn lực ngành chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ là quá thiếu, nhiều nơi còn quá yếu.

Số lượng bác sĩ, điều dưỡng và kĩ thuật viên của nhiều nước chưa đủ đáp ứng khi xảy ra một thảm kịch y tế trên qui mô toàn cầu. Đây là một mối nguy rất lớn với toàn nhân loại.

Theo thống kê chung, hiện nay nhân lực y tế nước ta hiện nay mới có 7,2 bác sĩ và 13 điều dưỡng và kĩ thuật viên/ 10.000 dân, nghĩa là còn quá thiếu hụt nhân lực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Gần đây, qua một khảo sát tại các trường trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh quan tâm đến lĩnh vực khoa học sức khoẻ chỉ chiếm khoảng 5 - 7%, ít hơn nhiều so với các ngành công nghệ và kinh doanh. Đặc biệt trong những năm 2020, 2021 đã có một sự dịch chuyển nhẹ làm giảm tỷ lệ học sinh đăng kí vào ngành chăm sóc sức khoẻ.

Việt Nam là một nước có dân số vào hàng đông của Đông Nam Á và Châu Á nói chung, dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề sức khoẻ hơn bao giờ hết, song nguồn nhân lực y tế chưa đáp ứng được cả về số và chất lượng.

Do vậy, lựa chọn theo học nhóm ngành này các em học sinh sẽ có nhiều chọn lựa cho mình: Bác sĩ đa khoa, chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, nhãn khoa, nha khoa....

Hoặc các công việc nghiên cứu tìm ra các thuốc mới, các vaccin mới, các phương pháp phòng, chữa bệnh mới hay phục vụ công tác đào tạo để duy trì nguồn nhân lực dài hạn hoặc các vị trí quản lý nhà nước về y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Nếu có đam mê, thí sinh chọn khối ngành sức khoẻ vừa có kiến thức tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, người thân và cho cộng đồng vừa cảm nhận được rằng nhu cầu nhân lực của ngành chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam còn rất lớn.

Ngoài ra, do tính chất công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng con người do vậy nhóm ngành học y tế sẽ có môi trường để rèn luyện và phát triển bản thân hoàn hảo cho dù người học nhóm ngành này phải bỏ nhiều thời gian để học tập, thực hành trên người bệnh.

Các kiến thức về y tế vẫn chưa hoàn toàn đủ, trong quá trình trau dồi kiến thức người học còn được tiếp xúc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, tâm lí, công nghệ, chính trị, xã hội...sẽ tạo nền tảng vững chắc cho người học, mang lại những trải nghiệm thú vị và vốn kiến thức vô cùng rộng lớn.

Khi học xong chương trình chăm sóc sức khoẻ, các em sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm không những tại Việt Nam mà còn được làm việc tại môi trường quốc tế vì Việt Nam đã tham gia Hiệp định ACC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) dự kiến có cơ hội 14 triệu việc làm tại khu vực các nước Đông Nam Á.

Ngay từ thế kỉ trước, vào những năm sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khi lựa chọn ngành học chúng tôi cứ rỉ tai nhau “nhất y, nhì dược” và cho đến nay, thế kỉ 21 đã đi qua gần 1/4 đường thì một trong những ngành học hấp dẫn nhất vẫn là ngành y dược.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: "Đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy nhu cầu cần đến đội ngũ thầy thuốc lớn như thế nào cũng như vai trò và sự hy sinh thầm lặng của họ trong công việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân" (ảnh: NVCC)

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương: "Đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy nhu cầu cần đến đội ngũ thầy thuốc lớn như thế nào cũng như vai trò và sự hy sinh thầm lặng của họ trong công việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân" (ảnh: NVCC)

Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, nguyện vọng 1 chỉ tiêu phân bổ cho ngành chăm sóc sức khỏe đứng thứ 8/15 nhóm ngành đại học hấp dẫn nhất năm 2021.

Đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy nhu cầu cần đến đội ngũ thầy thuốc lớn như thế nào cũng như vai trò và sự hy sinh thầm lặng của họ trong công việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Nhìn ở góc độ khách quan thì ngành chăm sóc sức khoẻ may mắn vì không rơi vào tình trạng thất nghiệp như nhiều ngành nghề khác cho dù nền kinh tế, nền chính trị - xã hội có thay đổi như thế nào cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến vai trò, chức năng ngành y tế.

Một điều các em đã nhận thấy rõ là những con người làm việc trong ngành chăm sóc sức khoẻ luôn luôn nhận được sự tôn trọng và yêu quý của toàn xã hội bởi vì những đóng góp rất nhân bản của họ đối với xã hội.

Tại Việt Nam đã có riêng một Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 hàng năm là ngày toàn xã hội tri ân, tôn vinh những đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của những người "chiến sĩ áo trắng", thể hiện sự yêu mến và kính trọng của mọi người đối với những thành quả công việc của họ.

Trân trọng cảm ơn Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Vũ Phương.

Thùy Linh (thực hiện)