Thí sinh lựa chọn ngành nghề nên dựa vào tiêu chí nào?

25/07/2016 06:46
Thùy Linh
(GDVN) - Cán bộ Bộ GD&ĐT khuyên: "Thí sinh nên lựa chọn theo tổ hợp môn nào mà mình có điểm và có cơ hội trúng tuyển cao nhất".

Không nên coi xét tuyển là “chơi chứng khoán”

Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2016 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội diễn ra vào 23/7, một số phụ huynh chia sẻ họ tìm kiếm phương án tuyển sinh cho con như “chơi chứng khoán” tức là phải chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn một nguyện vọng vào một trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, nhưng không tự tin.

Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là nguyện vọng số 1.

Phụ huynh không nên coi xét tuyển là “chơi chứng khoán” (Ảnh: Thùy Linh)
Phụ huynh không nên coi xét tuyển là “chơi chứng khoán” (Ảnh: Thùy Linh)

TS Vũ Viết Bình - Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên các phụ huynh và thí sinh:

Chúng ta không nên coi việc vào được Đại học như chơi chứng khoán. Thay vào đó, cần phải định hướng ngành nghề cho các em xuất phát từ sở thích, đam mê, năng lực của con. Chứ không nên phụ thuộc vào may mắn để chỉ giải quyết được chuyện vào cho được Đại học nào. 

Vì có thể may mắn thí sinh đỗ vào một ngành nào đó, nhưng không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt.Thậm chí nếu có trượt các em vẫn hoàn toàn có thể ôn thi lại năm sau nhưng ra trường được làm đúng việc phù hợp với bản thân
”. 

Nhiều phụ huynh quan tâm tới các tổ hợp môn thi, số nguyện vọng xét tuyển. Về điều này, ông Nam Nhật Minh (Phó trưởng phòng quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT) cho rằng với phương thức xét tuyển năm nay, thí sinh có thể đăng kí xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của từng trường.

Phụ huynh và thí sinh cần lưu ý, một ngành có thể xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn. Do đó các em nên lựa chọn theo tổ hợp môn nào mà mình có điểm và có cơ hội trúng tuyển cao nhất”, ông Minh chia sẻ.

Lưu ý xét tuyển nhóm GX

Trước câu hỏi của một thí sinh muốn đăng ký cả trường trong nhóm GX và trường ngoài nhóm thì hồ sơ đăng ký xét tuyển khác nhau như thế nào, ông Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết:

Nhóm GX gồm 12 trường Đại học, bao gồm khối ngành kinh tế, kỹ thuật, với chỉ tiêu dự kiến khoảng 45 nghìn sẽ thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển.

Thí sinh lựa chọn ngành nghề nên dựa vào tiêu chí nào? ảnh 2

Thi sinh lưu ý phương thức xét tuyển đại học theo nhóm trường

(GDVN) - Có 2 nhóm trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển là nhóm trường do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì (GX) và nhóm do Đại học Đà Nẵng chủ trì.

Mẫu đơn đăng ký xét tuyển của nhóm GX được thiết kế khác so với mẫu đăng ký xét tuyển các trường khác, thí sinh có thể tải mẫu đơn này từ trang web của các trường thuộc nhóm và website của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh đăng ký vào trường nhóm GX phải lưu ý dùng mẫu đơn đăng ký xét tuyển riêng của nhóm.

Lưu ý: Nếu thí sinh đã đăng ký 2 – 3 nguyện vọng trở lên trong nhóm GX sẽ không có quyền đăng ký vào trường ngoài nhóm GX nữa.

Về phương thức xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu đăng ký xét tuyển đến bất kỳ trường nào trong nhóm 12 trường của GX.

Tại gian tư vấn xét tuyển Đại học Mỏ - Địa chất, PGS.TS Bùi Xuân Nam – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết lý do tham gia nhóm GX do GX – phương thức xét tuyển này sử dụng hệ thống dữ liệu xét tuyển chung nên sẽ tránh được tình trạng “trúng tuyển ảo” như năm trước. 

Hơn nữa, nhóm GX có danh sách các nhóm ngành cụ thể mà các trường trong nhóm đều đào tạo, nhưng mỗi trường có đặc trưng khác nhau, tăng cơ hội cho thí sinh. 

Tuy nhiên, thầy Nam cũng cho biết, áp lực của các trường trong nhóm GX sẽ được chia đều cho tất cả các thành viên vì thí sinh không chỉ quan tâm tới chất lượng đào tạo, uy tín của trường mà còn chú trọng tới cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thí sinh lựa chọn ngành nghề nên dựa vào tiêu chí nào? ảnh 3

Điều chỉnh nhiều chế độ ưu tiên để xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2016

(GDVN) - Năm 2016, quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2016 có một số điều chỉnh, thí sinh cần lưu ý.

"Theo thống kê hàng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất có việc làm khoảng trên 80% sau 1 năm. Trường chú trọng đào tạo các ngành: kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật địa vật lý, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật mỏ... 

Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chủ động liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài nhằm điều chỉnh phương pháp giảng dạy, thực hành phù hợp với nhu cầu xã hội nên cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp luôn mở rộng
".

Dự kiến điểm chuẩn vào trường, PGS.TS Bùi Xuân Nam cho biết, với những khoa lấy điểm thấp thì sẽ lấy bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, còn với khoa cao, ngành hot dự đoán khoảng 18-19 điểm. 

Học ngành gì thì em có cơ hội được bầu vào Quốc hội?

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội, ngoại ngữ, sư phạm, luật, công an, quân đội, y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại thương, kế toán – kiểm toán, marketing, quản trị kinh doanh, một thí sinh Hà Nội đặt câu hỏi: “Học ngành gì thì em có cơ hội được bầu vào Quốc hội?”. 

Câu hỏi này được TS Phạm Mạnh Hà, phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tư vấn: Các em học ngành công tác thanh niên của Học viện Thanh thiếu niên để làm cán bộ Đoàn các cấp.

Các cán bộ Đoàn có cơ hội cao tham gia vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống chính trị các cấp. Mỗi kì bầu Quốc hội, cơ hội cho các đại biểu trẻ là cán bộ Đoàn cũng luôn được quan tâm.

Tuy nhiên, TS Phạm Mạnh Hà cũng nhấn mạnh dù làm ở ngành nào, nếu các bạn trẻ có tâm huyết, có ý thức và luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện thì các em đều có thể đóng góp cho đất nước theo cách khác nhau.

Thùy Linh