Thiếu giáo viên, lấy cử nhân chưa có chứng chỉ nghiệp vụ đi dạy có được không?

29/04/2022 06:45
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có ý kiến cho rằng, để cử nhân có chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy là biện pháp không khả thi.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là năm đầu tiên áp dụng cho lớp 3, lớp 7, lớp 10. Tuy nhiên, dù chỉ còn vài tháng nữa là bước vào năm học nhưng ở nhiều trường học, đội ngũ giáo viên vẫn thiếu trầm trọng.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Minh Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mộc Lỵ, tỉnh Sơn La cho biết, hiện tại nhà trường không có giáo viên Ngoại ngữ 2, Âm nhạc và Mỹ thuật.

“Tuy nhiên đây là những môn tự chọn và lựa chọn nên trường sẽ linh hoạt, thay thế bằng môn học khác như Công nghệ, Tin học chẳng hạn. Nếu học sinh có nguyện vọng học các môn Nghệ thuật trường sẽ tiến hành tổ chức, thành lập câu lạc bộ, mời giáo viên cấp 1, cấp 2 lên dạy”, thầy Hải nói.

Trong khi đó, thầy Phạm Minh Thế - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Châu, tỉnh Sơn La thông tin, thiếu giáo viên Nghệ thuật là tình trạng chung của các trường trung học phổ thông tại tỉnh Sơn La.

Hiện tại, trường đang phối hợp với các trường trung học cơ sở để khảo sát nguyện vọng, sở thích của các em học sinh. Đây cũng là một trong những điều kiện thiết yếu để chọn ra tổ hợp môn phù hợp với lớp 10 trong năm học 2022-2023.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

“Hiện tại, Trung học phổ thông Yên Châu có 8 lớp 10 và không có giáo viên môn Nghệ thuật. Trong năm học tới, nếu học sinh có nguyện vọng học môn này, trường sẽ liên kết, phối hợp với trung học cơ sở và các trường phổ thông nội trú có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để mời họ sang dạy, đồng thời nếu bên trường đó thiếu giáo viên trường cũng sẽ cử giáo viên đến hỗ trợ.

Tình trạng dạy tăng cường này sẽ diễn ra tầm 1 đến 2 năm trong lúc chờ nguồn giáo viên đang được đào tạo ra trường và đáp ứng nhu cầu hiện tại của học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực làm công tác tư vấn, định hướng sao cho các em có thể phát triển năng lực của từng cá nhân”, thầy Thế cho hay.

Như vậy, kể từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến thời điểm hiện nay thì cũng đã gần 5 năm nhưng khi các trường phổ thông bước vào áp dụng giảng dạy thì nhiều môn học mới vẫn chưa có giáo viên. Nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng này.

Một trong số đó là đề xuất để cử nhân chuyên ngành phù hợp với Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ 2,..(nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và chưa có kinh nghiệm) tham gia giảng dạy với hình thức thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng. Tuy nhiên, những trường hợp này phải đảm bảo bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày đi dạy.

Đánh giá về đề xuất này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Châu cho rằng, nghiệp vụ là cái quan trọng, mỗi ngành thì nghiệp vụ sẽ khác nhau. Có chuyên môn nhưng không phải chuyên ngành sư phạm tham gia giảng dạy tại các trường sẽ kéo theo nhiều bất cập.

“Chúng ta phải hướng tới đào tạo chuyên ngành vì nó không chỉ liên quan đến kiến thức, ví dụ như ngành sư phạm còn liên quan đến tâm lý sư phạm. Mỗi trường đều phải hướng tới sự bền vững, lâu dài nên dù các trường hợp đó cam kết bổ sung chứng chỉ nhưng cũng phải xét đến khía cạnh các trường sư phạm đang tiến hành đào tạo một nguồn nhân lực lớn, mai sau các bạn này ra trường lại không có vị trí việc làm thì phải giải quyết như thế nào”, thầy Thế bày tỏ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cần giáo viên như hiện nay, đối với các trường sử dụng các đối tượng trên thì sau một thời gian nhất định, nhà trường có trách nhiệm rà soát, đánh giá đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực thì mới có thể cho họ tiếp tục giảng dạy.

Giáo dục là sự nghiệp lâu dài, làm trái ngành, trái nghề sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết. Ví dụ như về việc trả lương, do ngân sách của trường có hạn và không phải trường nào cũng có khoản ngân sách dôi ra.

Cùng quan điểm này, thầy Phạm Anh Khoa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Yên, tỉnh Hà Giang cho rằng, để cử nhân có chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy là biện pháp không khả thi.

“Trước hết, mô hình đào tạo của các trường đại học khác với môi trường sư phạm và mục đích đào tạo cũng sẽ có sự khác nhau nhất định. Bên cạnh đó, trong sư phạm sẽ có bộ môn về tâm lý sư phạm và phương pháp giảng dạy để sau khi tốt nghiệp, nó sẽ trở thành kiến thức hữu ích giúp các cử nhân áp dụng vào chính môi trường học đường.

Mỗi một lứa tuổi thì tâm lý sẽ khác nhau. Điều quan trọng của một giáo viên là phải nắm rõ tâm lý từng lứa tuổi đặc biệt là lứa tuổi của cấp học mình sẽ giảng dạy. Tôi lấy ví dụ, trong lớp xảy ra vấn đề nào đó, nếu người giáo viên chưa có kiến thức, kỹ năng để giải quyết nó sao cho hợp lý thì có thể dẫn tới những hành động, cách ứng xử sai. Đó cũng là một trong những lý do dẫn tới nhiều vụ việc đáng tiếc như giáo viên đánh học sinh chẳng hạn”, thầy Khoa phân tích.

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mộc Lỵ lại bày tỏ, đề xuất này rất khả thi. Khi vào trường, những trường hợp này sẽ được giáo viên lâu năm hướng dẫn để tiếp cận với phương pháp giảng dạy tốt nhất. Sau đó, các bạn sẽ phải học bù để bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

“Trong trường hợp không bổ sung kịp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trong thời gian quy định nếu là lý do khách quan, trường sẽ tạo điều kiện gia hạn thêm 6 tháng để bổ sung. Còn khi đã tạo điều kiện rồi mà các bạn vẫn chưa bổ sung được chứng chỉ, nhà trường buộc phải chấm dứt hợp đồng”, thầy Hải nói.

Trần Lý