Thiếu tiền, ĐH Mỹ chọn thị trường Trung Quốc

31/12/2012 07:50
Theo VNN
Để thu hút tuyển sinh, nhiều đại học Mỹ mời chào phụ huynh và học sinh Trung Quốc bằng những yếu tố đánh trúng tâm lý họ, thậm chí đặt tên giống với trường VIP để gây tò mò.
Yếu tố giúp ĐH Samford dễ thu hút sự chú ý của hàng ngàn học sinh Trung Quốc hơn tại một hội chợ giáo dục gần đây là do nhiều người nhầm nó với một trường danh tiếng có cái tên gần giống là Stanford.
“Đó là khởi đầu tốt cho một cuộc trò chuyện” – Hunter Denson, cố vấn tuyển sinh quốc tế của Samford nói. “Lúc nào họ cũng thắc mắc về cái tên. Khi lần đầu tiên chúng tôi tới đây, đó là tất cả những gì họ quan tâm. ‘Các bạn có thuộc khối Ivy League không? Các bạn có nằm trong top 10 không? Tại sao linh vật của các bạn không phải là cây Stanford?".

ĐH Samford
ĐH Samford


Hội chợ giáo dục Trung Quốc – một sự kiện bắt đầu ở Bắc Kinh vào tháng 10 và tiếp tục ở 6 thành phố khác trong suốt tháng 11 – là chuyến đi thứ 3 của ông Denson tới Trung Quốc. Cách đây 1 năm là lần đầu tiên ông tới nước này sau khi Samford quyết định cần nhiều sinh viên quốc tế hơn. Cho đến nay, trường đã nhận khoảng 100 sinh viên Trung Quốc và đang tuyển sinh ở Nam Mỹ.

“Có nhiều trường lần đầu tiên tuyển sinh sinh viên quốc tế. Nhiều trường trong số đó đang tìm kiếm cơ hội ở những nền kinh tế mới nổi. Trung Quốc có nhiều sinh viên và có nhiều thành công về kinh tế trong thời gian gần đây”.

Trung Quốc là một thị trường “nóng” với các trường đại học Mỹ đang tìm kiếm sinh viên quốc tế.

Mùa thu năm nay, các trường Mỹ tiến hành tuyển sinh ở một hội chợ được công ty giáo dục EIC tổ chức tại Nam Kinh và một hội chợ khác ở Thượng Hải được tổ chức bởi Viện Giáo dục quốc tế - một tập đoàn phi lợi nhuận có trụ sở tại New York.

“Nó đang trở thành một loại hình kinh doanh lớn” – ông Peggy Blumenthal, cố vấn cao cấp của giám đốc Viện Giáo dục quốc tế nhận định. “Với sự suy thoái kinh tế ở Mỹ, các trường mong muốn có nhiều sinh viên quốc tế hơn để thu được học phí toàn phần”.

Trong số các trường mới tham gia hình thức tuyển sinh này có các trường cộng đồng và Cơ đốc giáo ở những thị trấn nhỏ - những trường tập trung vào nhóm sinh viên không thể vào được những trường đại học hàng đầu.

Nhân viên tuyển sinh của một số trường nhỏ hơn cho biết họ thích thị trường Trung Quốc một phần vì họ muốn toàn cầu hóa tập thể sinh viên, nhưng cũng vì họ có thể tìm được ở đây những sinh viên sẽ trả học phí toàn phần.

Học phí mỗi năm cho sinh viên quốc tế ở Samford là 24.570 USD, không bao gồm tiền nhà. Ở ĐH Mary Hardin-Baylor, Texas, con số này là 17.520 USD/ năm. ĐH Cộng đồng Green River, học phí là 9.600 USD/kỳ với sinh viên quốc tế, trong khi sinh viên địa phương chỉ phải trả 3.522 USD/ kỳ với cùng số tín chỉ.

Thách thức mà những trường này phải đối mặt khi tuyển sinh ở Trung Quốc là Samford không phải là Stanford.

Để bù lại, hầu hết các trường đều cung cấp những khóa học ngôn ngữ trước khi sinh viên bắt đầu học. Họ cũng nhấn mạnh – đặc biệt là với các bậc phụ huynh Trung Quốc hay lo lắng – về sự chăm sóc chu đáo của mình.

Bà Elizabeth Tanaka – giám đốc tuyển sinh quốc tế của ĐH Mary Hardin-Baylor nói rằng phụ huynh Trung Quốc đánh giá các trường học tôn giáo của Mỹ như một “lá chắn an toàn” cho con cái họ khi chúng ra nước ngoài.

“Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi không cho phép uống rượu trong trường. Ai cũng cố gắng tốt bụng hơn một chút và đối xử với người khác như cách mà họ muốn được người khác đối xử với mình”.

Sinh viên cũng được yêu cầu tham gia các lớp học Kinh Thánh và đi nhà thờ.

“Tuy nhiên họ lại nhìn nhận nó theo cách ‘Ồ, đó là một phần văn hóa Mỹ. Ngay cả khi tôi không thích Cơ đốc giáo thì đây là cũng là những gì thuộc về nước Mỹ” – bà Tanaka nói.

Kể từ khi trường Mary Hardin-Baylor bắt đầu tuyển sinh ở Trung Quốc vào năm 2008, khoảng 250 sinh viên Trung Quốc đã đăng ký. Bà Tanaka cho biết một điểm thu hút khác của trường cách chăm sóc chu đáo. Nhân viên của trường ra tận sân bay đón sinh viên, chuẩn bị giường ngủ khi họ đến, đưa họ đi khám bệnh và giữ liên lạc với cha mẹ họ ở quê nhà.

“Giống như bạn đang chăm sóc cho một đứa trẻ 10 tuổi” – bà Tanaka nói. “Đôi khi tôi phải nói với sinh viên rằng ‘Em phải trưởng thành. Em phải tới trường. Em sẽ thất bại nếu không làm gì’”.

Theo VNN