Thói ích kỷ, vô cảm làm chao đảo ngành giáo dục nước nhà

16/04/2019 06:20
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Những giọt nước tràn ly ngày càng nhiều thử hỏi làm sao giáo dục nước nhà có thể cất cánh được đây?

Ngành giáo dục nước ta những năm qua có rất nhiều nỗi buồn và được xuất phát từ nhiều phía.

Từ cách thức tuyển dụng nhân sự ngành giáo dục, bệnh thành tích, gian lận trong thi cử, bạo lực học đường… xảy ra thường xuyên, liên tục.

Chính từ môi trường giáo dục như vậy dẫn đến sự bất công bằng, niềm tin mai một. Giáo viên thì co mình lại để được an phận, một số phụ huynh thì hững hờ trong việc giáo dục con em mình.

Những giọt nước tràn ly ngày càng nhiều thử hỏi làm sao giáo dục nước nhà có thể cất cánh được đây?

Giáo dục nước nhà chỉ phát triển tốt khi mọi người, mọi ngành cùng chung tay vì giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN)

Giáo dục nước nhà chỉ phát triển tốt khi mọi người, mọi ngành cùng chung tay vì giáo dục

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Muốn phát triển giáo dục thì điều đầu tiên phải tạo cho giáo viên một môi trường cống hiến, làm việc dân chủ, bình đẳng và trong sạch để người thầy toàn tâm với giáo dục.

Nhưng, đã nhiều năm rồi một số địa phương tuyển dụng giáo viên có được công khai, minh bạch hay không? Những người có chức, có quyền ở địa phương tìm cách đưa người thân, con cháu mình vào.

Dân thường thì phải chạy chọt, hàng trăm triệu một suất dạy hợp đồng dài hạn thử hỏi làm sao giáo viên vui được bởi phải bỏ ra trước mấy năm lương để dúi cho chỗ này, chỗ khác.

Thủ khoa sư phạm chính quy thì về nhà chăn lợn, những sinh viên tại chức, từ xa thì ung dung đứng trên bục giảng.

Chính vì sự nhũng nhiễu như vậy nên một số Hiệu trưởng nhà trường kiêm thêm việc làm “cò” môi giới.

Nhiều “con mồi” sập bẫy bằng những lời hứa ngon ngọt nhưng khi lấy tiền xong thì họ cũng lơ đi những thỏa thuận đã cam kết với người xin việc.

Môi trường giáo dục của một số trường bây giờ chưa thực sự dân chủ, Hiệu trưởng là vua một cõi, họ có quyền hạch sách, chà đạp, xúc phạm giáo viên.

Những sai trái trong quản lý không ai dám lên tiếng. Nếu giáo viên nào lên tiếng thì bị bóp từ trong trứng nước.

Thời gian qua, chúng ta thấy một số giáo viên lên tiếng, tố cáo và đều nhận một kết cục chung là mất việc hoặc chán nản khi lẻ loi một mình.

Sự việc tiêu cực điểm thi năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm cho giáo dục nước nhà mất niềm tin vào một số lãnh đạo giáo dục và quan chức địa phương một cách khủng khiếp.

Thói ích kỷ, vô cảm làm chao đảo ngành giáo dục nước nhà ảnh 2Ai có thể biến 0,45 điểm thành 27 điểm?

Người ta có thể biến 0.45 điểm thành 27 điểm, biến điểm 1 thành 27, 5 điểm, biến từ điểm rớt tốt nghiệp trở thành thủ khoa đại học?

Tính ích kỷ khi những người cầm cán cân giáo dục nhưng lại lợi dụng quyền hạn của mình để nâng khống điểm để con em mình đậu cao.

Họ nghiễm nhiên cướp đi những vị trí ở các trường đại học mà đang lẽ ra con em họ không hề xứng đáng.

Nhưng họ là ai? Họ là Phó Giám đốc Sở Giáo dục, là Trưởng phòng Khảo thí, Trưởng phòng Trung học và nhiều vị trí quan trọng khác ở ngành giáo dục.

Tính làm gương của họ ở đây có có không? Không- họ không làm gương mà chính những người thầy này là những kẻ lưu manh tham gia vào đường dây “cướp” điểm.

Bệnh thành tích nở rộ ở nhiều địa phương, nó không chỉ “nở” trong việc đánh giá hàng năm ở các nhà trường mà nó còn xuất hiện trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Ai có đủ niềm tin để tin rằng những con số 98; 99 % tốt nghiệp kia là thật. Ai có thể tin được khi mà điểm 0 biến thành điểm 9 như kỳ thi năm 2018 vừa qua?

Bạo lực học đường càng xử lý mạnh giáo viên thì càng bùng phát mạnh trong học trò. Hưng Yên chưa lắng xuống lại đến Nghệ An, Quảng Ninh, An Giang…được tung lên mạng.

Vẫn là hình thức đánh hội đồng quay clip và tung lên mạng. Bạo lực học đường vẫn thách thức ngành giáo dục.

Hàng trăm cuộc hội thảo, bàn biện pháp chống bạo lực học đường của lãnh đạo từ Hiệu trưởng cho đến Bộ trưởng. Hàng loạt văn bản được ban hành của Bộ, Sở, Phòng cũng chẳng phát huy được tác dụng.

Thói ích kỷ, vô cảm làm chao đảo ngành giáo dục nước nhà ảnh 3Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Nhưng, thử hỏi cứ đưa những học sinh tham gia đánh bạn, lột đồ bạn mình vào các trường giáo dưỡng của địa phương thì học sinh có dám đánh nhau nữa không?

Nếu phụ huynh có con đánh nhau thì cơ quan, địa phương nơi công tác, cư trú của cha mẹ sẽ phê bình, kỷ luật, cắt đi quyền lợi, danh hiệu thi đua của cha mẹ xem có dám để con quậy phá không?

Đằng này, chỉ tập trung “đánh” giáo viên. Nghĩ thật buồn.

Giá như, mỗi khi lãnh đạo khi cầm hàng chục, hàng trăm triệu tiền xin việc của giáo viên có chút thương cảm cho thân phận những sinh viên vừa mới ra trường hay những thầy cô dạy hợp đồng mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng bạc.

Giá như các cơ quan chức năng tổ chức một kỳ tuyển dụng công bằng để lựa chọn những con người tốt nhất cho ngành giáo dục.

Giá như những cán bộ ngành giáo dục ở địa phương bớt đi thói ích kỷ đừng nâng khống điểm thi của con mình hoặc đừng tham lam nhận tiền hay chối từ lời chỉ đạo của một ai đó để có một kỳ thi nghiêm túc, công bằng?

Giá như một bộ phận học sinh bây giờ không phải là kim cương, vàng bạc  của cha mẹ.

Các em chỉ là những viên ngọc thô thôi để thầy cô cùng với gia đình phối hợp giáo dục, gọt giũa thì ít ra những em có thói hung hăng sẽ biết sợ, biết mình là ai, biết cảm nhận được những giá trị của luân thường đạo lý.

Giá như lãnh đạo ngành giáo dục, phụ huynh bớt đi những hà khắc với giáo viên, có cái nhìn cảm thông, chia sẻ để thầy cô được toàn tâm cho việc dạy học của mình.

Và, rõ ràng càng bớt đi từ “giá như” thì xã hội sẽ công bằng, niềm tin đối với ngành giáo dục sẽ càng vẹn nguyên hơn.

Nhưng, vì còn lắm chuyện “giá như” quá nên chúng ta vẫn thấy những điều trái ngang, tiêu cực, nhũng nhiễu, những bất ổn trong đạo đức của nhiều con người, nhiều học trò!

NGUYỄN NGUYÊN