Thông tư 18 kích hoạt nguy cơ tái xuất hiện "lò ấp mỗi ngày 1 tiến sĩ"

17/07/2021 06:24
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Uy tín khoa học của một cơ sở đào tạo được đặt vào đội ngũ các nhà khoa học. Một cơ sở có đội ngũ yếu thì không thể đào tạo được nghiên cứu sinh đạt chuẩn được.

Chất lượng đầu ra liệu có được đảm bảo?

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gây nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề tiêu chuẩn đầu ra, đặc biệt những yêu cầu về chuyên môn và ngoại ngữ.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cá nhân Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết:

“Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 28/06/2021 là sự đi ngược với quy luật phát triển khoa học. Kể từ khi Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ban hành, giới khoa học trẻ Việt Nam hào hứng với một triển vọng sáng sủa cho nền học thuật nước nhà.

Giá trị của Thông tư 2017 ở chỗ đã quy định chặt chẽ và khoa học về ‘chuẩn’ của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn trên cơ sở của các công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Theo đó, cả người hướng dẫn lẫn nghiên cứu sinh đều phải có bài báo đăng trên các tạp chí thuộc ISI/Scopus thì mới có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu và đào tạo”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Thông tư 18/2021 không có ảnh hưởng gì đến nghiên cứu sinh và người hướng dẫn các ngành Khoa học Tự nhiên và Kinh tế. Có chăng thì chỉ là cào bằng người có công bố quốc tế và người không có công bố quốc tế mà thôi.

Tuy nhiên, với các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn thì Thông tư 18 để lại những chỗ hổng, tạo điều kiện cho những người kém năng lực có cơ hội chui vào nền học thuật cao và các “lò ấp” có điều kiện trỗi dậy mà cách đây không lâu, phải mất một thời gian dài Nhà nước mới xóa bỏ được.

Vấn đề cần bàn trước hết ở đây là người hướng dẫn. Uy tín khoa học của một cơ sở đào tạo hay nghiên cứu được đặt vào đội ngũ các nhà khoa học. Một cơ sở có đội ngũ yếu thì không thể đào tạo được nghiên cứu sinh đạt chuẩn được.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc nhận định, việc Thông tư 18/2021 chấp nhận bài đăng tạp chí trong nước của người hướng dẫn là một bước thụt lùi nghiêm trọng so với Thông tư 08/2017.

Lập luận của cơ quan soạn thảo Thông tư 18/2021 về việc công nhận bài báo trong nước là các tạp chí của Việt Nam đang dần được quốc tế công nhận và nếu tập trung đăng bài trên các tạp chí trong nước thì các tạp chí này sẽ phát triển thành tạp chí mang tầm quốc tế.

Thoạt nghe qua thì lập luận này có vẻ có cơ sở, nhưng luận về bản chất thì rất phi lí.

“Thứ nhất các tạp chí được nhắc đến, thuộc diện có triển vọng quốc tế, thì đều thuộc Khoa học Tự nhiên và Kinh tế, còn tạp chí thuộc Khoa học Xã hội và Nhân văn thì chẳng có cái nào có triển vọng vào ISI/Scopus trong vòng năm năm tới.

Thứ hai, nếu các nhà Khoa học Xã hội và Nhân văn có đăng cả ngàn bài trên tạp chí trong nước thì chẳng thể nào giúp cho các tạp chí đó đứng vào ISI/Scopus.

Bằng chứng là ngót cả thế kỉ nay, đã có hàng triệu bài đăng trên các tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc nội mà chẳng có tạp chí nào trở thành ISI/Scopus. Việc một tạp chí có vào được ISI/Scopus hay không thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không hề tùy thuộc vào người in bài hay sự công nhận tính khoa học của cơ chế quản lí theo kiểu Thông tư 18/2021”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc cho hay.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc cho rằng, Thông tư 18/2021 đã tạo điều kiện để những người hướng dẫn không đủ “chuẩn” tham dự vào môi trường khoa học đỉnh cao.

Ở đây, “chuẩn quốc tế” là điều kiện bắt buộc. Chúng ta không thể lấy thước đo khoa học thuần Việt để bác bỏ “chuẩn quốc tế”. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, có một số ngành vì những lí do nào đó, chưa thể công bố quốc tế được thì nên có quy chế đặc biệt, có lộ trình hội nhập “chuẩn quốc tế” riêng. Không nên vì ngành này mà hạ chuẩn của các ngành khoa học khác trong nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Thông tư 18/2021 còn bất cập ở chỗ, thông tư liệt kê các “chuẩn” khoa học quốc tế (“bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus”) trước “chuẩn” khoa học Việt Nam (“bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên”).

“Đây là sự ‘đánh đồng’ kì quặc giữa tạp chí ISI/Scopus với tạp chí 0,75 điểm của Việt Nam và là sự ‘hạ chuẩn’ rõ ràng của thông tư, vì căn cứ vào các ‘chuẩn’ này thì các nhà Khoa học Xã hội và Nhân văn rởm đủ điều kiện để trở thành người hướng dẫn một cách đường đường chính chính hệt như những nhà khoa học đủ ‘chuẩn’.

Và điều đó là sự cào bằng nỗ lực phấn đấu của những nhà khoa học có công bố quốc tế với những người không có hoặc không thể công bố quốc tế. Tôi ủng hộ việc loại bỏ triệt để những tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư không có công bố quốc tế ra khỏi đội ngũ người hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh như thông tư 08/2017 đã làm”, Giáo sư Bắc nhận định.

Thông tư có trở thành “giấy thông hành” cho các “lò ấp” Tiến sĩ?

Vậy Thông tư 08/2017 có xóa sạch người hướng dẫn do thiếu “chuẩn”?

Do quy chế 2017 có tính mở, chấp nhận người hướng dẫn có bài đăng kỉ yếu hội thảo quốc tế trong nước và ngoài nước nên từ 2017 đến 2021 bên cạnh những người hướng dẫn có bài ISI/Scopus thì người hướng dẫn chưa có bài vẫn có thể tham gia hướng dẫn.

Tuy nhiên, phạm vi người đủ điều kiện hướng dẫn đã giảm đi nhiều. Điều đó khiến chất lượng người hướng dẫn được nâng cao. Và điều quan trọng hơn là chỉ có những ai có năng lực khoa học thực sự mới được nghiên cứu sinh chọn làm người hướng dẫn.

Nhờ có Thông tư 08/2017, mà hiện tại ở Việt Nam đang dần hình thành những nhóm nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn có công bố trên các tạp chí ISI/Scopus.

Quan sát của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc cho rằng, các ngành văn học, lịch sử, địa lí, luật, … hiện tại đều đã có hơn 10 Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư có từ hai công trình thuộc ISI/Scopus trở lên. Đây là đội ngũ người hướng dẫn uy tín, bước đầu đáp ứng yêu cầu “chuẩn” người hướng dẫn để dẫn dắt “chuẩn” nghiên cứu sinh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc, Thông tư 08/2017 đã tạo nên cột mốc quan trọng trong nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn của Việt Nam, phân chia thành hai thế hệ.

“Thế hệ trước 2017, là những người đặt nền móng cho thế hệ sau 2017. Thế hệ trước 2017 không có công bố quốc tế chỉ vì thời đại không đặt ra nhiệm vụ ấy, còn năng lực khoa học của thế hệ này thì có thừa. Đa số các Giáo sư, Phó Giáo sư trước 2017 (tạm phân biệt như thế) là những bậc thầy đáng kính, tạo nền móng cho các thế hệ sau 2017 vươn ra thế giới”, Giáo sư Bắc nói.

Tuy nhiên theo ông, một số không ít các nhà Khoa học Xã hội và Nhân văn trì trệ, không chịu phấn đấu. Giá trị của Thông tư 08/2017 còn là, không chỉ tạo nên một đội ngũ các nhà nhà Khoa học Xã hội và Nhân văn “đạt chuẩn” mà còn chỉ ra được những ai “không/chưa đạt chuẩn”, những người luôn lấy cái cớ “chính trị”, “nhạy cảm” hoặc “nhu cầu quốc nội” để che đậy sự bị động, lười biếng của mình.

Theo Giáo sư Lê Huy Bắc, việc chấn hưng cho nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn của nước nhà cần ghi nhận đóng góp của Quỹ Nafosted. Nhờ Quỹ Nafosted mà số lượng các công trình công bố ISI/Scopus của Việt Nam không ngừng tăng lên theo thời gian.

Nếu các Sở Khoa học – Công nghệ các tỉnh thành, cũng như quỹ Khoa học – công nghệ của các Bộ, noi theo Nafosted, quy định phải có bài đăng ISI/Scopus mới duyệt đề tài, thì chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc công bố quốc tế, chí ít là trong khu vực châu Á.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Lê Huy Bắc, trên thực tế chính những người không có công bố quốc tế lại nhiệt thành ủng hộ Thông tư 18/2021 về việc khuyến khích các nhà nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam tiếp tục “múa gậy trong bị”.

“Đây là việc làm phản khoa học, đi ngược lại xu thế tất yếu của nhân loại và chủ trương hội nhập và phát triển của Đảng và Nhà nước. Tôi khẳng định công bố quốc tế là ‘chuẩn’ để phát triển nền Khoa học Xã hội và Nhân văn đầy tiềm năng của nước nhà”, Giáo sư Bắc nhấn mạnh.

Vậy nghiên cứu sinh các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn có giảm đi khi áp chuẩn bài đăng ISI/Scopus?

Giáo sư Lê Huy Bắc chắc chắn rằng có giảm. Tuy nhiên, sự giảm đó là một thành tựu của chính sách đào tạo đúng đắn. Nghiên cứu sinh “rởm” không còn đất sống. Nền học thuật đỉnh cao của Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam kể từ 2017 đến nay được sống trong bầu không khí học thuật đúng nghĩa.

Nhìn lại con số thống kê từ “lò” đào tạo của Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm KHXHVN), trong 2 năm 2015 - 2016 đã có 700 Tiến sĩ nhận bằng. Bình quân mỗi năm là 350 tiến sĩ, trung bình gần 1 tiến sĩ/1ngày, mới thấy hết tác hại của việc không quy “chuẩn” quốc tế.

Sau khi ban hành Thông tư 08/2017, cơ sở này đã giảm số nghiên cứu sinh đến mức khiến nhiều ngành không tuyển được nghiên cứu sinh. Nguyên do không phải không có người học mà là thiếu người đủ “chuẩn” theo quy chế 2017 để hướng dẫn.

Trong khi đó, các nơi đào tạo nghiên cứu sinh uy tín như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đều vẫn tuyển được nghiên cứu sinh các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Chính điều này cho thấy rằng, chỉ cần ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ “chuẩn” thì tức khắc các cơ sở “không đạt chuẩn” sẽ tự biến mất.

Theo Giáo sư Lê Huy Bắc, để khách quan, đánh giá đúng trình độ năng lực, chất lượng đầu ra của tuyển sinh, đào tạo Tiến sĩ thì thông tư 18/2021 cần phải được xem xét lại việc “hạ chuẩn” này.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định rõ cơ sở đào tạo nào có ngành đào tạo nghiên cứu sinh không tuyển được nghiên cứu sinh trong 2 (hoặc 3 năm) thì sẽ thu hồi quyết định đào tạo.

“Những ai không có công bố quốc tế ISI/Scopus (trừ một số ngành đặc thù) thì không được tham gia đào tạo nghiên cứu sinh.

Có thế, nền Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam mới có cơ hội hội nhập quốc tế mạnh mẽ và đông đảo nhà khoa học Việt Nam mới có thể có được tiếng nói chân chính trên các diễn đàn quốc tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc nhận định.

Cao Kim Anh