Thông tư 34: cơ hội thăng hạng vẫn mịt mù, yêu cầu bằng cấp chứng chỉ vẫn thế

18/12/2021 06:59
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuy Thông tư 34 chính thức có hiệu lực từ 15/01/2021 nhưng về thời điểm thực hiện thi, xét thăng hạng có thể sẽ còn chờ một thời gian dài.

Ngày 30/11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông) nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên cả nước.

Việc ban hành Thông tư này đã được nhiều giáo viên quan tâm và đặt ra một số thắc mắc: Liệu thời điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tư này có phù hợp? Thông tư này áp dụng cho chùm Thông tư bổ nhiệm xếp lương nào? Và liệu khi nào mới có thể áp dụng?

Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn

Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn

Khi nào giáo viên mới được thi, xét thăng hạng theo Thông tư 34 mới?

Theo người viết, Thông tư 34 này Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định áp dụng khi bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cho chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 và các chùm Thông tư tiếp theo về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên (nếu có).

Bởi vì kể từ ngày 20/3/2021 thì sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 chính thức có hiệu lực thì chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT đã không còn hiệu lực nên đương nhiên không áp dụng cho giáo viên đang được bổ nhiệm, xếp và hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015.

Bên cạnh đó tại mục 3 - Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của Thông tư 34 có quy định giáo viên muốn được dự thi, xét thăng hạng phải đảm bảo “3. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.”.

Đã được bổ nhiệm tức là bổ nhiệm, xếp lương theo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 hiện nay thì mới thuộc đối tượng đăng ký thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là hiện nay rất nhiều địa phương chưa thực hiện bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 do có nhiều bất cập, bất công trong xếp hạng theo chùm Thông tư đó.

Bên cạnh đó sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng và ý kiến của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đang được khẩn trương sửa đổi để xóa bất cập, bất công và xếp lương công bằng, có lợi cho giáo viên.

Vì vậy, tuy Thông tư 34 chính thức có hiệu lực từ 15/01/2021 nhưng về thời điểm thực hiện thi, xét thăng hạng có thể sẽ còn chờ một thời gian dài.

Đôi điều băn khoăn về Thông tư 34 thi, xét thăng hạng giáo viên

Như đã trình bày ở trên là thời điểm ban hành Thông tư thi, xét thăng hạng giáo viên ở giai đoạn chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đang được sửa đổi, bổ sung có vẻ chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi và “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có phát biểu tại Nghị trường Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 theo hướng xóa bất cập, lưu ý những vấn đề do lịch sử để lại như “giai đoạn thế hệ lịch sử để lại thì vẫn còn những tồn tại, cho nên chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất.”

Tuy nhiên trong Thông tư 34/2021 về thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông thì vẫn còn nhiều điểm còn băn khoăn, chưa hợp lý dưới đây:

Thứ nhất, giáo viên vẫn đạt chuẩn mới được đăng ký thi, xét thăng hạng

Tại mục 4 - Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có quy định giáo viên đăng ký thi, xét thăng hạng phải “4. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”

Như vậy thì có nghĩa là để được thi, xét thăng hạng mới giáo viên vẫn phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 tức là giáo viên mầm non phải tối thiểu có trình độ cao đẳng sư phạm, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông tối thiểu phải có trình độ đại học sư phạm.

Do lịch sử để lại nhiều giáo viên đang công tác ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ đạt chuẩn, trên chuẩn trước đây trở thành giáo viên không đạt chuẩn có nhiều giáo viên công tác, cống hiến nhiều năm, có nhiều thành tích là giáo viên giỏi cấp tỉnh, quốc gia,… không được dự thi, xét thăng hạng thì chưa phù hợp.

Thứ hai, về thi Ngoại ngữ, Tin học

Cũng tại mục 4 của Điều 3 có quy định “…Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Tức là vẫn quy định việc vẫn còn phải thi Ngoại ngữ, Tin học (nếu không thuộc đối tượng miễn thi theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP) trong khi đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, quy định nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức trong đó không còn quy định phải bồi dưỡng chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học.

Nên việc chưa bỏ việc thi Ngoại ngữ, Tin học trong việc thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là chưa hợp lý, chưa theo kịp sự tiến bộ, mới của Nghị định 89 của Chính phủ và đáp ứng sự kỳ vọng của giáo viên.

Thứ ba, chưa thấy có quy định về đặc cách trong Thông tư thi, xét thăng hạng

Trong Thông tư 34 mới này, người viết chưa thấy quy định việc đặc cách thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức:

Tại “Điều 29. Thay đổi chức danh nghề nghiệp

Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm;

2. Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

3. Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành…”

Như vậy, trong Nghị định của Chính phủ có quy định về xét thăng hạng đặc cách viên chức.

Tuy nhiên Nghị định 34 này chưa thấy rõ quy định điều kiện, đối tượng được thăng hạng đặc cách viên chức. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ Nghị định 115/2020 của Chính phủ bổ sung điều kiện, đối tượng giáo viên được đặc cách thăng hạng viên chức.

Thứ tư, bỏ tiêu chí điểm nhệm vụ trong Thông tư 34 mới

Tại Điều 6. Cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

“1. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần, cụ thể:

a) Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm

b) Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm…”

So với Thông tư 28/2017 thì ở mục 2. Điểm hồ sơ là 100 điểm, cụ thể:

“a) Nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở hạng đề nghị xét: 5,0 điểm;

b) Nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm;

c) Nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 75 điểm;…”

Có thể thấy so với quy định cũ tại Thông tư 28 năm 2017, riêng điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng là vẫn được giữ nguyên, điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được tăng từ 75 lên 80 điểm.

Đồng thời, không còn chấm điểm nhóm tiêu chí đánh giá về khả năng thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở hạng đề nghị xét.

Bỏ tiêu chuẩn về nhiệm vụ trong thi, xét thăng hạng giáo viên cũng là điểm mới đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho giáo viên chưa có điều kiện thực hiện nhiệm vụ được dự thi, xét thăng hạng.

Cục Nhà Giáo đã từng có trả lời về nhiệm vụ là nhiệm vụ được phân công sau khi bổ nhiệm hạng mới, tuy nhiên trong các văn bản hiện hành không có quy định bắt buộc phải phân công nhiệm vụ mới và cũng chưa có quy định nào giáo viên sau khi được bổ nhiệm hạng I, II không đồng ý nhiệm vụ hạng II, I thì bị “xuống hạng”.

Nên người viết vẫn băn khoăn nếu bỏ tiêu chuẩn nhiệm vụ thì sau khi có quyết định bổ nhiệm giáo viên hạng I, II có trường hợp giáo viên “ngồi nhầm hạng” hay không? Việc xử lý sau bổ nhiệm nhầm hạng này sẽ ra sao?

Người viết đồng quan điểm tác giả Phan Tuyết qua bài viết “Cơ hội thăng hạng vẫn mịt mù, thầy cô chuẩn bị tinh thần thi ngoại ngữ”:

“…Nhiều người đã quên đi những thiệt thòi của những thầy cô giáo bao nhiêu năm có tấm bằng đại học, có đầy đủ các văn bằng chứng chỉ, có khá nhiều thành tích không thua gì những đồng nghiệp khác nhưng vẫn ngậm ngùi nhận mức lương trung cấp, cao đẳng từ nhiều năm nay.

Những thầy cô giáo này, mới là thiệt thòi nhất và cho đến thời điểm này vẫn chưa thể biết đến khi nào các thầy cô giáo ấy mới được nhận mức lương theo văn bằng mình đã nỗ lực cả công sức và tiền bạc mới có được.”

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm đến đối tượng trên và những giáo viên không đạt chuẩn theo Luật mới nhưng có nhiều thành tích, cống hiến, giáo viên giỏi,…

Trên đây là một số vấn đề theo quan điểm người viết cho thấy Thông tư 34 về thi, xét thăng hạng được ban hành khi chưa có Thông tư sửa đổi về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên (do chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung) là chưa đúng thời điểm, chưa cập nhật các quy định mới và vẫn còn những điểm chưa phù hợp và hy vọng khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 sửa đổi mới sẽ làm rõ những điều trên.

BÙI NAM