Tiến sĩ Trương Tấn Đạt "điểm mặt" một số lúng túng khi triển khai Nghị định 116

29/12/2021 06:45
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định 116 giúp thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, gắn chặt việc đào tạo với sử dụng nhân lực ở các địa phương.

Trước nhiệm vụ đặt ra cho các cơ sở đào tạo giáo viên hướng đến đáp ứng kịp thời nhiệm vụ đổi mới giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, sinh viên được đào tạo ngành sư phạm sẽ là đội ngũ chuyên môn giảng dạy tại các trường trung học phổ thông.

Đồng thời, đối với các ngành đào tạo sư phạm hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội việc làm đa dạng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các lĩnh vực gần như chuyên viên phụ trách chuyên môn tại các phòng và sở giáo dục đào tạo; Làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu sư phạm… Và một điều đặc biệt là khi các bạn sinh viên theo ngành sư phạm thì sẽ được miễn học phí 100%, ngoài ra mỗi tháng còn được nhà nước hỗ trợ kinh phí sinh hoạt là 3,63 triệu đồng.

Từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành. Do đó, một số ngành đào tạo như Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Sư phạm Công nghệ… là các ngành mới xuất hiện ở Việt Nam và được đánh giá là ngành học có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Mới đây, trong cuộc làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ngày 25/12, tư lệnh ngành giáo dục có nhấn mạnh địa phương cần giao nhiệm vụ để Trường Đại học Đồng Tháp đưa ra giải pháp đào tạo và cung cấp giáo viên cho tỉnh.

Thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Tấn Đạt – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Đồng Tháp có một vài chia sẻ về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông mà Nhà trường đã và đang triển khai.

Tiến sĩ Trương Tấn Đạt (đứng)– Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Đồng Tháp (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Trương Tấn Đạt (đứng)– Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Đồng Tháp (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Trương Tấn Đạt cho biết, Trường Đại học Đồng Tháp với truyền thống hơn 45 năm đào tạo giáo viên, cùng với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long cả nước.

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép 4 cơ sở đang đào tạo giáo viên trên cả nước, trong đó có Trường Đại học Đồng Tháp mở thêm mã ngành Sư phạm Công nghệ. Năm 2021, Bộ cũng cho phép Nhà trường đào tạo thêm 2 mã ngành Sư phạm Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lí, chính thức tuyển sinh vào năm 2022 để đáp ứng kịp thời nhu cầu giảng dạy của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sinh viên được đào tạo các ngành này sẽ là đội ngũ chuyên môn giảng dạy tại các trường phổ thông. Vì vậy, đây cũng sẽ là ngành đào tạo sư phạm hứa hẹn mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đào tạo sinh viên chính quy, Trường Đại học Đồng Tháp còn chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới. Những chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà trường đang triển khai như: Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học; Chương trình bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên; Chương trình bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Ngoài ra, Nhà trường còn triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên phổ thông (áp dụng Chương trình theo Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó có chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm 40 tiết/ giáo viên/năm học).

“Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng bồi dưỡng của Nhà trường đều hướng đến mục tiêu chung là trang bị cho người học các phẩm chất và năng lực để đáp ứng tốt việc dạy học các môn học phù hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Tiến sĩ Trương Tấn Đạt nhấn mạnh.

Các bên liên quan còn nhiều lúng túng khi thực hiện Nghị định 116/NĐ-CP

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp đánh giá, từ khi có Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116) được ban hành đã mang lại nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh của Nhà trường.

Nghị định 116 đã giúp các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động hơn, thúc đẩy quá trình tự chủ và phát triển của mình; đồng thời có thêm nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung phát triển cơ sở vật chất hỗ trợ, phục vụ đào tạo; Được gia đình sinh viên ủng hộ vì đã giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn, giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và cho gia đình, từ đó có thêm động lực để gắn bó, tâm huyết hơn với nghề giáo viên, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có trách nhiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân.

Thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm, giúp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, gắn chặt việc đào tạo với sử dụng nhân lực ngành sư phạm ở các địa phương.

Đặc biệt, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm tăng hơn các năm trước (đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ giao).

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 116; hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội cũng như việc triển khai phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội… Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trương Tấn Đạt, đây là chính sách mới và là năm đầu triển khai nên các bên liên quan còn lúng túng trong thực hiện.

Có trường hợp, địa phương đã đặt hàng ở một hoặc một số cơ sở đào tạo nên đã từ chối nhận nguyện vọng đăng ký của sinh viên ở các cơ sở đào tạo khác. Nhưng tổng số nguyện vọng đăng ký của sinh viên các cơ sở đào tạo mà địa phương đặt hàng chỉ đáp ứng được một phần chỉ tiêu đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương.

Nhiều địa phương đưa ra tiêu chí là sinh viên phải là người địa phương thì mới đặt hàng. Việc này gây bất lợi cho những sinh viên ở tỉnh khác có nguyện vọng giảng dạy ở những địa phương này sau khi ra trường.

Chưa kể, hiện nay, theo quy định sinh viên thuộc diện đặt hàng muốn về địa phương giảng dạy phải trải qua kỳ thi tuyển viên chức. Cho nên, sẽ có trường hợp sinh viên thi trượt và không được bố trí công tác theo nguyện vọng sau khi ra trường trong thời gian tối đa 2 năm thì có nguy cơ phải bồi hoàn số kinh phí mà địa phương đã hỗ trợ. Trong khi, địa phương thì không đủ giáo viên theo kế hoạch do có trường hợp đặt hàng nhưng thi trượt kỳ thi tuyển viên chức.

Chưa kể, theo chiết tính, kinh phí hỗ trợ chi phí sinh hoạt gấp khoảng 03 lần kinh phí hỗ trợ học phí. Do đó, tổng số kinh phí mà địa phương đặt hàng phải chi ra hằng năm rất lớn, nên các Sở Giáo dục và Đào tạo thường sẽ tham mưu về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra nhiều tiêu chí xét chọn sinh viên để đặt hàng. Tùy theo tình hình kinh phí của tỉnh mà số lượng đặt hàng có thể ở mức khác nhau, có thể thấp hơn nhiều số đặt hàng ban đầu.

Chính vì vậy, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo nhận đặt hàng vẫn phải chờ các địa phương phản hồi lại danh sách đặt hàng chính thức và chưa biết chắc chắn khi nào nhận được kinh phí hỗ trợ từ địa phương.

Đồng thời, nhận thức của sinh viên, phụ huynh về quyền lợi, trách nhiệm của người học theo quy định mới vẫn chưa đầy đủ, thống nhất nên nhiều sinh viên không đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí. Nhiều em lo ngại sau này bị phân công dạy học ở vùng sâu, vùng xa.

Chuẩn hóa tài liệu bồi dưỡng theo hướng kết hợp giữa bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến

Trường Đại học Đồng Tháp xác định sứ mạng là “đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là nòng cốt, nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”.

Trong suốt hành trình phát triển, Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ theo sứ mạng đã đề ra.

Trong hoạt động đào tạo, số lượng và cơ cấu ngành nghề của Nhà trường liên tục phát triển trên cơ sở bảo đảm chất lượng đào tạo. Có thể nói, Trường Đại học Đồng Tháp là trường duy nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo đủ hết các ngành thuộc tất cả các môn học trong chương trình đào tạo từ Mầm non đến Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Trước nhiệm vụ được đề ra, Trường Đại học Đồng Tháp quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; từng bước khẳng định uy tín và vị thế của Trường để trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao của Việt Nam.

Đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, Nhà trường tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo quy chế, định hướng tập trung một số ngành trọng điểm gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Song song đó, công tác bảo đảm chất lượng luôn được chú trọng hướng đến hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cùng các công cụ giám sát đạt tiêu chuẩn của kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

Về công tác đào tạo, mở mới các ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Đồng thời, mở các chương trình chất lượng cao, tiên tiến, tài năng, liên kết nước ngoài. Triển khai chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở thực hành, thực tập, thí nghiệm các ngành đào tạo khối ngành ngoài sư phạm.

Về hoạt động bồi dưỡng, thực hiện chuẩn hóa tài liệu bồi dưỡng theo hướng kết hợp giữa bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến. Phát triển các chương trình bồi dưỡng phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, đặc biệt đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thùy Linh