“Tiếng kêu” từ người khiếm thị qua đường

09/01/2012 12:00
Xuân Trung
(GDVN) - Bốn sinh viên, trong đó có 3 khiếm thị nung nấu ý tưởng từ lâu để làm gì đó giúp người khiếm thị khi qua đường, giữa nơi đông người.
Và để thực hiện ý tưởng  này, mỗi thành viên phải trích tiền ăn, tiền sinh hoạt hằng tháng mà gia đình từ quê gửi lên để có kinh phí thực hiện ý tưởng đầy nhân văn và ý nghĩa.

Ý tưởng nghiên cứu gậy có ánh đèn và âm thanh cho người khiếm thị đã được Hội đồng khoa học cấp khoa và cấp trường Trường ĐH Sư Phạm TP HCM đánh giá rất cao về tính thực tiễn.

Sau khi được lọt sâu vào vòng toàn quốc, công trình của bốn thành viên này một lần nữa thuyết phục được Ban chỉ đạo xét tặng giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” và xứng đáng đoạt giải nhất.

Bốn gương mặt góp sức chế tạo chiếc gậy trên gồm Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Anh Tuấn, Hồ Phạm Uyên Phương và Nguyễn Thị Thùy Dung (đang học năm 4 Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP HCM).
Nguyễn Hữu Cảnh, chàng trai với ý tưởng làm gậy thông minh giúp người khiếm thị qua đường được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung
Nguyễn Hữu Cảnh, chàng trai với ý tưởng làm gậy thông minh giúp người khiếm thị qua đường được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung

Ăn mỳ gói lấy tiền nuôi ý tưởng

Chàng trai Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những thành viên quê ở Kiên Giang có ý tưởng sáng chế ra chiếc gậy phát ra âm thanh và đèn tín hiệu cho người khiếm thị khi qua đường cho biết, ý tưởng này manh nha từ tháng 10/2010 với ý nghĩ, bản thân cũng là một người khiếm thị lại học ở khoa Sư phạm giáo dục đặc biệt, sau này ra trường sẽ được tiếp xúc với nhiều trẻ em khuyết tật, đặc biệt là các trẻ khiếm thị. Anh chàng này nhận thấy, trong quá trình học tập cũng như đi lại của người khiếm thị rất cần thiết và  cây gậy cũng là một trong những người bạn thân thiết nhất. Đó là lí do thôi thúc Cảnh có sáng kiến chế tạo chiếc gậy này.
Cảnh cho biết: “Với tính năng đèn di chuyển trong đêm còn âm thanh di chuyển khi băng qua đường và đám đông, với hai tính năng này người khiếm thị muốn thông báo cho người đi đường tạo ra sự chú ý cao. Đó là yếu tố làm hạn chế nguy cơ mất an toàn cho người khiếm thị” Cảnh nói về công dụng của chiếc gậy như một niềm say mê.
Bốn thành viên chế tạo gậy thông minh trong ngày nhận bằng khen từ Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung
Bốn thành viên chế tạo gậy thông minh trong ngày nhận bằng khen từ Bộ GD&ĐT. Ảnh Xuân Trung
Để có được ý tưởng cũng như mô hình thực hiện chiếc gậy dành cho người khiếm thị, Cảnh cùng hợp sức với ba người bạn trong khoa để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung. Có ý tưởng nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là kinh phí, nguyên vật liệu để thực hiện như thế nào, đó là một bài toán rất khó.

“Lúc đầu công trình còn trong trứng nước, mặc nhiên không có ai biết tới, mọi kinh phí chi tiêu để mua đèn, mua vật liệu làm đều được các thành viên trong nhóm trích một phần tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng ngày để góp mua vật liệu. Tốn kém nhất có lẽ là tiền xe ôm vì chúng mình không tự đi được, có khi đi tới nơi mua được bóng đèn về lắp lại không vừa và bắt xe ôm ra cửa hàng đổi cái khác” Cảnh nở nụ cười khi nghĩ lại quãng thời gian khó khăn khi thực hiện công trình.
Hiện tại, Cảnh phải sống trong một phòng có tới hơn 10 bạn chỉ với mục đích được hưởng giá rẻ với hơn 400 trăm nghìn/tháng. Với số tiền bố mẹ “viện trợ” hàng tháng từ 1,5-2 triệu đồng Cảnh trích ra khoảng gần 500 nghìn dành cho việc hoàn thiện mô hình chiếc gậy.
Với chiếc gậy thông minh phát ra âm thanh và ánh sáng này giúp người khiếm thị di chuyển và tham gia giao thông dễ dàng hơn. Ảnh Xuân Trung
Với chiếc gậy thông minh phát ra âm thanh và ánh sáng này giúp người khiếm thị di chuyển và tham gia giao thông dễ dàng hơn. Ảnh Xuân Trung
Còn đối với Nguyễn Anh Tuấn, thành viên khiếm thị nhiều tuổi nhất cũng không quên những ngày cả nhóm dành dụm tiền bố mẹ gửi lên để “đầu tư” mua nguyên vật liệu về lắp mô hình gậy: “Nhiều khi túng quá chúng mình mua mỳ gói về dùng, thậm chí hết tiền rồi lại đi vay, khi bố mẹ gửi lên thì trả các bạn, những lúc như thế cả nhóm đều cố gắng và đặt chút kỳ vọng gì đó khi chiếc gậy đến được tận tay người khiếm thị” Tuấn tự hào chia sẻ.
Một khó khăn nữa khiến cả nhóm băn khoăn, vì các thiết bị ánh sáng, âm thanh đều lúc ấy đều liên quan tới kỹ thuật điện tử, Cảnh cho biết, nhờ sự giúp đỡ của trường và may mắn gặp được các anh kỹ sư ở các công ty trong Sài Gòn nên mô hình chiếc gậy dần hình thành.

“Khi thực hiện đề tài tự thân mình là người khiếm thị nên vận động hết thì chắc chắn sẽ khó hoàn thành vì đề tài lại liên quan tới kỹ thuật. Nhưng được các anh  kỹ sư giúp đỡ mình chỉ cần nêu ý tưởng như vị trí cần gắn đèn, âm thanh sau đó nhờ kỹ sư cũng như những người sáng mắt sẽ  khắc phục được phần quan sát” Cảnh thổ lộ.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình gậy qua đường

Chia sẻ với chúng tôi trong ngày nhận giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” vừa qua, các thành viên sáng chế chiếc  gậy cho người khiếm thị đều rất tự hào và vui mừng khi công trình của mình được đánh giá có tính thực tiễn cao và rất nhân văn. Vui thì vui nhưng để mô hình chiếc gậy được hoàn thiện và đến được tận tay những người khiếm thị quả là một quãng đường vẫn còn dài phía trước.
Hai thành viên Nguyễn Hữu Cảnh và Hồ Phạm Uyên Phương trong niềm vui với thành quả của mình được xã hội ghi nhận. Ảnh Xuân Trung
Hai thành viên Nguyễn Hữu Cảnh và Hồ Phạm Uyên Phương trong niềm vui với thành quả của mình được xã hội ghi nhận. Ảnh Xuân Trung
Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện giờ sau khi công trình được nghiệm thu, có chút gì đó được nhiều người biết tới, điều đó rất thuận lợi. Vấn đề bây giờ là lấy kinh phí ở đâu để tiếp tục hoàn thiện mô hình này, vấn đề nữa là tìm được nơi sản xuất thử nghiệm mô hình chiếc gậy để áp dụng vào thực tiễn:

“Hiện tại cầu thì rất nhiều, đó là những trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ khiếm thị, nhưng vấn đề khó bây giờ là tìm được nhà tài trợ để có kinh phí, có nơi sản xuất thử nghiệm. Trong thời gian tới cả nhóm tiếp tục tìm tòi với mong muốn cố gắng hết sức mang lại cái gì đó giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như chúng mình có được cuộc sống thuận lợi hơn, tốt đẹp hơn” Tuấn tỏ vẻ quyết tâm khi nghĩ tới việc phải làm và làm để giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ.
Hiện mô hình chiếc gậy thông minh dành cho người khiếm thị sau khi được chính những thành viên trong nhóm là người khiếm thị dùng thử và những người khác đều nhận thấy khá thuận tiện khi tham gia giao thông.  Đó cũng là động lực để cả nhóm tiếp tục hoàn thành công trình của mình trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Ngôi sao giảng đường

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội


Xuân Trung