Tinh gọn bộ máy ngành giáo dục, nên sáp nhập theo mô hình trường liên cấp

17/02/2022 06:39
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu sáp nhập mạnh mẽ các trường cấp tiểu học đến trung học phổ thông sẽ vô cùng thuận lợi trong việc quản lý, giảng dạy và giáo dục, thuận tiện cho phụ huynh.

Thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng thời gian qua cũng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, trong ngành giáo dục cũng có nhiều trường được sáp nhập, giải thể, tinh giản.

Tuy nhiên, việc tinh giản trong ngành giáo dục vẫn còn những dấu hỏi về tính hiệu quả, chưa đồng bộ, quyết liệt khiến tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn còn, ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển dụng, làm việc của các trường phổ thông.

Góp ý về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc, người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục sáp nhập và nghiên cứu mở rộng mô hình trường liên cấp tiểu học đến trung học phổ thông trong cả nước.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Cơ sở để đề xuất sáp nhập trường liên cấp tiểu học đến trung học phổ thông

Hiện nay, quy định về giáo dục phổ thông công lập thì gồm 3 cấp học tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5 – tạm gọi cấp 1), cấp trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9 - tạm gọi cấp 2), cấp trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12 - tạm gọi cấp 3).

Theo người viết, việc sáp nhập là hoàn toàn có cơ sở bởi vì kể từ ngày 01/7/2020 Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thì trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông cùng chung chuẩn trình độ đào tạo là cử nhân sư phạm (đại học), cùng lương khởi điểm,... nói chung có nhiều điểm tương đồng.

Việc sáp nhập trường liên cấp cũng hợp lý khi trong phân cấp quản lý cũng quy định 2 loại hình trường học là trường mầm non và trường phổ thông.

Vì thế, hiện nay, việc kiến nghị sáp nhập trường liên cấp cũng có cơ sở có khả năng triển khai thực hiện hoặc thử nghiệm và có thể mang lại hiệu quả lớn về tinh giản biên chế, nâng cao năng lực quản trị của các hiệu trưởng, giảm bộ máy làm việc,... thực hiện theo đúng chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Những khó khăn và thuận lợi khi sáp nhập trường liên cấp

Việc sáp nhập trường liên cấp cũng gặp một số khó khăn và thuận lợi như sau:

Khó khăn thứ nhất là phải có quỹ đất tương đối rộng để mở rộng các trường trong việc xây dựng các trường liên cấp để cho học sinh cấp 1, 2, 3 cùng chung một cơ sở.

Tuy nhiên khi sáp nhập cũng sẽ có nhiều cơ sở giải tán nên nếu quy hoạch hiệu quả thì việc mở rộng quỹ đất và tận dụng cơ sở hiện tại làm điểm phụ thì vẫn có thể đáp ứng thậm chí có thể còn dôi ra nhiều diện tích đất dùng cho việc sản xuất, phát triển kinh tế.

Khó khăn tiếp theo là hiện nay từ trường mầm non đến cấp trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, còn bậc trung học cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Tuy nhiên với việc ban hành các Nghị định của Chính phủ về tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, cộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi thì việc quản lý chuyên môn nên chỉ gom về 1 đầu mối là Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý cả trường mầm non, phổ thông (hiện nay chức năng phòng Giáo dục là cầu nối thông tin giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường mầm non đến trung học cơ sở - tức là khâu trung gian chuyên môn).

Còn một khó khăn do việc quy định mỗi tiết học ở bậc tiểu học 35 phút, bậc trung học cơ sở 45 phút nên không đồng bộ, vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Về Phòng Giáo dục cấp huyện, chỉ nên là một phòng/ban thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện có chức năng tham mưu để Ủy ban nhân dân huyện ban hành các quy định liên quan về giáo dục thuộc phạm vi, quyền hạn trong phân cấp quản lý.

Về thuận lợi thì chắc chắn sẽ có hàng loạt lợi ích khi sáp nhập trường liên cấp 1, 2, 3 khi sẽ có nhiều trường được sáp nhập, sẽ giảm mạnh mẽ biên chế giáo viên (hiện nay gần 1,3 triệu giáo viên) là cơ sở để tăng hiệu quả làm việc, tăng chế độ làm việc, tăng lương nhà giáo,...

Về chuyên môn việc sáp nhập các trường liên cấp sẽ vô cùng thuận lợi về bố trí nhân sự giảng dạy, nhân viên trường học (hoặc viên chức hỗ trợ dạy học), hiện nay trình độ chuẩn đào tạo từ tiểu học đến trung học phổ thông cùng là cử nhân (đại học) nên 1 giáo viên có thể dạy ở nhiều cấp học hỗ trợ việc khuyết biên chế, giáo viên công tác, nghỉ thai sản,...

Bên cạnh đó, việc sáp nhập còn tận dụng đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất, trang thiết bị,... một cách tối đa do có những đồ dùng có thể sử dụng liên cấp như thước, đồ dùng điện, tranh ảnh,…góp phần tiết kiệm ngân sách cho giáo dục.

Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ khiến các phong trào tại các trường mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, không tràn lan như hiện nay. Các kỳ thi chuyên môn, học sinh giỏi chỉ còn cấp trường, cấp tỉnh,...

Và giáo viên cũng sẽ nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn do tiếp cận nhiều kiến thức liên cấp nhằm giảng dạy tốt hơn, hiệu quả hơn nên kiến thức được nâng lên do việc chia sẻ kiến thức, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình giảng dạy và hoạt động.

Việc nhiều địa phương sau khi sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở hoạt động hiệu quả thời gian qua đã cho thấy chủ trương đúng đắn của Trung ương, Chính phủ về sáp nhập, tinh gọn bộ máy thì người viết tin rằng việc sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thực hiện sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Nên quy hoạch mỗi quận/huyện tối đa 10 trường trường liên cấp

Người viết tin rằng nếu sáp nhập mạnh mẽ các trường cấp tiểu học đến trung học phổ thông sẽ vô cùng thuận lợi trong việc quản lý, giảng dạy và giáo dục, thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con đến trường,… và quan trọng là tinh gọn bộ máy, chất lượng và hiệu quả làm việc.

Hiện nay, nhiều địa bàn xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới thì đường sá, phương tiện lưu thông tiện dụng, hiện đại nên quy hoạch mỗi quận/huyện chỉ tối đa 10 trường liên cấp 1, 2, 3 là đủ (hiện nay có thể khoảng trên dưới 15 - 20 trường cấp 1, 2, 3 mỗi quận/huyện), sắp xếp bố trí ở khu vực thuận tiện (vị trí trường liên cấp ở trung tâm, các địa bàn ở xung quanh sẽ cho các em học sinh đi học tại trường liên cấp trên).

Nếu quy hoạch, bố trí, sắp xếp hợp lý không những tinh giản biên chế hợp lý mà còn, thuận tiện các em học sinh trong việc học tập, sinh hoạt,… góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả và quan trọng là sẽ tiết kiệm được ngân sách lớn là cơ sở để dùng để cải thiện thu nhập cho nhà giáo cả nước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên