Tôi biết có học sinh lớp 9, có bằng tốt nghiệp nhưng không đọc thông viết thạo

19/04/2021 07:22
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nền giáo dục của chúng ta là phổ cập nhưng không có nghĩa là “xua” tất cả các em phải lên lớp mà là đồng hành cùng các em trong chặng đường để được lên lớp.

Việc học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp không đọc thông viết thạo đang gây dậy sóng dư luận. Qua tìm hiểu, em N.V.K khi đang học kỳ 1 của năm lớp 6 tại Trường trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhưng nhất quyết đòi nghỉ học vì em không biết chữ nên mặc cảm với bạn bè.

Qua lời thuật lại của gia đình em K., năm học lớp 1 và lớp 2 em K. vẫn biết mặt chữ, ráp vần được. Tuy nhiên, sang lớp 3 thì K. bị tuột lại so với các bạn. Đỉnh điểm đến lớp 5, K. đọc chữ rất khó khăn. Có chữ em đọc được, chữ đọc sai, những từ ghép có nhiều âm tiết thì em hoàn toàn không biết đọc.

Ngoài K. đã nghỉ học, còn 5 học sinh khác đọc viết cũng sai rất nhiều và không thể đọc liền câu, mà phải đánh vần từng chữ. Riêng chính tả thì các em viết sai nhiều.

Nhìn nhận sự việc này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đó là hậu quả của căn bệnh ngụy thành tích, chỉ tiêu thi đua phi thực tế.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ kể, giai đoạn làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình đi kiểm tra ông phát hiện có học sinh lớp 9 đã có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mà vẫn chưa đọc thông viết thạo.

Ông Nhĩ chỉ ra nguyên nhân, giai đoạn những năm 80 của thế kỷ XX để phát triển sự nghiệp giáo dục ở vùng núi, hải đảo và vùng xa xôi hẻo lánh, Nhà nước đã có chính sách điều động giáo viên và phân phối sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm ở miền xuôi, hàng năm cung cấp một tỷ lệ giáo viên mới ra trường và giáo viên có kinh nghiệm đến phục vụ sự nghiệp giáo dục ở vùng núi, hải đảo và vùng xa xôi hẻo lánh.

“Trong thời gian điều động, nếu giáo viên 3 năm liền đạt thành tích lao động tiên tiến thì sẽ được trở về miền xuôi sớm hơn so với thời hạn. Trong khi đó, một trong những tiêu chí đánh giá lao động tiên tiến chính là tỷ lệ học sinh được lên lớp”, đây một trong những căn nguyên chính dẫn tới việc học trò lớp 9 mà vẫn chưa đọc thông viết thạo.

Sau khi phát hiện trường hợp đó, ngoài xử lý giáo viên, nhà trường đó thì ông Nhĩ đã đề xuất cần thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, ở đó học sinh học theo đúng năng lực chứ không phải theo độ tuổi, tức là ví dụ, học sinh 15 tuổi nhưng khả năng chỉ tiếp nhận được kiến thức của lớp 3 thì em đó sẽ ngồi học ở lớp 3.

"Do đó, việc có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cũng không ảnh hưởng gì vì trường kiểm tra đầu vào đối với từng khối học chứ không dựa vào kết quả học tập của những năm trước", ông Nhĩ nói.

Trong khi đó, cùng nhìn nhận vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nền giáo dục của chúng ta là phổ cập nhưng không có nghĩa là “xua” tất cả các em phải lên lớp mà là đồng hành cùng các em trong chặng đường để được lên lớp.

Rõ ràng, trong một lớp, một trường thì có học sinh giỏi toán, có học sinh giỏi Tiếng Việt, có học sinh đọc nhanh, có học sinh đọc chậm… điều này đòi hỏi thầy cô phải giúp đỡ các con, làm thay đổi học sinh theo từng học kỳ, từng năm học chứ không thể ùn ứ năm này qua năm khác để rồi học sinh lớp 6 vẫn chưa đọc thông viết thạo. Điều này đòi hỏi phải đi vào giá trị thực của giáo dục, muốn làm được như vậy thì nhà trường phải được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chứ không phải làm theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới như hiện nay.

Bởi thầy Tùng Lâm cho rằng: “Chừng nào giáo viên vẫn lo nếu học sinh nào không lên được lớp thì ảnh hưởng đến thành tích của lớp, chừng nào hiệu trưởng vẫn lo nếu học sinh không lên được lớp thì ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường thì chừng đó giáo dục vẫn còn giả dối”.

Thùy Linh