Tôi thấy đề thi Ngữ văn có những câu hỏi vô duyên, không phù hợp với lứa tuổi 18

09/07/2021 06:32
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn có những câu hỏi trùng lặp, thậm chí mơ hồ không đáng có.

Sáng 7/7/2021, thí sinh cả nước bước vào kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Kết thúc buổi thi, nhiều người khen đề thi Ngữ văn phù hợp với đối tượng học sinh thi tốt nghiệp và phân hóa trong việc xét tuyển vào đại học.

Chẳng hạn như, “Thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021: đề Ngữ văn hay, phân hóa tốt” [1]; “Đề thi môn Ngữ văn khá hay và có yếu tố bất ngờ” [2]; “Đề Ngữ Văn tốt nghiệp trung học phổ thông: đảm bảo sự phân hóa, phổ điểm từ 6 đến 8" [3]...

Thế nhưng, cá nhân người viết cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay có những câu hỏi vô bổ, trùng lặp, thậm chí mơ hồ không đáng có, không phù hợp với học sinh tuổi 18.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 môn Ngữ văn. (Ảnh: Thùy Linh)

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 môn Ngữ văn. (Ảnh: Thùy Linh)

Phần Đọc hiểu

Phần Đọc hiểu cho đoạn trích “Bí mật của nước” của tác giả Masaru Emoto, Nhà xuất bản Lao Động năm 2019 và yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi theo các mức độ nhận biết (câu 1, 2), thông hiểu (câu 3) và vận dụng (câu 4).

Trong đó, câu 1, 2 hỏi người viết cho là rất vô duyên kiểu tái hiện kiến thức mà bất cứ học sinh cấp 2 nào (kể cả tiểu học) cũng có thể làm tốt. Học sinh chỉ cần chép lại câu hỏi có sẵn ở văn bản là được 1,0 điểm, không cần phải đắn đo suy nghĩ.

Cụ thể, học sinh “copy”, “paste” (sao chép và dán) như sau: câu 1, sự ra đời của dòng sông, theo đoạn trích: “từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời”.

Câu 2, theo đoạn trích, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là “những vùng châu thổ màu mỡ - những vùng nông nghiệp vĩ đại”.

Đặc biệt, câu 3 dẫn đoạn văn: “một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng” và nêu câu hỏi, “bản thân hiểu gì về dòng chảy của nước và của cuộc sống con người” là rất khập khiễng.

Thú thật, là giáo viên Ngữ văn có nhiều năm dạy học lớp 12, nhưng khi đọc câu hỏi này, bản thân tôi cũng lúng túng, mất mấy phút mà vẫn chưa có đáp án chính xác. Bởi cách hỏi “hiểu gì về dòng chảy của nước” chẳng ăn nhập gì, không đâu vào đâu.

Dòng suối hay dòng sông là những dòng nước tự nhiên và đều có khởi nguồn. Ở đây, tác giả Masaru Emoto mượn dòng nước và câu chuyện của nước để ẩn dụ về cuộc đời, con người. Hay nói cách khác, hành trình của đời người cũng giống với hành trình của dòng sông, có khởi đầu, tiến triển và kết thúc.

Vậy nên, học sinh sẽ rất khó trả lời sao cho đúng ở vế thứ nhất, dẫn đến tình trạng viết nhăng viết cuội, mà nói theo ngôn ngữ tuổi teen là “chém” (viết bừa). Không những học sinh, kể cả giáo viên cũng không có câu trả lời sao cho thỏa đáng.

Minh chứng là, có người đưa ra đáp án trên trang Tuyensinh247: “dòng chảy của nước luôn luôn vận động, không ngừng nghỉ và chứng kiến tất cả những hoạt động diễn ra thường ngày của con người” [4], người khác thì viết: “về dòng chảy của nước: hiền hòa, dịu nhẹ, là người bạn chứng kiến, gắn bó với cuộc sống của con người” [5].

Như thế để thấy rằng, dòng chảy của nước cũng chỉ là… dòng nước chảy. Ở trong ngữ liệu, dòng chảy chỉ chứng kiến cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà thôi.

Phần làm văn

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Nếu đọc kĩ đề, có thể nhận ra câu này trùng ý với câu 4 ở phần Đọc hiểu “qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích, bản thân rút ra những bài học gì về lẽ sống”.

Tham khảo 1 đáp án được đăng tải trên các phương tiện truyền thông [6], chúng ta sẽ thấy rõ sự trùng lặp ý như sau:

Bài học về lẽ sống: “cuộc sống là một hành trình dài. Trong hành trình ấy, con người cần gắn kết với thế giới xung quanh, cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc đời.

Cuộc đời riêng của mỗi người là một phần của cuộc sống, hãy biết hòa nhập vào cuộc đời chung để tạo nên những điều tốt đẹp. Cuộc sống có ý nghĩa khi con người sống hết mình, trân trọng từng giây phút trong cuộc đời.

Còn sự cần thiết phải biết sống cống hiến: “sống cống hiến tạo ra sức mạnh to lớn cho cộng đồng, lan tỏa những năng lượng tích cực, những thông điệp có ý nghĩa, góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.

Sống cống hiến mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi cá nhân, định hướng giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với đất nước. Sống cống hiến thể hiện nét đẹp truyền thống của ông cha ta” [6].

Ngoài ra, câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh cảm nhận 3 khổ thơ trong bài “Sóng”, từ đó nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh là chưa hợp lí. Dễ nhận thấy, câu hỏi phụ này kiểm tra phạm vi kiến thức quá rộng.

Bởi, thơ Xuân Quỳnh có những tác phẩm chính như: “Tơ tằm – chồi biếc”; “Hoa dọc chiến hào”; “Lời ru trên mặt đất”; “Tự hát”; “Gió Lào cát trắng”; “Hoa cỏ may”; “Bầu trời trong quả trứng” (theo sách Ngữ văn 12, tập 1, trang 154, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Hơn nữa, chỉ qua một đoạn thơ ngắn, học sinh rất khó nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, mà phải là “vẻ đẹp nữ tính trong bài thơ Sóng” (hỏi ở phạm vi hẹp) hoặc “vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu” thì hợp lí hơn.

Có thể khẳng định, để ra một đề thi Ngữ văn xứng tầm cho kì thi 2 trong 1 là điều không mấy dễ dàng. Đề văn muốn hay thì trước hết phải đúng, hợp lí, khoa học và phù hợp với đặc thù bộ môn.

Vậy nên, việc ra đề thi cho một kì thi có quy mô toàn quốc, tốt nhất nên tránh những câu hỏi vụn vặt, lặp lại, kể cả mơ hồ. Điều này sẽ gây khó khăn và nhàm chán cho thí sinh, kể cả giám khảo.

Tài liệu tham khảo:

[1] //baodautu.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2021-de-ngu-van-hay-phan-hoa-tot-d146747.html

[2] //haiquanonline.com.vn/de-thi-mon-ngu-van-kha-hay-va-co-yeu-to-bat-ngo-148514.html

[3] //congluan.vn/de-ngu-van-tot-nghiep-thpt-dam-bao-su-phan-hoa-pho-diem-tu-6-den-8-post142960.html

[4]https://tuoitre.vn/bai-giai-de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-mon-van-20210707091704258.htm

[5]https://tienphong.vn/giai-de-thi-ngu-van-thpt-2021-song-cua-nha-tho-xuan-quynh-vao-de-thi-post1352768.tpo

[6]https://congly.vn/goi-y-dap-an-de-thi-mon-ngu-van-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-190692.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên