Tổng liên đoàn có chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018/QH14?

30/11/2019 06:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Ban hành 1 văn bản không đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước của Tổng liên đoàn hiện nay có phải là sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện?

Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương là văn kiện có hiệu lực thi hành lớn thứ 2 đối với các tổ chức Đảng và toàn thể Đảng viên (chỉ dưới Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng).

Ngoài Văn kiện đại hội toàn quốc, không có văn kiện, văn bản, qui định nào khác của Đảng có thể và có quyền có nội dung trái với Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương.

Đảng chúng ta lãnh đạo đất nước thông qua Luật.

Luật số 34/2018/QH14 là sự thể hiện ý chí lãnh đạo cao nhất của Đảng trong một nhà nước pháp quyền; và với tư cách công dân, mọi người đều phải chấp hành Luật này.

Chủ trương, quan điểm của Trung ương về tự chủ đại học trong Nghị quyết số 19-NQ/TW

Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Phần III - Nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra nhiều chủ trương sáng suốt, thiết thực về tự chủ ở đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, tự chủ đại học nói riêng. Cụ thể:

“Mục 3 - Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).

Mục 5 - Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập:

- Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường.

Mục 7 - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước:

- Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bộ, ngành về chính quyền địa phương quản lý; bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu.”.

Không có tự chủ đại học, không có Trường Đại học Tôn Đức Thắng khang trang, hiện đại, phát triển ngày nay, ảnh: tdtu.edu.vn.
Không có tự chủ đại học, không có Trường Đại học Tôn Đức Thắng khang trang, hiện đại, phát triển ngày nay, ảnh: tdtu.edu.vn.

Chủ trương tự chủ đại học và bỏ cơ chế bộ chủ quản không phải bây giờ Đảng, Nhà nước mới đặt ra. Ngày 2/11/2005, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Đến nay, đây là văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nguyên hiệu lực.

Khoản e) (Đổi mới cơ chế quản lý), Mục 3 (Nhiệm vụ và giải pháp đổi mới), Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ chỉ đạo:

“- Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính.

- Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng giáo dục đại học.

- Quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; chỉ đạo triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định giáo dục đại học; hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; điều tiết vĩ mô cơ cấu và quy mô giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ.”.

Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của cơ quan chủ quản đè lên Luật?
Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của cơ quan chủ quản đè lên Luật?

Các chủ trương, chính sách tiến bộ nói trên gần đây đã được thể chế hóa thành Luật số 34/2018/QH14; trong đó hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

Hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất của trường đại học. Chủ thể bên ngoài như cơ quan chủ quản không có quyền quyết định mọi việc của trường đại học (trừ việc công nhận hay không công nhận chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng; nếu Chính phủ giải thích: thuật ngữ “cơ quan quản lý có thẩm quyền” là cơ quan chủ quản).

Bước này là sự mở đầu để tiến tới bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Luật số 34/2018/QH14 giao Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiều nội dung không đúng với tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP và Luật số 34/2018/QH14

Ngày 16/10/2019 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với cán bộ trong tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên có một số nội dung quy định tại Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ không đúng chủ trương tự chủ đại học được Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 cũng như quy định trong Luật số 34/2018/QH14.

Xuất phát điểm từ một trường dân lập do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh sáng lập, sự thay đổi của Luật Giáo dục đã khiến nhà trường chuyển đổi mô hình sang bán công, rồi công lập, nhưng tự chủ tài chính hoàn toàn và xuyên suốt từ đầu, không nhân ngân sách từ Nhà nước cũng như Công đoàn cho chi thường xuyên lẫn chi phát triển, ảnh minh họa: tdtu.edu.vn.
Xuất phát điểm từ một trường dân lập do Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh sáng lập, sự thay đổi của Luật Giáo dục đã khiến nhà trường chuyển đổi mô hình sang bán công, rồi công lập, nhưng tự chủ tài chính hoàn toàn và xuyên suốt từ đầu, không nhân ngân sách từ Nhà nước cũng như Công đoàn cho chi thường xuyên lẫn chi phát triển, ảnh minh họa: tdtu.edu.vn.

Nếu văn bản dưới Luật này không được thu hồi, mà vẫn tồn tại để bắt buộc các trường đại học của Tổ chức công đoàn phải áp dụng; sẽ dẫn đến đổ vỡ chủ trương tự chủ đại học của Đảng; vô hiệu hóa Luật 34/QH14; làm thất bại một số mô hình tự chủ đã thành công, cụ thể:

1. Nhân sự chức danh Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng theo Luật số 34/2018/QH14 thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường, Quyết định 1584/QĐ-TLĐ yêu cầu nhân sự các chức danh này phải được Tổng liên đoàn giới thiệu để bầu.

2. Chức danh phó hiệu trưởng, kế toán trưởng theo Luật số 34/2018/QH14 thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm mà không quy định phải có sự công nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ yêu cầu phải có ý kiến của Tổng liên đoàn trước khi bổ nhiệm.

3. Hội đồng trường đại học là đơn vị có thẩm quyền quyết định cơ cấu, tổ chức, cơ cấu lao động, ban hành danh mục vị trí việc làm...theo Luật số 34/2018/QH14; nhưng Khoản 2, Điều 6 của quy định ban hành theo Quyết định 1584/QĐ-TLĐ lại giao cho Tập thể thường trực Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức của các đơn vị trực thuộc mà không loại trừ các trường đại học trực thuộc.

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy nhiều cơ quan chủ quản đang rải đinh ở đại học
Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy nhiều cơ quan chủ quản đang rải đinh ở đại học

Trong các đại học trực thuộc Tổng liên đoàn, Trường đại học Tôn Đức Thắng là đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện bằng Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015.

Tại Quyết định này, các thẩm quyền trên là thuộc về Hội đồng trường. Cho đến nay chưa có văn bản pháp qui nào tuyên bố rằng Quyết định 158/QĐ-TTg này hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, tại Phần IV - Tổ chức thực hiện, Nghị quyết số 19-NQ/TW giao “các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban Đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và đơn vị.”.

Với việc ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ, Thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay đã và đang tự đặt mình ra khỏi phạm vi triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng như Luật 34/2018/QH14; không thực hiện 2 văn kiện pháp qui này.

Ngày 26/7/2019 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh:

“Mọi việc đều căn cứ vào pháp luật, các quy định của Đảng, không ai có thể lảng tránh; không làm cũng không được, buộc phải làm. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì đưa ra bàn bạc tập thể, phát huy dân chủ, số ít phải phục tùng số đông.

Chúng ta đã có luật và làm theo luật, nhưng khi cần thiết và đòi hỏi của thực tế thì sửa luật, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời cũng phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng.” [1]

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019; ngày 14/1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo rõ:

“Hình phạt mà các Tòa án quyết định đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.”. [2]

Việc ban hành 1 văn bản không đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước của Tổng liên đoàn hiện nay có phải là sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện, vi phạm Luật số 34/2018/QH14?.

Nếu những văn bản như Quyết định 1584/QĐ-TLĐ không được thu hồi, làm sao chủ trương tự chủ đại học rất sáng suốt, thiết thực, cấp bách mà Đảng, Nhà nước đặt ra từ lâu có thể đi vào cuộc sống?. Và nếu điều này xảy ra, thì trách nhiệm sâu xa thuộc về ai?.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-chu-tri-phien-hop-ve-phong-chong-tham-nhung/371629.vgp

[2]http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-tai-Hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-Toa-an-nam-2019/356917.vgp

Hồng Thủy