TP.HCM rút tờ trình tăng học phí

11/07/2012 15:54
Duyên Thanh
(GDVN) - Sáng nay, trong phiên họp của Hội đồng nhân dân TP.HCM có 8 tờ trình của thành phố để hội đồng thảo luận, tuy nhiên không có tờ trình về việc tăng học phí. Được biết, do lắng nghe ý kiến của cử tri và từ nhiều phía, thành phố nhận thấy việc tăng học phí lúc này là chưa phù hợp.

Trước đó, UBND thành phố đã dự định trình Hội đồng nhân dân phương án xây dựng mức thu học phí mới, tăng từ 3 đến 5 lần mức hiện tại. Lý do là mức thu học phí lâu nay thường dựa theo mức thu lần trước, không xây dựng trên cơ sở thu đủ bù chi sau khi được phân bổ ngân sách.

Mặc dù thành phố đã dành 26% ngân sách chi cho giáo dục, nhưng do 80% số này dành cho con người nên hạn chế phần chi cho các hoạt động và cơ sở vật chất.

Từ năm 1998 đến nay, Nhà nước đã 7 lần nâng lương tối thiểu, từ 290 ngàn đồng/người/tháng lên 1.050.000 đồng/người/tháng dẫn đến mức thu học phí hiện nay đã lạc hậu và càng làm khó khăn hơn trong hoạt động nhà trường.

Mức thu học phí và chi phí học tập khác đối với giáo dục mầm non, phổ thông sẽ không được vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và khung học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ.

Theo khung học phí của Nghị định 49 thì bậc mầm non và phổ thông công lập, có thể thu từ 40 ngàn đến 200 ngàn đồng/tháng/học sinh. Hiện nay, mức thu học phí công lập tại TP.HCM thực hiện theo Quyết định số 70 của Thủ tướng Chính phủ năm 1998.

CHÙM ẢNH: THẦN TƯỢNG CỦA HÀNG NGHÌN SĨ TỬ VẠ VẬT Ở VỈA HÈ

Mức thu học phí công lập đang thực hiện như sau: (đơn vị: đồng/học sinh/tháng)

Cấp học Nội thành Ngoại thành
Nhà trẻ 50.000 30.000
Mẫu giáo 40.000 20.000
Tiểu học Không thu Không thu
Trung học cơ sở 15.000 10.000
Trung học phổ thông 30.000 25.000
Bổ túc THCS 45.000 35.000
Bổ túc THPT 65.000 45.000

Theo tính toán của thành phố, mức học phí cần phải tăng từ 3 đến 5 lần như sau: (đơn vị: đồng/học sinh/tháng).

Cấp học Nội thành Ngoại thành
Nhà trẻ 150.000 90.000
Mẫu giáo 120.000 60.000
Tiểu học Không thu Không thu
Trung học cơ sở 75.000 60.000
Trung học phổ thông 90.000 75.000
Bổ túc THCS 112.000 90.000
Bổ túc THPT 135.000 112.000

Mức học phí mới trên đã bao gồm tiền cơ sở vật chất, vệ sinh phí. Mức học phí này cũng dựa trên thu nhập bình quân của người dân TP.HCM. Theo số liệu của Cục thống kê thành phố thì thu nhập bình quân của người dân TP.HCM năm 2010 là 1.688.600 đồng/người/tháng (ngoại thành), 2.778.700 đồng/người/tháng (nội thành).

Hãy cân nhắc lộ trình tăng học phí

Theo GS. Phạm Phụ, việc tăng học phí phải có lộ trình, không phải muốn tăng là tăng cao ngay lập tức. Chỉ được tăng học phí cấp THPT nhưng không được tăng học phí cấp THCS vì chúng ta đang phổ cập bậc học này. Trước khi tăng học phí, phải rà soát xem ngân sách nhà nước khi xuống địa phương có được chi tiêu hiệu quả không, có bị rơi rớt dọc đường không, ngân sách địa phương xuống tới trường có được chi tiêu hiệu quả không. GS Phạm Phụ cho biết ông đã đọc nhiều báo cáo cho thấy ngân sách nhà nước khi xuống tới trường đã bị thất thoát.

GS. Phụ cũng cho rằng, chúng ta cũng chưa có cơ chế kiểm định để biết được sau khi tăng học phí, chất lượng có tăng theo hay không.

Chuyên gia giáo dục Lê Viết Khuyến cũng đồng tình với ý kiến của GS. Phạm Phụ về việc cần phải có cơ chế giám sát chất lượng sau khi tăng học phí, và người dân sẽ có quyền đó, thông qua các hiệp hội xã hội nghề nghiệp. Nhà trường phải chấp nhận có sự giám sát về chất lượng của xã hội. Để đảm bảo người nghèo không bị lao đao vì chính sách tăng học phí, cần phải cấp học bổng cho tất cả các học sinh con nhà nghèo (gia đình có thu nhập dưới mức thu nhập trung bình). Việc tăng học phí nên nhích dần, 5%, 10%... chứ không tăng gấp mấy lần như vậy.

ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC CỦA BỘ GIÁO DỤC: TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI B 2012  - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI A 2012 - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH TOÁN, VĂN KHỐI D 2012 - TOÀN BỘ ĐÁP ÁN ĐH KHỐI C 2012 - ĐÁP ÁN ĐH CÁC MÔN NGOẠI NGỮ KHỐI D 2012

Duyên Thanh