Trải lòng của thầy giáo trẻ bỏ biên chế để trở thành thợ xăm chuyên nghiệp

08/12/2017 07:19
Phan Thị
(GDVN) - Trải qua rất nhiều khó khăn, Nguyễn Quang Tuệ mới được đặc cách vào viên chức, thế nhưng anh đã quyết định bỏ nghề để theo đuổi đam mê của mình.

Không muốn quay lại nghề giáo 

Anh Nguyễn Quang Tuệ (sinh năm 1987), hiện đang là một thợ xăm hình nghệ thuật tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.

Anh từng có 9 năm làm nghề giáo, nhưng anh đã viết đơn xin ra khỏi ngành, bỏ biên chế để theo đuổi đam mê của mình. 

Anh nói rằng, giờ nếu thất nghiệp anh cũng sẽ tìm nghề khác chứ không quay lại nghề giáo viên.

Nguyễn Quang Tuệ muốn chuyên tâm phát triển nghề xăm hình nghệ thuật.
Nguyễn Quang Tuệ muốn chuyên tâm phát triển nghề xăm hình nghệ thuật.

Chia sẻ về lý do bỏ nghề giáo viên, Nguyễn Quang Tuệ cho biết vì mức lương thấp không đủ cho anh trang trại cuộc sống.

Lý do nữa là vì anh có công việc xăm hình nghệ thuật với thu nhập khá hơn nên anh muốn nghỉ dạy để tập trung vào công việc này.

Không phải khi quyết định bỏ nghề giáo viên rồi Nguyễn Quang Tuệ mới đến với nghề xăm hình nghệ thuật, mà anh đã làm nghề này từ năm 2012, khi còn đang là một giáo viên hợp đồng.

Thời điểm đó, ngoài thời gian đi dạy, anh mở làm thêm nghề xăm ngay tại nhà, nhận khách vào hai ngày thứ 7, chủ nhật để kiếm thêm thu nhập.

Mới đầu anh mở tại nhà, sau đó anh lên thành phố Đồng Hới thuê khách sạn làm.

Đến năm 2014, anh tự mở được cho mình một tiệm xăm riêng.

Ngày nào cũng như ngày nào, sau khi hoàn thành công việc dạy học ở trường, anh lại nhảy lên xe buýt về Đồng Hới xăm hình cho khách.

Vì thế mà anh rất bận rộn, đến cả thời gian nghỉ ngơi cũng rất hiếm hoi.

Nguyễn Quang Tuệ tâm sự, anh đến với xăm hình nghệ thuật như một cái duyên.

Anh đam mê mỹ thuật từ nhỏ, có sẵn năng khiếu vẽ, sau đó anh tự mày mò học xăm hình, học hỏi từ bạn bè, học trên mạng và bây giờ anh đã trở thành một thợ xăm chuyên nghiệp.

Ngoài làm nghề, Nguyễn Quang Tuệ còn nhận đào tạo cả học viên.
Ngoài làm nghề, Nguyễn Quang Tuệ còn nhận đào tạo cả học viên.

Càng ngày, lượng khách tìm đến anh càng đông, thương hiệu của anh cũng ngày được nhiều người từ khắp nơi biết đến.

“Thu nhập từ nghề xăm khá hơn nghề giáo viên rất nhiều. Hơn nữa, thời gian lại thoải mái, công việc cũng thoải mái chứ không nhiều áp lực, gò bó như nghề giáo.

Mình có dự định theo nghề này và muốn tham gia các cuộc thi về xăm hình nghệ thuật”, Nguyễn Quang Tuệ nói.

Từng dạy một lúc hai trường để kiếm thêm thu nhập

Dù bây giờ không còn đứng trên bục giảng, nhưng Nguyễn Quang Tuệ vẫn nhớ như in về quãng thời gian vất vả theo nghề giáo viên, bôn ba dạy hợp đồng từ trường này đến trường khác.

Anh tâm sự rằng, điều khiến anh nhớ nhất trong quãng thời gian làm thầy giáo có lẽ là học trò và những người lãnh đạo trường học đã tạo điều kiện cho anh.

Nguyễn Quang Tuệ có hơn 9 năm đứng trên bục giảng, thì anh có đến 6 năm phải dạy hợp đồng.

Anh tốt nghiệp khoa Sư phạm Mỹ Thuật, hệ cao đẳng của trường Đại học Quảng Bình.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp anh xin được vào dạy hợp đồng ở trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc ( huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) với mức lương khởi điểm 730 nghìn đồng.

Dạy trường này được 2 năm thì hết hợp đồng, anh lại xin vào trường Tiểu học Sen Thủy, sau đó là trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Dương Văn An, rồi trường Trung học cơ sở Liên Thủy…

Cứ thế, trong vòng 6 năm Nguyễn Quang Tuệ dạy hợp đồng ở tất cả 8 ngôi trường.

6 năm dạy hợp đồng là quãng thời gian vất vả nhất đối với anh, có thời điểm anh còn dạy cùng một lúc hai trường để kiếm thêm thu nhập.

“Thời điểm mình dạy cùng một lúc hai trường là vào năm 2013-2014, lúc đó mình dạy hai trường trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Dương Văn An và trường Trung học cơ sở Liên Thủy.

Vì biết mình khó khăn nên các lãnh đạo cũng đã tạo điều kiện bằng cách phân lịch không trùng nhau để mình có thể hoàn thành công việc ở cả hai trường”, anh Tuệ cho biết.

Đến tháng 3/2014, sau 6 năm dạy hợp đồng, anh được Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Lệ Thủy đặc cách vào viên chức và phân về dạy tại trường Tiểu học Thanh Thủy. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2017, sau hơn 9 năm đứng trên bục giảng anh đã quyết định viết đơn xin ra khỏi ngành.

Nguyễn Quang Tuệ tâm sự, anh vừa đi dạy vừa làm nghề xăm. Tuy lúc đó anh xem nghề xăm là nghề tay trái, nhưng để đảm bảo vừa hoàn thành tốt công việc ở trường, vừa không thất hẹn với khách hàng, anh lúc nào cũng bận rộn và có rất ít thời gian nghỉ ngơi.

Anh có ý định bỏ nghề giáo viên để tập trung vào nghề thợ xăm từ kỳ nghỉ hè năm 2017 vừa rồi. Khi có ý định nàu, anh đã tâm sự với gia đình. Bố mẹ anh đã khuyên nên tiếp tục đi dạy vì khó khăn lắm anh mới vào được viên chức.

Nhưng khi nghe anh phân tích về thời gian làm việc, rồi mức lương… bố mẹ anh đã đồng ý cho anh tự quyết định.

Nguyễn QuangTuệ tâm sự: “Đầu năm học này mình vẫn đi dạy, nhưng lúc đó lượng khách hàng bên nghề xăm đã khá nhiều nên mình không đủ thời gian, sức khỏe để làm cả hai việc.

Đi dạy khoảng nửa tháng thì mình quyết định viết đơn xin nghỉ và được cấp trên đồng ý. Bây giờ mình muốn theo nghề thợ xăm và muốn chuyên tâm phát triển nghề này”.

Phan Thị