Tránh ảo mộng sức mạnh trường chuyên

27/01/2022 07:33
Tiến sĩ Cù Văn Trung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nêu rõ trường chuyên là cơ sở để “tạo nguồn nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước” đã gây ra nhiều ngộ nhận cho xã hội.

LTS: Chia sẻ quan điểm về việc phát triển trường chuyên, Tiến sĩ Cù Văn Trung (Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Á) cho rằng chúng ta nên khiêm tốn, chầm chậm và định hướng vấn đề trường chuyên cho nó luôn giữ vững giá trị thực.

Tác giả lưu ý bài viết này chỉ đề cập tới trường chuyên ở địa phương vì nó mang tính phố biến và dễ bị biến dạng với mục tiêu ban đầu.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể xem xét vấn đề trường chuyên trên ba bình diện cơ bản: Thứ nhất, nó như là một lý thuyết về tổ chức hoạt động giáo dục dạy học. Thứ hai, nó có thể được hiểu như là một mô hình được xây dựng từ lí luận đến thực tiễn. Thứ ba, nó cũng có thể xem như là một cơ chế, chính sách đã được luật hóa.

Mô hình trường chuyên trong thực tế được áp dụng ở Việt Nam trong nhiều năm qua phần nào thể hiện cả những ưu và nhược điểm.

Có thể khẳng định rằng về mặt chủ trương của của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân.

Tuy vậy, xét về góc độ mô hình thì có nơi tổ chức hoạt động tốt và cũng có nơi chưa được như mong đợi.

Việc tranh cãi bỏ hay không bỏ trường chuyên còn tốn nhiều giấy mực của báo chí. Có thể do thiếu một công cụ đo đếm khoa học bằng các thao tác của chuyên ngành xã hội học nên những tranh luận mang màu sắc kinh nghiệm của một vài cá nhân là điều khó có thể đi đến hồi kết.

Ảnh minh hoạ: Nguyễn Đức Trí, nguồn: Thethaovanhoa.vn

Ảnh minh hoạ: Nguyễn Đức Trí, nguồn: Thethaovanhoa.vn

Với quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng ngay nhận thức ban đầu đã được luật hóa cho thấy có tính vấn đề.

Cụ thể trong Luật Giáo dục (2019) tại Khoản 1 Điều 62 đã quy định như sau: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.”

Việc nêu rõ trường chuyên là cơ sở để “tạo nguồn nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước” đã gây ra nhiều ngộ nhận cho xã hội.

Có nhiều nơi coi đây là chỗ đào tạo ra người giỏi vì vậy mà nhiều thầy, cô, phụ huynh đã tập trung toàn lục cho một quá trình rất ngắn của các em để mong muốn có thể nhìn thấy ngay nguyên khí.

Sự nhầm lẫn của người lớn như vậy khiến không ít các em tưởng mình đã là trung tâm của mọi sự quan tâm, trung tâm của vũ trụ.

Như chúng ta đều biết vấn đề giáo dục cần nhìn nhận dài hạn, có tính biên độ rất xa để nhìn nhận thành quả và đánh giá thành công.

Tuy vậy, ở đâu đó vẫn có không ít các hiệu trưởng trường chuyên chịu ảnh hưởng bởi tâm lý tư duy nhiệm kì nên nhiều lúc họ quên mất rằng quá trình giáo dục ở nhà trường chỉ là nơi bắt đầu, chứ không phải là nơi kết thúc.

Do đó, có bao nhiêu “tinh túy, điều hay, cái tốt” (giáo viên giỏi, cơ sở vật chất xịn, giáo án luyện đề tủ) họ dồn và thổi nhanh vào học sinh thân yêu.

Vì chính các em sẽ góp phần làm rạng danh lãnh đạo nhà trường khi họ đi báo cáo tổng kết, báo cáo thành tích với các cơ quan cấp trên.

Ngoài ra, một số nơi còn nặng về tính chính trị, giáo dục trường chuyên như là thứ được khoe về thành tựu lãnh đạo, các con số nổi bật để so sánh giữa trường mình và trường bạn, giữa tỉnh ta và tỉnh họ cũng là câu chuyện thường được đề cập khi có dịp, có điều kiện, “con át chủ bài” trường chuyên ít nhiều giúp các lãnh đạo địa phương tự tin trong một số trường hợp cụ thể.

Thiết nghĩ, chúng ta nên khiêm tốn, chầm chậm và định hướng vấn đề trường chuyên cho nó luôn giữ vững giá trị thực (cả về pháp lý và thực tế), hãy coi đây như là một mô hình thực nghiệm nhằm giúp các em khám phá, đo đếm những chất lượng bên trong cứ chập chờn như vờ là của mình mà lại rất vất vả để nhận ra nó.

Tại trường chuyên, những khả năng, khát vọng, nội lực của các em sẽ được bộc lộ theo cách phù hợp. Giai đoạn này điều quan trọng là định hướng cho các em những bước đi tiếp sau, giữ nhịp độ cho các em vẫn vậy và liên tục với thần thái tự nhiên, hồn nhiên để vào đời.

Người lớn sẽ là tham vọng nếu định vị, chốt chặt hay mặc nhiên một khả năng, tài năng nào đó lên ngay các em.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên thổi phồng quá đà hay quan trọng hóa trường chuyên để rồi khi các em dời “đoạn đường” này thì những nụ cười tự tin, niềm tự hào quá khứ cứ dần dần rơi rụng hoặc không còn tự nhiên như trước.

Bởi vì càng lớn khôn thì các em ấy càng nhận ra rằng hành trình để khoác lên mình danh xưng “nhân tài” hay “hiền tài” không hề dễ dàng, nó không giản đơn và bó hẹp như môi trường xưa cũ mà các em từng trải.

Những va đập, những thất bại và những thành công ở ngoài cuộc đời là cả một quá trình vất vả đối với mỗi cá nhân.

Trên đây là quan điểm của người viết về từng đối tượng: nhà quản lý, lãnh đạo nhà trường, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh trường chuyên.

Từ cách nhìn khiêm tốn trên, tác giả mong muốn giúp các đối tượng soi chiếu để hoàn thiện hơn ở môi trường cụ thể trường chuyên của mình.

Bản thân người tác giả không phải là một học sinh trường chuyên nhưng có nhiều bạn bè và người thân là học sinh trường chuyên.

Từ thực tế đó tác giả thấy rằng bất kì một “sản phẩm” của trường chuyên cần được nhìn nhận và đánh giá từ nhiều quan điểm khách quan như thế.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tiến sĩ Cù Văn Trung