Trường chuyên hiện nay của Việt Nam là một loại hình trường học đã lỗi thời

21/03/2022 06:58
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền chia sẻ không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia phát triển vấn đề trường chuyên trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng của xã hội.

Trường chuyên được định nghĩa là một loại hình trường đào tạo chuyên biệt, tập trung vào một vài lĩnh vực chuyên sâu,...

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia chỉ ra những điểm khác của mô hình trường chuyên ở Việt Nam với các quốc gia phát triển khác. Trước hết chúng ta cần làm rõ khái niệm trường chuyên mà chúng ta đang sử dụng ở Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Alexandra (2007), trường chuyên (specialist/ specialized school) là những trường tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Hiện nay các trường chuyên tập trung vào 9 lĩnh vực bao gồm công nghệ (technology), ngôn ngữ (language), nghệ thuật (arts), thể thao (sports), kinh doanh (business and enterprise), cơ khí ( engineering), toán và tin học (mathamatics and computing), khoa học (science), nhân văn và âm nhạc (humanities and music). Đầu vào cho trường này là các học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đáp ứng một số tiêu chuẩn đầu vào và không phải trải qua kỳ thi cạnh tranh nào.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.”. Như vậy theo khái niệm này thì mô hình trường chuyên ở Việt Nam không phải là mô hình trường chuyên như ở các quốc gia phát triển. Căn cứ vào luật này, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng cách gọi trường chuyên của Việt Nam chính là hàm ý chỉ trường chọn (Selective school).

Trường chọn, theo định nghĩa của Bộ Giáo dục bang New South Wales của Úc là trường trung học dành cho những học sinh có thành tích học tập xuất sắc và có năng lực nổi trội trong học thuật nhằm giúp các em có tố chất theo đuổi con đường nghiên cứu. Học sinh được giảng dạy với những phương pháp và tài liệu chuyên biệt. Để vào được những trường này người học cần phải qua một kỳ thi cạnh tranh đầu vào với 4 môn bắt buộc gồm: Đọc hiểu (reading), Toán tư duy (mathematical reasoning), kỹ năng tư duy (thinking skills), và Viết (writing).

Hiện nay ở bang New South Wales có 3 loại hình trường chọn: trường chọn hoàn toàn (trường chỉ chuyên về nghiên cứu học thuật và hiện có 17 trường), trường chọn bán phần (chỉ có một vài lớp theo hướng chuyên về học thuật còn lại là không chuyên. Các lớp chuyên về học thuật sẽ có chương trình Toán, tiếng Anh và khoa học riêng biệt nhưng các môn còn lại thì chung chương trình với các lớp không chuyên và hiện có 25 trường), và trường chọn còn lại là trường trung học nông nghiệp.Trường này chỉ tập trung vào đào tạo lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện nay, mô hình trường chọn ở Úc đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì tạo ra sự bất công trong xã hội. Theo một khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết học sinh vào các trường này là con em những gia đình có nền tảng kinh tế và địa vị khá trong xã hội. Vì đối tượng này có cơ hội để được học thêm nhiều hơn, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn.

Câu hỏi đặt ra lúc này là trường chọn hiện nay ở Việt Nam có phải là mô hình giáo dục tiên phong trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao hay là đội ngũ tinh hoa của đất nước không? Để trả lời câu hỏi này theo chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cần tiếp cận ở góc độ lịch sử ra đời của của loại hình trường này cũng như tính hệ thống của nó ở các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Khởi nguồn của loại hình trường chọn là trường Ngữ pháp của Anh (Grammar school), chỉ chuyên dạy tiếng Latinh, sau đó mở rộng dạy các tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Anh, rồi sau đó là các ngôn ngữ châu Âu, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý và các môn khác. Bắt đầu đến giữa những năm 1940 tới cuối những năm 1960 loại hình trường này trở thành trường chọn theo định hướng học thuật.

Tuy nhiên, đầu những năm 1970 loại hình trường này dần bị xóa bỏ ở Anh và chuyển thành trường phổ thông (comprehensive school) như hiện nay. Hiện tại ở Anh không có sự phân biệt giữa các loại hình trường trung học. Các học sinh đều có thể vào các trường trung học mà không phải qua bất kỳ kỳ thi cạnh tranh nào dù các trường có thể giữ các tên gọi như trường Ngữ pháp, trường năng khiếu, hay trường chọn (Ford, 2006). Chỉ có số ít trường vẫn giữ lại các tiêu chuẩn đầu vào như trước đây. Hiện nay ở Anh có khoảng 163 trường Ngữ pháp trong tổng số khoảng 3000 trường phổ thông.

Ở Canada, trường Ngữ pháp được thành lập vào năm 1795 tuy nhiên đến năm 1871 thì được chuyển thành trường phổ thông như hiện nay.

Ở Mỹ trường Ngữ pháp được thành lập trong thời kỳ thuộc địa của Anh. Trường đầu tiên được thành lập vào năm 1635. Tuy nhiên, vào những năm 1900 nó chuyển thành trường tiểu học. Hiện nay, các trường chọn chủ yếu là những trường trung học và thường được hiểu theo nghĩa là trường chuyên (specialized school), hay Magnet school. Đây là những trường công lập tập trung vào những lĩnh vực cụ thể như: STEM, công nghệ (technology) hay nghệ thuật (arts) (Archbald, 2004).

Ở Đức hệ thống trường công cơ bản là những trường chọn. Loại hình trường này nhằm chuẩn bị cho các học sinh học lên đại học. Hiện nay loại hình trường này đang được đưa ra tranh luận vì tạo ra áp lực cho học sinh khi các phụ huynh đặt kỳ vọng cao vào con cái. Trong khi đó, nó cũng tạo ra sự phân biệt đối với những học sinh không được chọn lựa để vào được những trường chọn.

Ở Nhật Bản không có khái niệm trường chọn. Hệ thống trường cấp 3 được phân thành 3 loại gồm trường định hướng học thuật, trường định hướng nghề, và trường phổ thông mới. Để vào trường cấp 3 chất lượng tốt các học sinh phải tham gia một kỳ thi có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, để tránh áp lực cho những kỳ thi này học sinh có thể lựa chọn loại hình trường công lập liên thông cấp 2 và 3. Chương trình cơ bản của bậc học này bao gồm các môn: Tiếng Nhật, Địa lý và Lịch sử, Giáo dục công dân, Toán, Khoa học, Sức khoẻ và giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Kinh tế hộ gia đình, Ngoại ngữ, và Tin học (Nakayasu, 2016).

Các học sinh theo định hướng nghề thì theo các khóa học chuyên biệt như Kinh doanh, Nông nghiệp, Cơ khí…) và dành ít thời gian để học các môn trong chương trình cơ bản như các học sinh định hướng học thuật. Trường nghề được phân thành 3 loại: trường thương mại, trường kỹ thuật và trường nông nghiệp. Các học sinh cấp 3 đều tham gia các hoạt động ngoại khóa và làm việc bán thời gian sau giờ học ở trường.

Ở Singapore, cũng như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á các loại hình trường học chính thống được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa. Trường Ngữ pháp Singapore được thành lập 1819 khi trở thành thuộc địa của Anh. Vào những năm 1960 loại hình trường này được định hướng để đào tạo đội ngũ tinh hoa cho Singapore từ top 10% những học sinh vượt qua kỳ thi kiểm tra IQ quốc gia hàng năm không quan tâm tới thành phần xuất thân .

Tuy nhiên, sau đó do ảnh hưởng bởi mô hình giáo dục song ngữ của Mỹ nên loại hình trường này được hiểu theo khái niệm trường trung học (high schools) hơn là trường Ngữ pháp (Sharpe & Gopinathan, 2002). Còn các trường còn lại gọi chung là trường phổ thông (comprehensive school) tương đương như các trường của Anh. Các trường trung học (High school) này có những lớp định hướng học thuật với tính cạnh tranh cao. Loại hình trường này tuyển sinh tất cả các sinh viên trên thế giới, nhưng phần lớn là các du học sinh châu Á.

Ở Việt Nam, loại hình trường chọn đầu tiên theo đúng nghĩa của nó được thành lập vào năm 1985. Hiện nay với cách gọi trường chuyên nhưng bản chất, hình thức tuyển sinh và đào tạo của nó có thể được hiểu như là trường chọn.

Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cho rằng từ so sánh đối chiếu trên có thể thấy, loại hình trường chọn hầu như không được khuyến khích phát triển ở các quốc gia phát triển. Ngay cả Anh, nơi khai sinh mô hình trường chọn cũng đã bị xoá bỏ từ những năm 1970.

Bởi chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của giáo dục là phải hướng tới để xây dựng một xã hội dân chủ trong đó phải đảm bảo các giá trị cốt lõi của nó đó là công bằng, bình đẳng và bác ái. Với việc định hướng xem trường chọn là mô hình tiên phong cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một hướng đi lệch và trái ngược với các giá trị cốt lõi mà nền giáo dục chung mà chúng ta đang hướng tới.

Chúng ta muốn xây dựng một xã hội bình đẳng trước hết chúng ta cần phải có một nền giáo dục đảm bảo các quyền bình đẳng và công bằng đó. Việc đề cao trường chọn hơn các loại hình trường học phổ thông khác vô hình chúng ta đang tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, tạo ra sự phân biệt đối xử và nguy hiểm hơn đó chính là tạo ra sự thiên lệch trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia.

Vì vậy trường chọn hiện nay của Việt Nam là một loại hình trường học đã lỗi thời khi chương trình thiết kế và ngay cả kỳ kiểm tra đầu vào của nó không đủ cơ sở khoa học và độ tin cậy để có thể minh chứng cho đó là loại hình đánh giá chính xác năng lực và tài năng của cá nhân học sinh.

Chúng ta vẫn đang thiết kế chương trình đào tạo dựa trên môn học (Subject – based curriculum) nhấn mạnh vào kiến thức của hướng tiếp cận nội dung, chứ không phải các chương trình hiện đại như cá nhân hóa người học (Individualize), tập trung vào người học ( Learner – Centred curriculum) hay dựa trên giải quyết vấn đề ( Problem –based curriculum).

Trong khi đó những môn học chuyên biệt đó chỉ phục vụ cho một số ngành học ít ỏi ở bậc đại học thì hoàn toàn không đủ cơ sở để khẳng định loại hình trường này sẽ tiên phong trong việc cung nguồn nhân lực chất lượng cao đội ngũ tinh hoa của đất nước.

Đây là một quan niệm hoàn toàn thiếu các luận cứ khoa học. Việc tập trung đầu tư ngân sách nhà nước vào loại hình trường này không chỉ là sự lãng phí ngân sách quốc gia mà là nguy hại hơn nó gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, làm mất cân đối sự phân bổ nguồn nhân lực và làm lệch chính sách phát triển giáo dục phổ thông.

Tài liệu chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền đã tham khảo:

Archbald, D. A. (2004). School choice, magnet schools, and the liberation model: An empirical study. Sociology of education, 77(4), 283-310.

Ford, J. (2006). Social class and the comprehensive school: Routledge.

Nakayasu, C. (2016). School curriculum in Japan. The curriculum journal, 27(1), 134-150.

Sharpe, L., & Gopinathan, S. (2002). After effectiveness: New directions in the Singapore school system? Journal of Education Policy, 17(2), 151-166.

Nhật Tân