Trường chuyên ở Mỹ tuyển sinh như thế nào?

15/04/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học khu Gwinett, bang Georgia, Mỹ chia sẻ những thông tin về trường chuyên ở quốc gia này.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về mô hình giáo dục chuyên tại Mỹ, cô giáo Thu Hồng chia sẻ: “Ở Mỹ có hai loại hình Gifted Program (Giáo dục tài năng/năng khiếu). Một là trường dành cho các học sinh chuyên theo lĩnh vực như: Nghệ thuật, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), …

Hai là các lớp chuyên ở trong một trường. Chương trình giáo dục tài năng/năng khiếu của Mỹ có đa dạng các lĩnh vực từ học thuật đến nghệ thuật, thể thao, … ”

Tùy thuộc vào nhu cầu nghề nghiệp, nguồn lực ở mỗi tiểu bang, học khu sẽ có một số khác biệt nhất định về số lượng, quy mô trường chuyên, lớp chuyên và cách thức lựa chọn học sinh tài năng/năng khiếu.

Thạc sỹ Đinh Thu Hồng chia sẻ ở Mỹ có hai mô hình giáo dục tài năng/năng khiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sỹ Đinh Thu Hồng chia sẻ ở Mỹ có hai mô hình giáo dục tài năng/năng khiếu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để theo học chương trình tài năng/năng khiếu, học sinh cần làm bài kiểm tra đầu vào.

Bài kiểm tra này dành cho mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 5, lớp 8. Các em sẽ được làm bài test. Vì có bạn giỏi về học thuật, có bạn lại rất sáng tạo, … nên sẽ có những bài thi khác nhau dành cho từng loại năng khiếu.

Để vào các lớp, trường chuyên học sinh không phải cạnh tranh với nhau mà cần đáp ứng những yêu cầu, tiêu chí của chương trình tài năng/năng khiếu.

Việc lựa chọn học sinh cho các chương trình tài năng/năng khiếu nhằm mục đích giúp các em có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh của mình. Phụ huynh ở Mỹ không phải trả phí để con mình theo học các chương trình này.

Cô Thu Hồng chia sẻ: “Việc tham gia các cuộc thi xuất phát từ mong muốn và đam mê của các em. Với học sinh chuyên, nhất là những em học cấp 3 tại lớp Advance Placement (Lớp Nâng cao) sẽ có lợi thế khi nộp hồ sơ vào các trường đại học, đặc biệt là những trường thuộc khối Ivy League (Nhóm Đại học tinh hoa luôn nằm trong top đầu bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới).”

Chương trình Gifted vẫn bao gồm những môn khác như chương trình cơ bản, điểm khác biệt nằm ở chỗ học sinh nhận được nhiều điều kiện để phát triển tài năng.

“Ví dụ với những học sinh có năng khiếu về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) các em sẽ được học sâu hơn, tiếp cận nhiều kiến thức về lĩnh vực này”, cô giáo Thu Hồng chia sẻ.

Bên cạnh đó học sinh sẽ thực hiện các dự án, được rèn luyện về các kỹ năng như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, ... nhiều hơn.

Học sinh lớp tài năng/năng khiếu thường được học tập qua dự án (project-based learning). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học sinh lớp tài năng/năng khiếu thường được học tập qua dự án (project-based learning). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các bài giảng sẽ có độ khó cao hơn hơn so với chương trình cơ bản, từ đó tạo được hứng thú học tập cho học sinh.

Một số bài kiểm tra và tiêu chí tuyển lựa bao gồm:

CogAT (Cognitive Abilities Test): đây là bài thi được áp dụng rộng rãi để quyết định xem một đứa trẻ có đủ tiêu chuẩn học theo chương trình này cho học sinh năng khiếu/tài năng hay không.

IOWA Assessments hay ITBS (Iowa Test of Basic Skills): do khoa Giáo dục, Đại học Iowa khởi xướng từ năm 1935 với mục tiêu cải thiện việc dạy, phương pháp sư phạm.

Bài thi Iowa chủ yếu gồm: từ vựng, đánh vần, ngữ pháp, đọc hiểu, các khái niệm toán học, giải toán đố, dữ liệu, bản đồ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Các bài thi này được áp dụng chủ yếu cho học sinh lớp 1, 2, 5 và 8. Chủ yếu dành cho những khối lớp này là do đặc tính lứa tuổi và phát triển tâm lý, trí tuệ.

Nếu học sinh lên đến lớp 3 hay 6 mà cô giáo thấy muốn xem xét đưa vào chương trình năng tài năng/năng khiếu thì sẽ có hội đồng riêng xem xét, tiến hành kiểm tra và đánh giá.

Ngoài ra, hội đồng xét duyệt học sinh tài năng/năng khiếu còn điều tra, thu thập thông tin qua giáo viên đứng lớp, xem xét 4 tiêu chí sau:

Khả năng trí tuệ: Học nhanh và dễ dàng; Biết nhiều mảng khác nhau; Lưu giữ và nhớ lại thông tin, kiến thức dễ dàng; Có năng khiếu nói (thậm chí là nói nhiều), phát triển ngôn ngữ vượt trội.

Thành tích: Điểm thi cao; Nhớ nhanh và dễ; Khả năng tổ chức siêu việt; Thích những hoạt động mang tính thử thách; Đặt ra mục tiêu cá nhân và cố gắng để đạt được mục tiêu; Dễ dàng hiểu những gì nhìn thấy, nghe thấy, hay đọc được; Theo đuổi sự hoàn hảo.

Sự sáng tạo: Thể hiện sự tò mò cao độ và hay đặt câu hỏi; Trí tưởng tượng cực phong phú; Óc hài hước tuyệt vời; Dồi dào năng lượng; Nhạy cảm và giàu trực giác; Sở thích đa dạng; Có máu liều, sẵn sàng thử nghiệm; Hay đưa ra những ý tưởng và giải pháp độc đáo; Không theo khuôn mẫu, luôn linh động, chấp nhận sự không hài hòa/trật tự; Không sợ sự khác biệt.

Động lực: Luôn kiên định, hướng tới mục tiêu; Khả năng tập trung chú ý cao và lâu; Luôn tỉnh táo, sẵn sàng; Luôn thể hiện khát khao học tập để trở thành ai đó, làm được điều gì đó; Độc lập, thích tự khởi nghiệp; Luôn được điểm cao; Có những sở thích hay bộ sưu tập đòi hỏi thời gian lâu dài; Hay quan tâm đến những vấn đề của người lớn; Khi làm bài hay hoàn thành dự án không phải chỉ dẫn nhiều.

Ngoài 2 bài thi kể trên còn có những bài thi khác để kiểm tra khả năng trí tuệ và thành tích học tập của các em như: NNAT3, MAP, PSAT, SAT hoặc ACT, …

Những bài thi về tư duy sáng tạo hay động lực thì ngoài theo dạng Portfolio (hồ sơ năng lực cá nhân), theo các tiêu chí kể trên còn có TTCT, CAIMI, NGA, GPA.

Cô Thu Hồng chia sẻ: “Học sinh chỉ cần thỏa mãn 2-3 điểm trong mỗi tiêu chí. Cũng có những học sinh có đặc điểm nổi trội ở nhiều tiêu chí. Kèm theo bảng điều tra năng khiếu này, thầy cô chủ nhiệm phải nộp cả bài viết, sản phẩm mẫu của học sinh. Những sản phẩm cho vào hồ sơ phải thể hiện những đặc điểm phù hợp, tương ứng của học sinh đó. Tôi thường chọn những bài thơ, văn (có hoặc không có minh họa), dự án, tờ rơi, poster, tranh vẽ, bài trình bày…”

Cũng có khi bố mẹ đề nghị thầy cô cho con vào lớp tài năng/năng khiếu, hay cho trẻ học nhảy lớp. Lúc đó, hội đồng xét duyệt gồm những thầy cô phụ trách tài năng/năng khiếu sẽ dựa trên kết quả học tập, điểm thi, rồi tiến hành các bài kiểm tra ngắn để thử, tìm những đặc điểm trong 4 tiêu chí trên.

Hội đồng xét duyệt mất khoảng 1-2 tháng để quyết định học sinh đó có theo học chương trình tài năng/năng khiếu không.

Nhật Tân