Trường công - Trường tư, cuộc chiến không cân sức

30/09/2017 06:35
Phúc An
(GDVN) - Nhiều đại biểu kiến nghị cho rằng Dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sắp tới cần có những thay đổi mạnh mẽ và tích cực, cần tạo cơ chế mở.

“Đại học đang đi tụt dốc”

Đó là phát biểu của Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tại buổi Hội thảo “Góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học”, do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vừa qua. 

Theo ông Sơn, đại học muốn phát triển cần phải có những yếu tố tiên quyết: Con người (tức là người học, người đào tạo và người quản lý), cơ chế (những quy định của pháp luật đối với đào tạo giáo dục) và tài chính (nguồn thu và chi của nhà trường).

TS. Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai phát biểu ý kiến tại hội thảo.
TS. Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Tuy nhiên, đối với Luật Giáo dục Đại học hiện hành ở nước ta vẫn chưa có quy định rõ ràng với 3 khái niệm trên.

Ông Sơn ví dụ: “Luật Lao động chỉ bảo vệ người lao động chứ chưa bảo vệ người sử dụng lao động, sự thật người sử dụng lao động cũng rất khó. Người lao động cần tài chính, không có tài chính thì người ta chạy…

Cũng như thế chúng tôi lấy tiền ở đâu để đào tạo trong khi cơ chế Nhà nước không cho phép các trường ngoài công lập vay vốn hoặc vay vốn với lãi suất rất cao?”. Ông Sơn ví von “Đó là cuộc chiến không cân sức”.

Về phát biểu “Đại học đang đi tụt dốc”, ông Sơn lý giải: Luật Giáo dục và Giáo dục đại học đang bắt đầu kêu gọi các trường tự chủ về tài chính, tuy nhiên “chiếc áo” cơ chế vẫn quá chật, chưa thật sự mở thì tự chủ đó cũng chỉ là nửa vời, thì tụt dốc là điều tất yếu.

PGS.TS Hà Thanh Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu.
PGS.TS Hà Thanh Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu.

Ông Sơn giải thích: “Nếu muốn áp dụng như các trường nước ngoài, Nhà nước cần phải có những đầu tư nhất định cho các trường bởi các trường không thể tự đầu tư được; đồng thời những quy định cũng cần phải rõ ràng, phù hợp với thực tế phát triển của từng trường và phải áp dụng được", 

Ví như, quy định đặt ra người học phải hoàn thành bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu thực hành trong một năm, tuy nhiên lại hạn chế việc nhà trường đưa giảng viên của doanh nghiệp vào giảng dạy. Một khi chương trình đã quá cũ không còn phù hợp với thực tế thì phải lấy chương trình mới, nhưng việc xin cấp phép và thẩm định là cả một vấn đề. 

Tại Hội thảo, cũng như ý kiến của nhiều lãnh đạo nhà trường, ông Sơn kiến nghị Dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sắp tới cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và tích cực, cần tạo cơ chế mở để các trường cùng hội nhập và thật sự phát triển.

“Đã hội nhập quốc tế thì theo thông lệ quốc tế chứ không còn là ao làng như trước…”, ông nhấn mạnh. 

Những kiến nghị sửa đổi

Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho hay, ông hoàn toàn đồng ý với tham luận “Góp ý sửa đổi các Luật về Giáo dục” do đại diện của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trình bày tại buổi hội thảo.

Theo đó, Dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:

Thứ nhất: Phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội của đất Nước, đảm bảo hội nhập quốc tế.

Thứ hai: Phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý trên tất cả các phương diện và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba: Phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Thứ tư: Phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học.

GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Trần Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm: Đã hội nhập quốc tế thì cần áp dụng theo thông lệ quốc tế (tất cả các bằng cấp, chứng chỉ, và chương trình đào tạo).

Không nên áp một chương trình đào tạo rập khuôn từ trên xuống các trường, mà nên tạo điều kiện cho nhà trường đăng ký chương trình đào tạo phù hợp với những quy định và điều kiện của địa phương.

Cũng theo ông Sơn: “Việc mở ngành đào tạo theo ngành “hót”, hạn chế những ngành được cho là “thất sủng” theo tôi cũng là một hạn chế". 

"Thiết nghĩ Các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để mỗi trường tự rà soát và mở ngành theo thế mạnh và nhu cầu của địa phương vì mỗi vùng miền một thế mạnh khác. Nếu chỉ chăm chăm vào những ngành “hót” thì con em đua nhau vào học nhưng khi trở lại địa không có việc làm thì đào tạo đã thất bại”.

Phúc An