Trường đại học có phải là ki-ốt đâu mà quy định diện tích tối thiểu 5 ha

22/06/2022 06:40
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Lê Kim Truyền: "Một ngôi trường đào tạo không giống như ki-ốt mà quy định mức sàn 5 ha, tùy thuộc tính chất các trường mà sẽ có diện tích hợp lý”

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP.

Nghiên cứu dự thảo, lãnh đạo nhiều trường đại học băn khoăn về tiêu chí "một trong các điều kiện thành lập trường đại học là có xác nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu 5 ha (hecta)". Và "một trong các điều kiện để thành lập trường đại học tư thục là phải có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỉ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường)".

Để có thêm góc nhìn về dự thảo này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với một số chuyên gia về 2 nội dung trên.

Quy định diện tích trường đại học tối thiểu 5 ha có hợp lý?

Theo dự thảo, để thành lập trường đại học cần diện tích xây trường tối thiểu 5 ha tức là sẽ không phân biệt rõ giữa các trường đào tạo kỹ thuật (cần phòng thí nghiệm, thực hành) với các trường khối nhân văn thiên về đào tạo kiến thức.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) cho rằng: “Trong giáo dục, quy mô trường, nhất là các trường khối khoa học kỹ thuật thì diện tích càng lớn càng tốt, khi đó chất lượng, hiệu quả đem lại sẽ càng cao. Một ngôi trường đào tạo không giống như ki-ốt mà quy định mức sàn 5 ha, tùy thuộc tính chất các trường mà sẽ có diện tích hợp lý”.

"Trường Đại học Thủy lợi, một trường có bề dày hơn 60 năm về đào tạo sinh viên ngành kỹ thuật. Kể từ năm 1959, khi Ban Bí thư ký quyết định thành lập thì cấp cho trường diện tích rộng 26 ha.

Qua đó để thấy tầm nhìn của Trung ương về quy mô và công tác giảng dạy, nghiên cứu một trường đại học ngành kỹ thuật.

Trải qua thời gian, diện tích của đến nay trường còn hơn 10 ha với hệ thống cơ sở vật chất, giảng đường, phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy", thầy Truyền chia sẻ.

Giáo sư Lê Kim Truyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Lê Kim Truyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. (Ảnh: NVCC)

Cùng về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương) cho rằng: “Một ngôi trường được xây dựng cần đáp ứng nhiều yếu tố về hệ thống giảng đường, nhà điều hành, nơi lưu trú dành cho sinh viên, phòng thí nghiệm thực hành, sân vận động... Do đó, đối với các trường đào tạo kỹ thuật thì 5 ha là tương đối hẹp, khoảng 10 ha là phù hợp”.

Hiện nay, nhiều trường đại học do ở trong thành phố nên diện tích còn khiêm tốn, dẫn tới khó khăn về cơ sở vật chất, nơi ăn, ở, sinh hoạt cho sinh viên cũng như các hoạt động khác nhau.

Do đó, các trường muốn có diện tích rộng phải chuyển ra ngoại ô thành phố, như Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển lên khu Hòa Lạc giảng dạy với một khuôn viên rộng lớn và được đầu tư cơ sở khá hiện đại.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam dẫn chứng, ở nước ngoài, trường đại học của Thái Lan, Canada, Trung Quốc… đều rộng vài chục đến cả trăm ha. Trong trường, xe bus hoạt động thường xuyên với hệ thống siêu thị, nhà hàng phục vụ nhu cầu cho sinh viên.

Thầy Nam chia sẻ, khoảng những năm 2000, khi thầy sang Trung Quốc và đến thăm trường Đại học Công nghiệp Bắc Kinh đã thấy cơ sở giảng dạy nơi đây rất rộng, ước chừng vài chục ha với cơ sở thực nghiệm hiện đại.

Từng có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục đại học, thầy Nguyễn Văn Nam cho rằng, trường đại học không chỉ là nơi dạy- học của giảng viên, sinh viên, mà phải là nơi thực nghiệm, nghiên cứu và đào tạo ra những người có thể làm việc, phục vụ nhu cầu của xã hội.

Cần thảo luận kỹ càng về vốn đầu tư tối thiểu để thành lập trường đại học tư thục

Cũng theo dự thảo Nghị định mới, điều kiện thành lập trường đại học tư thục phải có vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng (chưa bao gồm giá trị đất xây trường).

Đối với vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền cho rằng: “Vấn đề kinh phí đầu tư cho trường tối thiểu bao nhiêu là rất khó định lượng. Đối với các trường bên ngành kỹ thuật, kinh phí đầu tư để xây dựng phòng thí nghiệm, trang thiết bị máy móc là hết sức tốn kém. Có những máy thí nghiệm dành cho sinh viên ngành Cơ khí thực tập có khi lên đến vài chục tỉ đồng”.

Đó cũng là lý do hiện nay, các trường ở khối ngành kinh tế, luật được mở rất nhiều vì yêu cầu đầu tư cho cơ sở vật chất không nhiều.

Và ngược lại, các trường ở ngành kỹ thuật mở ra ít hơn do việc đầu tư máy móc, cơ sở thí nghiệm rất tốn kém.

Trong điều kiện trượt giá như hiện nay, có người lo ngại rằng, vốn đầu tư tối thiểu 1000 tỉ đồng sẽ dẫn tới thành lập ngôi trường nhỏ hẹp, thiếu thốn cơ sở vật chất.

Là chuyên gia về lĩnh vực kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho rằng: “Việc quy định vốn đầu tư tối thiểu bao nhiêu trong Nghị định là cần thiết để làm cơ sở tham chiếu, nhưng phải lấy ý kiến rộng rãi và thảo luận kỹ càng để đưa ra con số hợp lý. Con số đó sẽ cần huy động nguồn vốn từ nhiều phía và phải xác định là đầu tư dài hạn, không được đầu tư một thời gian rồi bỏ ngỏ”.

Theo thầy Nam, việc thành lập các trường đại học tư thục cần có một lộ trình lâu dài, rõ ràng. Không nên quá đặt nặng vấn đề lỗ hay lãi vào giáo dục bởi có khi đầu tư 10 năm, 20 năm mới thu hồi vốn.

Một trường dù công hay tư thì thương hiệu, uy tín phải là hàng đầu với hệ thống cơ sở giảng dạy và đội ngũ giảng viên chất lượng.

Ngô Hiển