Ngành không "hot" khiến ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển học bạ không cao

06/08/2021 07:12
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số mã ngành phải lấy thấp như vậy đều là những ngành rất khó tuyển, hầu như chưa năm nào chúng tôi lấy được cho đủ chỉ tiêu cả. Thậm chí là không tuyển được.

Nhiều ngành rất khó tuyển, thậm chí không có thí sinh đăng ký

Theo thống kê, mùa tuyển sinh năm nay trên cả nước có khoảng hơn 100 trường đại học đang sử dụng phương thức xét tuyển học bạ Trung học phổ thông. Tính đến ngày 3/8/2021, đã có khoảng 50 trường đại học, học viện công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức này.

Từ bảng công bố điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay có thể thấy, ngoài những trường nằm ở tốp đầu hoặc một số mã ngành đặc thù các trường lấy điểm trúng tuyển ở mức điểm cao, thì một số trường năm nay lấy điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức này chỉ từ 5 điểm/môn.

Cụ thể, với mức điểm trúng tuyển phổ biến được lấy từ 15 đến 18 điểm với tổ hợp 3 môn trong học bạ lớp 12 thì với mỗi môn học, chỉ từ 5 đến 6 điểm là thí sinh đó đã đủ điều kiện để trúng tuyển vào khá nhiều trường đại học.

Việc này khiến dư luận thắc mắc, không biết nguyên nhân vì sao lại dẫn đến sự chênh lệch về mức điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ giữa các mã ngành và giữa các trường với nhau như vậy.

Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy - Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: hunre.edu.vn

Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy - Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: hunre.edu.vn

Để có thông tin từ "người trong cuộc", phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận chia sẻ của một số "người trong cuộc" về vấn đề trên.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy - Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc một số trường buộc phải hạ điểm trúng tuyển của một số mã ngành đào tạo xuống thấp cũng là “cực chẳng đã”.

Vì một số mã ngành mở ra nhiều năm nhưng lại rơi vào tình trạng rất ít sinh viên theo học. Thậm chí, không có sinh viên đăng ký vì không đủ độ hấp dẫn để thu hút các em.

Thầy Huy cho biết thêm: “Việc các trường có lấy điểm cao hay thấp thì theo tôi nghĩ là nó chủ yếu phụ thuộc vào chỉ tiêu và lượng hồ sơ nộp đầu vào.

Trong đợt tuyển sinh thông qua phương thức xét tuyển học bạ năm nay của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì cũng có một số mã ngành được lấy mức điểm trúng tuyển từ 18 điểm, nghĩa là chỉ từ 6 điểm/môn các em đã trúng tuyển.

Việc đưa ra mức điểm này được chúng tôi căn cứ vào Đề án tuyển sinh hàng năm được công bố và đã báo cáo với Bộ giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, chúng tôi sẽ lấy điểm tối thiểu trên một môn để đủ tiêu chuẩn nhận hồ sơ cho các em vào trường mà các đơn vị khác cũng đều áp dụng là ở mức 6 điểm.

Hơn nữa, một số mã ngành nằm trong danh sách lấy thấp như vậy thì thật ra đều là những ngành rất khó tuyển, hầu như chưa năm nào chúng tôi lấy được cho đủ chỉ tiêu cả. Thậm chí là không tuyển được.

Cho nên, chúng tôi đang để mức điểm như thế cũng là phù hợp với năng lực của nhiều thí sinh và đáp ứng cho nhu cầu muốn đi học của các bạn đó. Nhưng chúng tôi khẳng định rằng, những mã ngành đang nằm trong tốp thấp ấy đang ngày càng được nhà trường cải thiện dần vì có một số thuộc vào ngành đào tạo truyền thống của nhà trường.

Còn việc mức điểm trúng tuyển hàng năm được chúng tôi công bố thì đều được đối chiếu rất kỹ với phổ điểm của các năm trước đó để đưa ra con số phù hợp”.

Nói về kế hoạch tuyển sinh của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới, thầy Huy cho biết thêm: “Hiện tại, chúng tôi đã thực hiện tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ thông qua các đợt cụ thể. Còn nhà trường vẫn tiếp tục việc tuyển sinh thông qua kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Căn cứ vào phổ điểm chung của năm nay, chúng tôi cũng có lưu ý với các thí sinh là nên chọn tổ hợp nào có điểm phù hợp để có thể đăng ký vào nhà trường. Bộ phận tuyển sinh của trường sẽ hỗ trợ tốt nhất để có thể đảm bảo cho hồ sơ của các em luôn được thông suốt dù cho đang trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nhìn chung qua điểm học bạ và phổ điểm thi năm nay thì có thể nói cũng đang nằm ở mức sàn sàn như nhau, nên chúng tôi cũng đã đưa ra những mức điểm trúng tuyển rất cân đối. Các phụ huynh và thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm và đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhất cho con em mình”.

Các thí sinh nghĩ gì về điểm xét tuyển học bạ thấp?

Em Nguyễn Văn Minh quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) chia sẻ với chúng tôi, năm nay Minh cũng chọn con đường bước đến giảng đường đại học thông qua việc gửi học bạ đăng ký dự tuyển. Khi đề cập đến việc, nhiều trường đại học năm nay có mức điểm chuẩn xét tuyển khá thấp, có trường chỉ từ 5 điểm/ môn là đã có thể trúng tuyển Minh cũng tỏ ra không quá bất ngờ.

Minh chia sẻ: “Thực ra, bảng điểm của các ngành học các trường như thế nào đã được em và bố mẹ tham khảo rất kỹ qua từng năm. Bởi đó là căn cứ để chúng em nộp hồ sơ vào các trường đại học. Ở năm học này sẽ không có thay đổi nhiều.

Việc các trường đại học có những mã ngành công bố điểm xét tuyển học bạ thấp cũng là một điều khá thuận lợi để cho các bạn có năng lực học tập tương đương, có thể tự tin rằng sẽ được bước chân vào giảng đường đại học”.

Còn em Lê Hoàng Phương Nhi, ở xã Di Trạch, Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, các trường để mức điểm xét tuyển thấp ở một số mã ngành phù hợp sẽ là cơ hội tốt để ai cũng sẽ được đi học đại học.

Phương Nhi bày tỏ: “Ngày nay thì việc đi học cao đẳng, đại học không bị các bố mẹ coi nặng như trước nữa. Cơ hội học đại học thực tế là cũng mở ra rất nhiều cơ hội một cách dễ dàng. Nhưng em nghĩ chọn ngành học nào cần căn cứ vào đam mê và cơ hội việc làm, đừng vì điểm xét tuyển thấp, phải vào đại học bằng mọi giá mà nộp hồ sơ”.

Trung Dũng