Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được nhận diện trên toàn thế giới

28/10/2019 14:46
Phương Linh
(GDVN) - Vị thế nghiên cứu khoa học đã đạt đẳng cấp quốc tế, thương hiệu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được nhận diện trên toàn thế giới.

Tại Trường Đại học Nha Trang hôm 25/10, Hiệp hội Các trường trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo “Bảo đảm và Kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt Nam”.

ARWU là tổ chức xếp hạng đại học khách quan nhất

Tại đây, Tiến sĩ Lê Văn Út – Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã báo cáo về việc xếp hạng đại học theo tiêu chí của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới (Academic Ranking of World Universites, ARWU). 


Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cần tạo ra sự khách quan, công bằng

Theo Tiến sĩ Lê Văn Út, hiện nay có nhiều bảng xếp hạng đại học thế giới, nhưng sau khi phân tích tiêu chí của hệ thống xếp hạng đại học uy tín hiện nay, ARWU được xem là tổ chức xếp hạng đại học khách quan nhất, khó nhất và uy tín nhất hiện nay.

Tiêu chí xếp hạng của ARWU được tập trung vào 4 mảng sau: Chất lượng giáo dục (chiếm 10%), chất lượng giảng viên (chiếm 40%), năng suất nghiên cứu khoa học (chiếm 40%), năng suất học thuật bình quân (chiếm 10%).

Các tiêu chí này đều có xét trên khía cạnh giảng viên đạt giải Nobel, giải Fields, số công trình trên các tạp chí khoa học lừng danh…

Tiến sĩ Lê Văn Út trình bày tại hội thảo ở Trường Đại học Nha Trang hôm 25/10 (ảnh: CTV)
Tiến sĩ Lê Văn Út trình bày tại hội thảo ở Trường Đại học Nha Trang hôm 25/10 (ảnh: CTV)

Để xếp hạng các đại học, ARWU tự xây dựng cơ sở dữ liệu khách quan, thông qua các cơ sở dữ liệu sẵn có, bao gồm: Giải thưởng Nobel, giải thưởng Fields, nhà khoa học có trích dẫn caotheo WoS, công trình Nature và Science…và dữ liệu giảng viên của các đại học từ các cơ quan thống kê quốc gia.

ARWU hoàn toàn không dựa vào dữ liệu mà các đại học cung cấp, xem xét tất cả các đại học trên thế giới, hoàn toàn khác với nhiều tổ chức xếp hạng khác là chỉ xem xét những đại học có nộp hồ sơ làm ứng viên.

Vị thế nghiên cứu khoa học của TDTU đạt đẳng cấp quốc tế

Vốn có lịch sử xếp hạng lâu đời, trong thời gian vừa qua, các đại học được ARWU xếp hạng thường là các đại học của các siêu cường quốc. Số lượng các đại học được xếp hạng cũng khá hạn chế.

Năm 2003 – 2018 chỉ có 500 đại học hàng đầu trên thế giới được xếp hạng, nhưng năm nay, ARWU đã mở rộng số lượng các đại học được xếp hạng lên đến 1.000.


Trường Đại học Tôn Đức Thắng công bố 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường đại học đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này, xếp từ 901 – 1.000, đồng hạng với nhiều đại học uy tín trên thế giới tại Mỹ, Úc, Anh, Ý…

Trong tiêu chí xếp hạng của ARWU, không chỉ riêng TDTU mà nhiều đại học trên thế giới bị điểm 0 đối với các tiêu chí liên quan đến các giải thưởng khoa học lớn của thế giới, cũng như công trình trên tạp chí Nature và Science.

Tuy nhiên, tổng các tiêu chí này chỉ chiếm 30%, nên các đại học này vẫn có cơ hội.

Về nghiên cứu khoa học, TDTU đã áp dụng các tiêu chuẩn thẩm định quốc tế trong thời gian dài, nên vị thế nghiên cứu khoa học của TDTU đã đạt đẳng cấp quốc tế.

Trong những năm gần đây, TDTU luôn dẫn đầu cả nước về thành tựu công bố khoa học, trên các tạp chí thuộc danh mục SCIE và SSCI. Khi xếp hạng, ARWU đã dùng dữ liệu nghiên cứu của năm 2018 từ WoS.

Như vậy, rõ ràng, với chính sách phát triển tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, TDTU đã được nhận diện thương hiệu trên toàn thế giới, mà việc được xếp hạng 901 – 1.000 của thế giới là một minh chứng, tạo thêm nhiều động lực cho các đại học Việt Nam phấn đấu, hy vọng .

Phương Linh