Trường mầm non Hà Nội để trẻ đại tiện vào...túi nylon

17/08/2011 00:23
500 học sinh và 42 giáo viên Trường Mầm non xã Hữu Bằng phải đi mượn lớp, phải dùng chung một phòng vệ sinh và thường phải đi đại tiện vào...túi nylon.

Từ nhiều năm nay, hơn 500 học sinh và 42 giáo viên Trường Mầm non xã Hữu Bằng,Thạch Thất, Hà Nội phải đi mượn lớp, phải dùng chung một phòng vệ sinh và thường phải đi đại tiện vào... túi nylon.

Bức bí... đầu ra


Một phần công việc đã trở thành thói quen của cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Mầm non xã Hữu Bằng mỗi khi hết giờ dạy là vứt những túi nylon ra thùng rác. Lớp học 5 tuổi do cô Hiền phụ trách có gần 40 cháu, một ngày có đến hơn nửa số cháu đòi đi đại tiện nhưng cả trường chỉ có một nhà vệ sinh nên việc đi đại tiện vào túi nylon đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” và nó diễn ra ở tất cả các lớp, ở cả ba “chi nhánh” của trường.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hữu Bằng cho biết: “Xã Hữu Bằng hiện nay chỉ có duy nhất một trường mầm non công nhưng không có nhà vệ sinh. Đây là điều bất cập từ lâu. Trẻ thì ngày một nhiều mà trường mầm non công lập duy nhất thì không “phình” thêm lớp nào”.

Trường Mầm non xã Hữu Bằng được xây tạm trên đất chùa, với 15 lớp học nhỏ. Các lớp học lâu năm giờ đã xuống cấp, ngói vỡ, năm nào trường cũng phải thay bạt căng trên mái nhà để tránh dột. Mùa mưa là nỗi kinh hoàng của cả thầy lẫn trò Trường Mầm non xã Hữu Bằng.

Góc sân nhỏ bị ngập, nước cống đen ùa vào trường mang theo vô số rác. Các cô giáo cắt cử, thay phiên nhau đẩy rác ra ngoài cổng để làm sạch khu vực trường. Sân ngập, các cháu có nhu cầu đại tiện đều được các cô phục vụ tận cửa lớp bằng các túi nylon. Sau đó, túi nylon được vứt vào điểm quy tụ rác ngay trước cổng trường.

Dù các cô giáo đã cẩn thận buộc chặt miệng túi nylon, nhưng vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối vẫn lởn vởn bay vào phòng học. Trò thế nào cũng được, nhưng giáo viên có nhu cầu thì khốn đốn trăm đường. Cô Nguyễn Thị Nguyệt ngán ngẩm: “Những lúc có “nỗi buồn”, mọi người đều phải nhờ nhà một giáo viên cách trường ngót nghét... 1km, nhiều khi rất bức bí”.

Các cô giáo đang chuẩn bị trang trí cho lớp học để đón các cháu vào năm học mới.
Các cô giáo đang chuẩn bị trang trí cho lớp học
để đón các cháu vào năm học mới.



Cái gì cũng thiếu

Hữu Bằng được đánh giá là xã giàu có nhờ buôn bán và làm đồ gỗ, nhưng trường học dành cho trẻ ở đây đúng là thảm cảnh.

Điểm trường “quy mô” nhất tại chùa Hữu Bằng gồm 15 lớp nhưng không có phòng riêng cho hiệu trưởng, cũng không có phòng họp theo đúng nghĩa. Hai địa điểm chắp vá nhỏ lẻ của trường nằm ở khu chăn nuôi và thôn Bò cũng tuyệt nhiên không có sân chơi cho trẻ, chỉ là hai phòng học nhỏ xíu, đơn độc. Các cháu ăn, uống, ngủ nghỉ trong nhà, cả ngày quanh quẩn với 4 bức tường kín. Tất cả chỉ vì quỹ đất quá eo hẹp, và vì “thân phận” học tạm, mượn tạm nên thầy trò đành chấp nhận.

Điều lệ trường mầm non của Bộ GDĐT quy định: Diện tích trường phải đạt tối thiểu 10m2 cho một trẻ đối với khu vực nông thôn và miền núi; phải có các phòng cho lứa tuổi nhà trẻ, các phòng cho lứa tuổi mẫu giáo, phòng hoạt động âm nhạc, phòng rèn luyện thể chất, hội trường, văn phòng trường, khối phòng tổ chức ăn, sân vườn, hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh… Nếu quy chiếu vào đây thì không thể gọi Trường Mầm non Hữu Bằng là trường!

Nhận thấy cơ sở vật chất học tập của lớp mầm non quá kém, phía UBND xã đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất phía UBND huyện Thạch Thất giúp đỡ. Phòng Giáo dục của huyện đã thống nhất, khi có mặt bằng sẽ rót kinh phí xây trường. Chính quyền xã đã dự kiến dành khu đất phía sau trụ sở UBND xã để xây trường mầm non, nhưng đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ông Phan Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho biết, ngoài một trường mầm non công, hiện xã có hơn 10 trường mầm non tư thục, trong số đó nhiều trường không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn phải duy trì vì nhu cầu gửi trẻ quá lớn của người dân. Hy vọng một ngày không xa, trẻ em mầm non xã Hữu Bằng sẽ được học trong ngôi trường đầy đủ cơ sở vật chất cũng như không gian phát triển, học tập.

Theo Dân Việt