Trường Ngô Quyền đi đầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy tiếng Anh

10/11/2019 06:19
LÃ TIẾN
(GDVN) - Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy tiếng Anh, học sinh Trường trung học cơ sở Ngô Quyền hào hứng, tự tin khi sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, hòa nhập.

Ngày 8/11, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề thí điểm cấp quận với nội dung: “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh”.

Chuyên đề được cô giáo Trần Thị Lan Hương và các em học sinh lớp 7C9 của nhà trường thực hiện với chủ đề “Vietnamese food and drink”.

Cô giáo Trần Thị Lan Hương và các em học sinh lớp 7C9 của nhà trường thực hiện với chủ đề “Vietnamese food and drink” (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Trần Thị Lan Hương và các em học sinh lớp 7C9 của nhà trường thực hiện với chủ đề “Vietnamese food and drink” (Ảnh: Lã Tiến)

Dự chuyên đề có lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân; lãnh đạo, giáo viên các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ngô Quyền, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội;

Trong đó đặc biệt không thể thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao; mà nguồn nhân lực lại là đối tượng trực tiếp của giáo dục đào tạo.

Chính vì vậy, tầm quan trọng của giáo dục đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0 là không thể phủ nhận.

Học sinh trường Ngô Quyền cam kết an toàn giao thông, giảm rác thải nhựa
Học sinh trường Ngô Quyền cam kết an toàn giao thông, giảm rác thải nhựa

“Nắm bắt được tầm quan trọng này, ngay từ đầu năm học 2019-2020, nhà trường đã lên kế hoạch để giáo viên tìm hiểu về cuộc cách mạng 4.0 và vận dụng nó vào trong giảng dạy, đáp ứng làn sóng công nghệ 4.0, hòa nhập vào cuộc cách mạng này.

Qua đó, nhà trường giúp học sinh có tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi môi trường học và làm việc để đổi mới, bắt kịp theo bối cảnh số hóa nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nhà trường muốn đổi mới quá trình dạy học, từ cách dạy truyền thống trước đây sang phương pháp dạy học hiện đại;

Bảo đảm phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 bằng cách chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, phát huy tối đa tiềm năng của người học”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương nói.

Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền là trường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)
Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền là trường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Hương cho biết: Để thực hiện công việc trên, ngay từ tháng 7/2019, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, triển khai tới các tổ nhóm chuyên môn thực hiện hiệu quả các mô hình dạy học áp dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các môn học.

Lúc đầu mới triển khai, các giáo viên trong nhóm tiếng Anh thấy việc ứng dụng công nghệ 4.0 quá khó, không biết bắt đầu như thế nào.

Nhiều cuộc họp giữa Ban giám hiệu và nhóm tiếng Anh đã được tổ chức, thống nhất lựa chọn 2 chủ đề để khai thác.

Đó là chọn cách rèn cho học sinh cách phát âm chuẩn và giao bài cho học sinh theo năng lực.

Sau đó, nhà trường giao cho nhóm Tiếng Anh lên lớp chuyên đề thí điểm cấp quận với nội dung: “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh”.

Áp dụng phương pháp giảng dạy mới, các em học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)
Áp dụng phương pháp giảng dạy mới, các em học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên nhóm tiếng Anh đã tiến hành họp nhóm, lên kế hoạch hoạt động, xây dựng ý tưởng, nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện chuyên đề.

Sau khi họp bàn, thống nhất, nhóm đã phân công công việc cụ thể cho từng người, chọn giáo viên thực hiện tiết dạy.

Để ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy, nhà trường đã phối hợp với Công ty NOVO để mời chuyên gia đến trường tập huấn cho giáo viên cách sử dụng phần mềm, cấp tài khoản để giáo viên sử dụng thành thạo và đạt hiệu quả cao.

Bước tiếp theo, các giáo viên hướng dẫn cho học sinh cập nhật và sử dụng phần mềm này trong việc học tiếng Anh.

Sau đó, giáo viên tiến hành giao bài tập cho các em về nhà thực hành, giáo viên kiểm tra tiến độ làm bài hàng ngày của học sinh trên máy tính.

Các em học sinh được rèn cách phát âm chuẩn (Ảnh: Lã Tiến)
Các em học sinh được rèn cách phát âm chuẩn (Ảnh: Lã Tiến)

Tiếp theo, tổ nhóm cử giáo viên tiến hành lên lớp dạy thử nghiệm tiết học trên nền tảng NOVO, kiểm tra đường truyền wifi xem có đủ dung lượng và tốc độ tương tác với các máy tính của cả cô và trò.

Sau tiết học thử nghiệm mọi người cùng rút kinh nghiệm, đóng góp xây dựng ý kiến cho tiết học đạt hiệu quả cao nhất khi áp dụng nền tảng NOVO trong dạy và học tiếng Anh.

Cô giáo Trần Thị Lan Hương (giáo viên trực tiếp giảng dạy tại chuyên đề) cho biết: “Qua thực tế hơn 2 tháng học thử nghiệm, qua các lần tiến hành dạy thử, nhà trường thấy học sinh thực sự rất hào hứng với việc học tiếng Anh trên nền tảng NOVO.

Học sinh được giao tiếp với giáo viên người nước ngoài, tự tin giới thiệu bài học bằng tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)
Học sinh được giao tiếp với giáo viên người nước ngoài, tự tin giới thiệu bài học bằng tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)

Đặc biệt, phần mềm trí tuệ nhân tạo này có khả năng nhận biết giọng nói của từng học sinh, từ đó giúp các em sửa và luyện cách phát âm chuẩn Anh Anh, Anh Mỹ mà không phải tốn quá nhiều thời gian đến các trung tâm tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài.

Chính vì vậy, học sinh khắc phục được tối đa lỗi phát âm không chuẩn của đại đa số người Việt hiện nay, qua đó dần giúp các em tự tin khi sử dụng tiếng Anh giao tiếp, hòa nhập trong cộng nay”.

Theo cô giáo Lan Hương, với ưu thể nổi trội và ưu việt, nền tảng NOVO đã giúp giáo viên cập nhật thông tin bài làm của học sinh, chấm điểm, báo lỗi sai cụ thể trong từng bài của học sinh.

Các em học sinh giới thiệu cách làm món "Bánh đa cua- Đặc sản Hải Phòng" bằng tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)
Các em học sinh giới thiệu cách làm món "Bánh đa cua- Đặc sản Hải Phòng" bằng tiếng Anh (Ảnh: Lã Tiến)

Qua đó, trên lớp giáo viên biết được những điểm yếu của học sinh trong từng dạng bài tập, từng Unit để kịp thời uốn nắn, chỉ bảo, bồi dưỡng cho các em tiến bộ mỗi ngày.

Hơn nữa, khi học sinh thao tác và học tiếng Anh trên nền tảng NOVO vừa thực tế, vừa gần gũi, không xa rời mà rất sát với chương trình học trong nhà trường.

Nền tảng này góp phần đổi mới 1 khâu quan trong trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thường xuyên của học sinh.

Ngoài học kiến thức trong sách, học sinh được liên hệ thực tế và giao tiếp với người nước ngoài (Ảnh: Lã Tiến)
Ngoài học kiến thức trong sách, học sinh được liên hệ thực tế và giao tiếp với người nước ngoài (Ảnh: Lã Tiến)

Qua mỗi phần bài tập trên nền tảng NOVO, học sinh biết ngay được điểm số của mình.

Đó là căn cứ cụ thể, thiết thực nhất để học sinh tự đánh giá trình độ nhận thức của mình, so sánh kết quả, sự tiến bộ hàng ngày của bản thân với các bạn trong lớp.

“Phương pháp mới này tạo ra sự thi đua sôi nổi, công bằng trong học tập giữa các học sinh với nhau, thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng của lớp, của trường.

Các em học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi, trong sân trường, nơi phòng thư viện, trong giờ giải lao hay sau mỗi buổi đi học về, việc học tiếng Anh không còn là áp lực nặng nề đối với mỗi học sinh nữa mà là học mà chơi, chơi mà học.

Các em có thể học Tiếng Anh qua các trò chơi, câu đố vui, qua các cuộc thi và học ngay cả khi các em nghe nhạc, thư giãn”, cô Lan Hương chia sẻ.

Chuyên đề được các nhà trường trên địa bàn quận Lê Chân đánh giáo cao (Ảnh: Lã Tiến)
Chuyên đề được các nhà trường trên địa bàn quận Lê Chân đánh giáo cao (Ảnh: Lã Tiến)

Theo cô giáo Lan Hương và một số giáo viên tiếng Anh của nhà trường, khi áp dụng công nghệ 4.0 trong học tiếng Anh, trình độ tiếng Anh của học sinh trong nhà trường đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được với yêu cầu ngày càng cao của hệ thống giáo dục trong thời đại mới.

Chuyên đề tổ chức thành công, được lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, các trường Trung học cơ sở trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích để Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền rút kinh nghiệm để thực hiện chuyên đề một cách bài bản, thiết thực và thành công hơn nữa.

LÃ TIẾN