TS Lê Thống Nhất: "Điểm 10 sẽ rất khó và hiếm với đề Toán"

04/07/2013 16:23
TS.Lê Thống Nhất
(GDVN) -Kết thúc buổi sáng thí sinh hoàn thành môn Toán, nhận định ban đầu của các giáo viên, chuyên gia, thí sinh ôn tập kĩ vẫn có thể được 8 điểm.

Ngay khi nhận được đề thi môn Toán sáng nay, TS phương pháp giảng dạy Toán Lê Thống Nhất đã có ý kiến nhận xét về đề thi này. Theo ông, đề Toán năm nay có tính phân loại tốt thí sinh, chính vì vậy để đạt điểm 10 sẽ rất khó và hiếm.

TS Lê Thống Nhất nói: "Trước hết có thể thấy ngay, khi đọc đề xong với các em học sinh đã ôn tập kỹ kiến thức chỉ có 2 câu cần phải suy nghĩ đó là câu 3 và câu 6. Nếu bỏ 2 câu này để làm các câu còn lại với đường lối giải đã rõ thì các em cũng có thể được 8 điểm.

Thí sinh khó đạt điểm 10 với đề Toán năm nay. Ảnh Xuân Trung
Thí sinh khó đạt điểm 10 với đề Toán năm nay. Ảnh Xuân Trung

Phần Hình học (dù chọn Nâng cao hay Cơ bản) cũng chỉ có 3 câu với đường lối đã rõ, các phép tính toán không phức tạp nên các em có thể hoàn thành tốt.

Phần Giải tích:

-    Câu 1 là cơ bản như đề thi tốt nghiệp, tuy nhiên khi làm câu 1b học sinh có thể thiếu trường hợp hàm số luôn nghịch biến.

-    Câu  4 là một loại tích phân quen thuộc tính bằng phương pháp tích phân từng phần với lưu ý  (1 -  1/x^2).dx = d( x + 1/x) = dv, u = lnx là xong.

-    Câu 9a, chỉ  cần phân biệt tổ hợp và chỉnh hợp để tránh nhầm lẫn khi tim số phần tử của tập S. Lưu ý : số các  số có 3 chữ số khác nhau lấy từ 7 chữ số đã cho phải là chỉnh hợp chập 3 của 7 phần tử (nếu tính tổ hợp là sai). Rất may cho các bạn là các chữ số cho trước vắng mặt chữ số 0 nên lời giải đỡ phức tạp và đỡ nhầm lẫn hơn.

-    Câu 9b về số phức thì chính yêu cầu viết z dưới dạng lượng giác đã giúp các bạn tính số phức w nhanh hơn và từ đó dễ dàng co phần thực và phần ảo của w.

Phần Đại số:

-    Câu 2 là một loại phương trình lượng giác quen thuộc vì biểu thức 1 + tanx  sẽ xuất hiện  sinx + cosx  và vế phải cũng có biểu thức  √2sin (x + π/4) = sinx + cos x nên phương trình đưa được về dạng tích. Lưu ý : nếu không đưa về dạng tích mà chia hai vế cho biểu thức này bạn sẽ bị mất nghiệm.

-    Câu 3 là một hệ phương trình “không mẫu mực” nên các bạn học lực trung bình , thậm chí khá cũng dễ mất thời giờ vào câu này. Các bạn cần đánh giá các giá trị của ẩn. Chẳng hạn để căn thức có nghĩa thì x ≥ 1, mặt khác từ phương dưới các bạn có thể coi như phương trình bậc 2 đối với y để có điều kiện tồn tại thì  x ≤ 2. Coi là phương trình ẩn x thì  y ≥ 0. Trở lại phương trình đầu các bạn có thể đánh giá các vế để suy ra nghiệm.

-    Câu 6 là một bài toán đánh giá giá trị của biểu thức 3 biến có điều kiện. Tuy nhiên lưu ý tới bậc của các biến các bạn có thể đưa bài toán về 2 biến mới đơn giản hơn : x = a/c ; y = b/c .

Tóm lại : Các câu hỏi của đề thi bám sát chương trình phổ thong. Đề thi  phân loại tốt học sinh, đặc biệt là phân biệt khá và giỏi. các em học sinh ôn tập kỹ và thao tác không nhẫm lẫn vẫn có thể đạt 8 điểm. Điểm 10 sẽ không nhiều với đề thi này.


TS.Lê Thống Nhất