TS. Lê Trường Tùng: “Xấu - đẹp đều nằm ở phía trường công”

23/11/2013 07:02
Xuân Trung
(GDVN) - “Sau 20 năm hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL ra đời, tỉ lệ sinh viên mới chỉ có hơn 10%. Nếu 20 năm mà chỉ tăng lên được khoảng 13% và chủ trương như vậy là không thành công, trách nhiệm thuộc về ai thì chưa tính nhưng toàn bộ hệ thống giáo dục vẫn thuộc về công lập (chiếm 87%), tức là xấu - đẹp nằm ở phía công lập là chính”. TS. Lê Trường Tùng- Hiệu trưởng Trường ĐH FPT (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam) nêu quan điểm.
Theo TS. Tùng thì đó là sự thật và nhiều năm nay xã hội vẫn nghĩ rằng chất lượng đào tạo ở các trường NCL có vấn đề, và mọi tiếng xấu đều đổ về phía trường NCL là không công bằng.
Giảm tỷ suất sinh viên trường công

Trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg, đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 70-80% số sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng; 20-30% số sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu; 30 đến 40% số sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Theo TS. Lê Trường Tùng, nếu hệ thống các trường NCL chưa phát triển đủ số lượng nhất định thì hệ thống này chưa thể hiện được vai trò của mình. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước chia cho bình quân sinh viên hiện nay rất thấp và ngân sách cho giáo dục không thể tăng lên, lúc đó hệ thống trường NCL phát triển để gánh một phần chi phí cho nhà nước là điều  tất  yếu. Trong khi đó suất đầu tư trên mỗi sinh viên không thể tăng lên, vậy phải quyết bằng cách nào?

TS. Lê Trường Tùng -Hiệu trưởng Đại học FPT trong buổi trò chuyện với phóng viên. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Trường Tùng -Hiệu trưởng Đại học FPT trong buổi trò chuyện với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Hiệu trưởng trường ĐH FPT đưa ra lời giải, đó là thu hẹp số sinh viên trường công, song song với đó là nâng tỷ trọng sinh viên trường NCL, và lúc đó suất đầu tư trên mỗi sinh viên sẽ lớn hơn. 

Thực tế, qua nhiều quan điểm cho rằng, nếu tăng số lượng các trường NCL lên chất lượng sẽ thấp và hiện các trường NCL đang mang tiếng vì chất lượng thấp: “Cá nhân tôi nghĩ nếu tăng số lượng lên thì chất lượng sẽ tốt hơn vì: Song song tăng số lượng trường NCL và giảm công lập xuống thì suất đầu tư cho sinh viên công lập sẽ lớn lên, đó là tiền đề để tăng chất lượng mảng công lập, dù sao mảng đó vẫn chiếm đa số” TS. Lê Trường Tùng cho biết.

Hiện nay xuất hiện một số quan điểm cho rằng, xã hội hóa không phải là tăng số lượng trường NCL, mà theo đó xã hội hóa bằng cách tăng học phí sinh viên phải đóng ở trường công, quan điểm này cho rằng, đây không phải để chia sẻ đầu tư để tạo chỗ học. Như vậy, với mức học phí tăng lên thì những người nghèo và người tài đi học có thể được hỗ trợ bằng học bổng.

TS. Lê Trường Tùng nhận định, đây là một quan điểm hay, vì thực chất cuối cùng cũng giải quyết được tỷ suất đầu tư trên mỗi sinh viên lúc đó sẽ lớn hơn, và chất lượng sẽ tăng lên. “Tuy nhiên, lúc đó vẫn chưa tạo được sự hài hòa cân đối giữa công và tư, quan trọng hơn là sức ì của hệ thống công lập vẫn rất lớn do được bao cấp mấy chục năm nay, giờ muốn thay đổi một chút chắc cũng khó” TS. Tùng cho biết.
Cơ sở pháp lý để tăng quy mô trường NCL

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong đó, quan điểm chỉ đạo là phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và NCL, giữa các vùng, miền...Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đổi mới cũng thừa nhận “…Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo NCL góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội”.

Một trong những nhiệm vụ được Trung ương kỳ này xác định: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường NCL đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.

Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường NCL. Nêu quan điểm của mình về những định hướng mà Trung ương đã xác định đối với giáo dục NCL, TS. Lê Trường Tùng cho biết, đây là tiền đề để đẩy mạnh xã  hội hóa giáo dục, cùng với đó là cơ sở để chú trọng, tập trung phát triển quy mô giáo dục ĐH NCL trong thời gian tới.

“Giáo dục không phát triển thì đất nước không phát triển được, điều này cũng đúng ở rất nhiều nước, nhưng có một số quốc gia ở trung đông coi dầu mỏ là chính thì  giáo dục sẽ là mệnh đề đúng trong vài chục năm nữa. Nếu  giáo dục không phát triển thì ngành kinh tế không tạo ra được nhân lực có đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ mới.

Trong hoàn cảnh đó thì những người làm giáo dục có vai trò, trọng trách rất lớn, nếu giáo dục làm kém thì đất nước kém, làm tốt thì hy vọng đất nước sẽ phát triển” TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Chương trình 9+4 – phân luồng mạnh từ năm 2014

Trong Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo có khẳng định, sẽ đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo.

Mục tiêu cụ thể cho bậc THCS là bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Trước nhiệm vụ này và trước thực trạng hiện nay thanh niên Việt Nam  tự lực và lập nghiệp muộn so với thanh niên thế giới, lý do được cho là do phân cấp các bậc học và khởi điểm định hướng nghề nghiệp muộn. FPT Polytechnic đã quyết định triển khai chương trình phân luồng hướng nghiệp, theo hướng học sinh tốt nghiệp THCS có thể học thêm 3 năm để lấy bằng trung cấp nghề, 4 năm lấy bằng cao đẳng nghề chính quy, chương trình có tên là 9+4.

Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS không cần học lên THPT mà có thể đi theo mô hình "tháo lắp" linh động. Sau 3 năm, các em có thể lấy bằng trung cấp để đi làm, nếu học thêm 1 năm sẽ có bằng cao đẳng nghề chính quy. Trong mô hình 9+4, học sinh sẽ đồng thời học thêm 4 môn học của bậc THPT song song với quá trình học nghề để thi và lấy bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

“Theo mô hình 9+4 sẽ giúp giải quyết tâm lý xã hội đổ xô vào ĐH, giúp liên thông các cấp học được mềm dẻo, dễ dàng, giảm thời gian lập nghiệp, giảm chi phí xã hội đầu tư cho giáo dục, tăng thời gian cống hiến cá nhân, đất nước có thêm nguồn lao động trẻ. Sau khi học song, với việc được trang bị kỹ năng và chuyên môn nghề nghiệp, thanh niên có thể bắt đầu đi làm, sau này vẫn có thể học lên ĐH theo mong muốn” TS. Lê Trường Tùng cho biết.
Xuân Trung