TS.Lê Viết Khuyến lo thí sinh bị “quá tải” khi ôn luyện thi quốc gia

08/02/2017 07:31
Linh Hương
(GDVN) - Theo lộ trình khối lượng kiến thức thi năm sau tăng gấp đôi so với năm nay, điều này trở thành gánh nặng đối với học sinh dự thi ở năm sau.

Ngày 31/1 vừa qua, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Quy chế thi THPT quốc gia 2017 với nhiều điểm mới và thay đổi theo hướng tích cực. 

Tuy nhiên các chuyên gia vẫn lo lắng về chuyện thi và học, nhất là khi lộ trình thi đặt ra nhưng phương thức thi không thay đổi sẽ tạo ra gánh nặng đối với thí sinh ở năm sau. 

Thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp 

Theo quy chế, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội); 

Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. 

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

TS.Lê Viết Khuyến lo thí sinh bị “quá tải” khi ôn luyện thi quốc gia ảnh 1
TS.Lê Viết Khuyến lo thí sinh bị “quá tải” khi ôn luyện thi quốc gia (Ảnh: Báo VTC)

Tuy nhiên, để tăng cơ hội xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng.

Bộ GD&ĐT tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là cụ thể hóa sự kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kì, cuối năm học theo tinh thần Nghị quyết 29.

Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi. Giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên sẽ tham gia chấm thi

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Nhận xét về Quy chế thi THPT quốc gia 2017, TS.Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng: “Việc đưa ra lộ trình thi tôi thấy là cần thiết nhưng quá nhanh. 

Bởi, theo Bộ GD&ĐT năm 2017 nội dung thi tập trung ở kiến thức lớp 12 nhưng đến năm 2018 thì kiến thức thi ở cả lớp 11, 12 và đến năm 2019 kiến thức thi tất cả lớp 10, 11, 12. 

TS.Lê Viết Khuyến lo thí sinh bị “quá tải” khi ôn luyện thi quốc gia ảnh 2

Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao 8 nhiệm vụ cho ngành giáo dục

(GDVN) - Chủ tịch nước chỉ rõ, hiện nay giáo dục và đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định, là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia.


Theo lộ trình này khối lượng kiến thức thi năm sau sẽ tăng gấp đôi so với năm nay, điều này trở thành gánh nặng đối với học sinh dự thi ở các năm sau. 

Do vậy, hoặc chúng ta thực hiện lộ trình này chậm hơn hoặc là cần chuyển toàn bộ các môn thi sang hình thức trắc nghiệm khách quan, nếu không sẽ trở thành thách thức rất lớn đối với thí sinh
”. 

Đại diện Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, tinh thần của chúng ta là học gì thi nấy, đánh giá toàn diện nhưng trong Quy chế thí sinh vẫn được lựa chọn một trong hai bài thi Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên. 

Khi vẫn được lựa chọn thì sẽ vẫn còn tình trạng học lệch, chưa đánh giá được toàn diện và rõ ràng lượng thí sinh vẫn phân thành 2 hướng như trước đây. 

Vị đại diện này cũng nhận xét, trong quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng không nhắc gì đến lộ trình hướng tới đánh giá toàn diện. 

Theo vị này, muốn đánh giá học sinh một cách toàn diện thì cần phải để thí sinh thi cả 2 bài thi đó. 

Việc quy định mỗi tỉnh chỉ có một cụm thi và giao hẳn cho sở GD&ĐT chủ trì khi tiến hành cụm thi đó, còn các trường Đại học, Cao đẳng trên cùng địa bàn có phối hợp để tổ chức thi đã được các chuyên gia đánh giá cao.

Tuy nhiên để giảm thiểu những tiêu cực trong coi thi ở cụm thi địa phương, các chuyên gia cho rằng phải có sự giám sát.
 
Theo quan điểm của TS.Lê Viết Khuyến: “Theo quy chế mới chỉ nhắc tới giám sát trong nội bộ nhưng theo tôi nên mở rộng giám sát của cộng đồng và xã hội, như thế sẽ tốt hơn, nó sẽ hỗ trợ phát hiện tiêu cực. 

Cụ thể là nên lập hội đồng ở cụm thi địa phương có thêm các thành phần khác tham gia ví dụ như báo chí…chứ không nên chỉ có thành phần ở phía sở GD&ĐT và phía một số trường Đại học phối hợp
”.

Sau nhiều tranh cãi, trong Quy chế vẫn đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) và nêu rõ, từ năm 2018 thì các trường tự quyết định. 

TS.Lê Viết Khuyến đề xuất ý kiến, trong những năm tiếp theo, Bộ vẫn có thể đưa ra quy định về điểm sàn nhưng chỉ đối với các trường trọng điểm quốc gia để vừa giữ lại được thương hiệu vừa duy trì được sứ mệnh của các trường đó và nó làm cho các trường khác không phải lo lắng về việc các trường lớn tuyển hết thí sinh.

Linh Hương