Tự truyện Nick Vujicic (P10): Sống có mục đích và đam mê

22/05/2013 07:38
Bích Lan dịch
(GDVN) - Tôi khuyến khích bạn xác định rõ điều gì khiến bạn hạnh phúc, khiến bạn muốn dồn tất cả tài năng, năng lượng của bạn vào. Hãy theo đuổi con đường mà bạn đã xác định được, không phải để đạt được danh vọng và sự giàu có cho bản thân bạn, mà là để cống hiến.
LTS: "Cuộc sống không giới hạn" và "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng" là hai cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân kỳ diệu nhất hành tinh Nick Vujicic. Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Nhân sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 tới, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải một số đoạn trích chọn lọc trong hai cuốn tự truyện của anh.
Từ nhỏ, Nick Vujicic đã mang nặng mặc cảm về khuyết tật của mình và nhiều lúc chỉ muốn chết. Nhiều lần tự tử không thành, Nick trở về với cuộc sống thực tại với những câu hỏi đầy ám ảnh như: "Tại sao cậu không có chân tay?"...

Nick Vujicic là người Australia, khi được sinh ra đã không có tay và chân. Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Khi còn thơ ấu, Nick đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác.
Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã cố gắng nhìn về phía trước và mường tượng ra tương lai của tôi sẽ như thế nào. Cha tôi là một nhân viên kế toán và ông đã gợi ý rằng tôi nên theo nghề của ông: “Con giỏi toán, và con có thể thuê người khác để giúp con trong công việc”. Gặm những con số là thú vui đối với tôi. Việc làm tính bằng ngón tay và ngón chân không phải là một sự lựa chọn dành cho tôi, nhưng nhờ có kỹ thuật hiện đại và nhờ mẩu bàn chân bé xíu của mình, tôi có thể sử dụng máy tính và máy tính điện tử một cách dễ dàng. Vậy nên ở trường đại học tôi thực hiện theo kế hoạch của cha mẹ, học ngành hoạch định tài chính và kế toán. Ý nghĩ giúp mọi người đưa ra những quyết định hợp lý liên quan đến tiền bạc, góp phần vạch ra những kế hoạch tài chính chiến lược giúp họ giàu có đã hấp dẫn tôi. Tôi cũng thích hoạt động trên thị trường chứng khoán, nơi tôi đã có những trải nghiệm cả vui lẫn buồn.

Nick Vucijic đã trở thành biểu tượng của niềm tin, khát vọng.
Nick Vucijic đã trở thành biểu tượng của niềm tin, khát vọng.

Làm một người hoạch định tài chính dường như là một cách tốt để vừa phục vụ người khác vừa có thể nuôi sống được bản thân, và (tôi hy vọng) nuôi sống được cả gia đình. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy hoàn toàn tâm huyết với kế hoạch đó. Tôi luôn có cảm giác rằng Chúa đang gọi tôi đi theo một con đường khác. Tôi bắt đầu thực hiện các buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm vượt lên nghịch cảnh của mình với các bạn cùng lớp ở trường trung học. Các bạn học của tôi quan tâm và đáp lại những lời tôi nói. Tôi đã chạm được đến trái tim họ. Dần dần tôi chia sẻ niềm tin của mình với mọi người nhiều hơn. Việc truyền giáo và khích lệ người khác trở thành niềm đam mê lớn nhất của tôi. 

Đó là một món quà tuyệt vời. Nhiều người đã phải rất vất vả để tìm ý nghĩa và hướng đi trong cuộc đời. Họ nghi ngờ giá trị của bản thân bởi họ không biết chắc chắn mình có thể cống hiến hoặc tạo dấu ấn trong cuộc đời bằng cách nào. Có lẽ bạn không xác định được tài năng, khả năng, mối quan tâm của bạn nằm ở đâu. Thử cái này, thử cái khác trước khi xác định được tiếng gọi của cuộc đời bạn cũng là điều thường xảy ra. Thay đổi hướng đi vài lần cũng không phải là điều lạ. 

Tôi khuyến khích bạn xác định rõ điều gì khiến bạn hạnh phúc, khiến bạn muốn dồn tất cả tài năng, năng lượng của bạn vào. Hãy theo đuổi con đường mà bạn đã xác định được, không phải để đạt được danh vọng và sự giàu có cho bản thân bạn, mà là để cống hiến. Hãy kiên nhẫn nếu như thực tế đòi hỏi phải có thời gian để tìm ra con đường của bạn. Bạn nên biết rằng việc xác định được thời điểm thích hợp để khởi đầu là rất quan trọng, và rằng nếu bạn có niềm đam mê thực sự trong trái tim, niềm đam mê ấy sẽ không lụi tàn. Bạn cũng nên hiểu rằng ngay cả những đam mê cũng có thể đi cùng với sự rủi ro. Và nếu một niềm đam mê nào đó trong bạn cạn kiệt, thì đó có thể là vì Chúa có kế hoạch lớn lao hơn, tốt đẹp hơn dành cho bạn.
 
Bạn sẽ biết mình đã tìm được niềm đam mê khi tài năng, hiểu biết, năng lượng, sự tập trung và sự tận tụy của bạn đều hội tụ vào một việc gì đó theo một cách khiến bạn phấn khởi, hào hứng giống như một đứa trẻ say sưa chơi một trò chơi mà nó thích. Công việc và thú vui của bạn hòa làm một. Bạn cảm thấy như thể các cơ hội dành cho bạn là vô biên. Việc bạn làm trở thành một phần con người bạn, và những lợi ích do công việc bạn làm mang đến cho người khác khiến bạn thỏa mãn hơn những phần thưởng dành cho bản thân bạn. 

Niềm đam mê của bạn dẫn bạn đến với mục đích sống. Cả hai yếu tố đó được kích hoạt khi bạn đặt niềm tin vào khả năng của mình và chia sẻ nó với thế giới. Bạn tồn tại trên đời này vì mục đích của cuộc đời bạn, cũng như tôi sống trên đời này vì mục đích của tôi. Từng phần của con người bạn – từ tâm hồn, thể xác, sức mạnh tinh thần, những tài năng độc đáo và trải nghiệm sống – đều tồn tại để thỏa mãn mục đích sống. 

Bạn biến niềm tin của mình thành hành động bằng cách sống với niềm đam mê, xác định rõ mục đích của mình và xây dựng cuộc sống, phát triển và sử dụng tài năng của mình một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất. Việc gì thúc đẩy bạn? Việc gì khiến bạn phấn khởi mỗi ngày? Việc gì bạn làm một cách tự nguyện, chỉ mong sống với nó mà thôi? Việc gì khiến bạn làm mãi không chán? Có việc gì đó mà bạn sẵn sàng từ bỏ mọi việc khác để làm? Việc gì khiến bạn cảm thấy thực sự bị thôi thúc để thực hiện và hoàn thành cho bằng được? 

Nếu những câu hỏi mà tôi đã nêu ra ở đoạn trên vẫn không giúp bạn xác định được một niềm đam mê trong đời, thì hãy thử hỏi những người thân của bạn để họ đưa ra những đánh giá và gợi ý. Họ thấy bạn có tài năng, sở trường gì? Họ nghĩ bạn có thể tạo dấu ấn trong lĩnh vực nào? Họ thấy bạn nhiệt tình, hăng hái nhất trong việc gì?
Bích Lan dịch