Luận án Tiến sĩ: "Mấu chốt" là ở Chủ tịch hội đồng

10/05/2022 06:40
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tôi cũng từng ở trong các hội đồng, cũng đã từng thấy xuất hiện những luận án với đề tài, nội dung tương tự, nhưng lại vẫn thông qua, bởi vì có vấn đề “nịnh bợ".

Không có tính học thuật thì không thể làm luận án

Những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về một số đề tài luận án tiến sĩ “không hiểu nghiên cứu để làm gì”. Thậm chí, có những ý kiến bày tỏ sự e ngại về nguy cơ xuất hiện một “cơn đại dịch” mang tên bằng tiến sĩ rởm...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Vấn đề mà lâu nay dư luận vẫn đang băn khoăn và bàn luận rất nhiều, chính là một số đề tài luận án tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và một số đơn vị. Rất nhiều đơn vị cũng từng xuất hiện những đề tài tương tự khiến cộng đồng mạng phải xôn xao bàn luận rất nhiều về ý nghĩa thực sự của việc nghiên cứu, liên quan đến các tư liệu khoa học, tham khảo các tư liệu trong nước cũng như trên thế giới.

Bấy lâu nay đã bàn tán rất nhiều, nhưng không hiểu sao, các Viện này lại vẫn duyệt những đề tài như vậy.

Đề tài luận án tiến sĩ đang gây xôn xao dư luận về "tầm" nghiên cứu. (Ảnh chụp màn hình).

Đề tài luận án tiến sĩ đang gây xôn xao dư luận về "tầm" nghiên cứu. (Ảnh chụp màn hình).

Có thể kể đến, mới đây nhất, dư luận đang “râm ran” về một đề tài luận án của Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao) - “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La” chẳng hạn...

Riêng tôi, với tư cách là một nhà khoa học, cũng đã từng làm luận án, tôi thấy rằng, một đề tài như vậy thực sự chưa đủ tầm để đưa lên làm luận án tiến sĩ. Mặc dù đây là đề tài liên quan đến lĩnh vực giáo dục học, tuy nhiên, thiếu gì những nội dung nghiên cứu giáo dục học sâu sắc hơn, những đề tài mang tính chất xã hội rất rộng rãi, sâu sắc thì không làm, mà lại đi làm những đề tài quá hẹp như vậy”.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) đánh giá: “Một luận án với đề tài như thế này là không đáng có, không nên làm, không nên nghiên cứu. Luận án không có ý nghĩa gì về mặt học thuật, mà một khi tính học thuật đã không có thì không thể làm luận án được.

Hệ lụy của những đề tài luận án tương tự chính là lo lắng liệu những tiến sĩ được đào tạo như vậy có đảm bảo chất lượng?. Đồng thời, nếu những tiến sĩ như vậy mà đứng trên bục giảng rồi truyền đạt cho sinh viên, học viên, thì chất lượng của các thế hệ sinh viên, học viên thế nào?”.

Chúng tôi cảm thấy xấu hổ khi bị đánh đồng

Đó là chia sẻ của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khi đề cập đến việc một số tiến sĩ lựa chọn nghiên cứu những đề tài đang khiến dư luận hoài nghi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) bày tỏ: Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ khi bị đánh đồng với “tiến sĩ cầu lông”! (Ảnh: NVCC).

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) bày tỏ: Chúng tôi cảm thấy rất xấu hổ khi bị đánh đồng với “tiến sĩ cầu lông”! (Ảnh: NVCC).

Ông Thịnh bày tỏ: “ Một số đơn vị đào tạo đang thông qua các đề tài luận án tiến sĩ quá dễ dãi.

Rồi “con sâu bỏ rầu nồi canh”, vô tình rất nhiều tiến sĩ khác cũng phần nào bị đánh đồng. Mặc dù, rất nhiều luận án tiến sĩ ở các đại học, trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội... đều là những đề tài nghiên cứu nghiêm túc, có đội ngũ hướng dẫn chu đáo, đánh giá chất lượng.

Tôi cho rằng, các đơn vị chức năng cần vào cuộc chứ không thể tiếp tục để xuất hiện những đề tài nghiên cứu quá hẹp như vậy, khiến dư luận đánh đồng tất cả. Thậm chí, nhiều khi, bị đánh đồng như vậy, những người như chúng tôi lại cảm thấy xấu hổ!”.

Khi dư luận băn khoăn, cần có sự giải trình rõ ràng

Đề cập đến “lỗ hổng” khiến những luận án được cho dưới tấm tiến sĩ xuất hiện, Giáo sư Phạm Gia Khải thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi cũng đã từng ở trong các hội đồng, cũng đã từng thấy xuất hiện những luận án với đề tài, nội dung tương tự, nhưng lại vẫn thông qua, bởi vì có vấn đề “nịnh bợ”. Chủ tịch hội đồng cho qua thì qua, không cho qua thì không qua. Bởi vậy, “mấu chốt” vẫn là nằm ở chính Chủ tịch hội đồng”.

Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) (ảnh:VOV)

Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) (ảnh:VOV)

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết: “Quan trọng nhất là cơ quan quản lý khoa học của Viện, bởi vì, chính cơ quan quản lý khoa học phải đặt vấn đề xây dựng một luận án như thế nào, xây dựng đề cương thế nào, thông qua hội đồng duyệt như thế nào. Để có một luận án tiến sĩ được bảo vệ trước hội đồng, phải qua quá trình sàng lọc gồm rất nhiều bước, từ thi đầu vào, góp ý đề cương chi tiết, bảo vệ trước nhiều cấp hội đồng...

Một điều chắc chắn rằng, những nghiên cứu sinh tiến sĩ kia không phải cứ thích là chọn và triển khai được đề tài tiến sĩ. Luận án cũng phụ thuộc rất nhiều bởi người hướng dẫn. Chứ còn tùy tiện, mang tiếng là Giáo sư, tiến sĩ này là người hướng dẫn thứ nhất, rồi Phó giáo sư, tiến sĩ kia là người hướng dẫn thứ hai... mà không hướng dẫn một cách nghiêm túc, rồi người ta cũng nghi ngờ luôn cả người hướng dẫn. Nếu chỉ là làm cho đủ thủ tục nhưng nội dung hời hợt thì luận án cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Cũng theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, khi dư luận đã có những băn khoăn, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các đơn vị, cơ sở nghiên cứu.

“Không phải đến bây giờ mới như vậy, mà trước đây cũng từng xôn xao dư luận rất nhiều lần về những đề tài “không hiểu để làm gì”, nhưng có cảm giác các cơ sở nghiên cứu dường như không quan tâm đến phản ứng này của dư luận.

Chí ít, nếu họ cảm thấy đề tài mà dư luận đang “mổ xẻ” là chính đáng, thì phải có giải trình trước công luận, về vấn đề cách xây dựng, thực hiện, thông qua luận án như thế nào, tính khoa học ra sao.

Chẳng hạn, như những đề tài của “tiến sĩ cầu lông” như vừa rồi, để bảo vệ chính kiến của mình, đơn vị này phải giải trình rõ ràng về căn cứ khoa học, luận chứng khoa học, ý nghĩa khoa học của đề tài. Phải giải trình cụ thể, chứ không phải chỉ đơn thuần nói rằng “chúng tôi đã làm đúng quy trình”, đó chỉ là về mặt thủ tục.

Nếu chỉ giải trình, “chúng tôi đã làm đúng thủ tục” thì đương nhiên là rất dễ, làm luận án nào mà chẳng phải đầy đủ thủ tục này, thủ tục kia. Nhưng dư luận quan tâm đến nội dung của vấn đề. Bởi vì, nguyên tắc nghiên cứu của một luận án tiến sĩ, là phải tổng kết được những cơ sở lý luận để phát triển, thậm chí trở thành những đề xuất mang tính kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về một vấn đề, lĩnh vực nào đó hoặc đóng góp cho khoa học những vấn đề mang tính chất lý luận” vị nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh: “Sợ nhất trong hội đồng có người chỉ cần có “lót tay” là cứ “gật gật” thôi.

Hội đồng khoa học không phải không thể xuất hiện tiêu cực, ví như vụ Việt Á với que test Covid-19 chẳng hạn, cũng có cả một hội đồng khoa học ngồi làm việc mà vẫn đưa ra những đánh giá hết sức dễ dàng để thông qua và vừa rồi bị xử lý hàng loạt.

Do vậy, trước thực tế có nhiều luận án tiến sĩ được dư luận mổ xẻ là chưa đạt tầm, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, không thể tiếp tục để những luận án như vậy tiếp tục xuất hiện”.

Ngân Chi