Từng xin không biên soạn, sao nay Bộ lại đề cập 'SGK sử dụng ngân sách nhà nước'

25/04/2022 06:48
Thiên Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Sách giáo khoa chúng ta có thể làm, làm tốt bằng nguồn xã hội hóa thì không cần dùng đến ngân sách nhà nước", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý đó là: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này đối với việc biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước...".

Theo nội dung này nhiều chuyên gia, thầy cô hiểu rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn sẽ biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước, mặc dù trước đó vì nhiều lý do khác nhau Bộ đã chính thức "xin rút" biên soạn sách giáo khoa.

Bộ từng xin không biên soạn sách giáo khoa

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết, trước đó, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Các tổ chức, cá nhân khác vẫn có quyền biên soạn sách, nếu thẩm định đạt yêu cầu sẽ được lưu hành, sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 88 ra đời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần xin không tiếp tục biên soạn sách giáo khoa bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm, có thể giữ vị trí chủ biên đều đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân khác để tham gia biên soạn sách giáo khoa. Hơn nữa, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã được thực hiện tốt thì việc ngừng biên soạn một bộ sách của Bộ sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (ảnh: quochoi.vn)

Sau những kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc hội cũng đã thông qua việc Bộ sẽ không cần biên soạn sách khi công tác xã hội hóa sách giáo khoa được triển khai tốt, đảm bảo đủ sách đạt yêu cầu cho học sinh. Nội dung này được nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Thế nhưng, thời điểm hiện tại với sự ra đời của Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT, Bộ vẫn đề cập tới việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cụ thể quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.

"Khi mới biên soạn các bộ sách, thậm chí sách chưa được thẩm định kỹ càng và số lượng còn rất ít so với thời điểm hiện tại thì Bộ nói là không cần thiết biên soạn thêm sách giáo khoa. Cho đến nay, nhiều bộ sách đã được thẩm định, hiệu đính, chỉ chờ các tỉnh phê duyệt, các trường lựa chọn là đưa vào giảng dạy. Vậy, tại sao lại cần thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ?

Bộ làm sách, tôi tin chắc chủ biên, người viết sách vẫn là những gương mặt quen thuộc. Họ có thể là chủ biên ở bộ sách này nhưng lại nằm trong thành phần ban biên soạn của bộ sách kia. Với thành phần trùng như thế, có thêm một bộ sách không những lãng phí mà còn gây rối.

Theo tôi, vấn đề này cần phải sớm nghiêm túc đánh giá lại. Sách giáo khoa chúng ta có thể làm, làm tốt bằng nguồn xã hội hóa thì không cần dùng đến ngân sách nhà nước", nữ đại biểu phân tích.

Bộ lại đề cập sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước để làm gì?

Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, nếu làm bộ sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vướng vào cảnh vừa biên soạn lại vừa thẩm định sách giáo khoa.

"Chưa bàn tới chuyện Bộ có công tâm thẩm định bộ sách của mình như bộ sách của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân khác hay không nhưng khi sách của Bộ được thẩm định xong và đưa về địa phương lựa chọn thì tôi tin chắc rằng trong tất cả các bộ sách, không ít trường sẽ nghiêng về lựa chọn sách giáo khoa của Bộ. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sách của Bộ và các bộ sách giáo khoa khác cũng sẽ gây khó khăn cho nhà xuất bản. Sách đã xuất bản mà không được chọn hoặc được chọn rất ít cũng là điều lãng phí", bà Nga nêu quan điểm.

Nhìn ở góc độ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nga cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm thật tốt khâu thẩm định, nâng cao chất lượng sách giáo khoa thay vì trực tiếp biên soạn sách.

Nữ đại biểu nhận định, những bộ sách giáo khoa hiện tại, về cơ bản đã đáp ứng được chuẩn kiến thức cho từng lớp học và từng cấp học. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các bộ sách hơi gấp nên sách vẫn còn nhiều "sạn".

"Với các lỗi trong sách giáo khoa đã được chỉ ra, tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định, các tác giả có hướng chỉnh sửa để các bộ sách giáo khoa ngày càng hoàn thiện. Học sinh, giáo viên sẽ có được bộ sách hoàn chỉnh, tốt nhất để thực hiện dạy và học", bà Nga chia sẻ.

Thiên Ân