Tuyển công chức: NĐ dội "nước lạnh” vào chủ trương nhà nước

31/10/2011 12:33
Thu Hòe
(GDVN) - Quyết định “nói không” với dân lập, tại chức trong tuyển công chức của Nam Định đang không nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia giáo dục đầu ngành.
“Không thể phủ nhận tính “thực học” tại các trường NCL”

Đó là khẳng định của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Viện Công nghệ Giáo dục Việt Nam.

“Tôi đã từng tiếp xúc, làm việc và thậm chí tuyển dụng những người tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vào làm việc. Điều khiến tôi thấy được an ủi rất lớn trong nền giáo dục hiện nay là những người tốt nghiệp ở các trường NCL (trước nay vẫn bị áp đặt một định kiến là kém cỏi, không năng lực), họ đã chứng tỏ được bản thân và có những kiến thức chuyên môn rất tốt, không thua kém các trường công lập…

“Thật khó để có đánh giá toàn diện về chất lượng đào tạo ở hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL so với các trường công lập.
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Viện Công nghệ Giáo dục Việt Nam
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Viện Công nghệ Giáo dục Việt Nam
Và tôi cũng không muốn đưa ra bất cứ một nhận định hay so sánh nào hết. Vì như vậy sẽ là khập khễnh, không công bằng. Các bạn nên biết và nên ghi nhận điều này: Cơ sở vật chất, điều kiện học tập ở các trường NCL hoàn toàn không thua kém các trường công, thậm chí còn hơn rất nhiều.

Sinh viên các trường NCL cũng có sự “thực học” rất cao. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên các trường NCL có chuyên môn giỏi, năng động… sau khi ra trường có thu nhập nghìn USD là một minh chứng”, GS. TS Hồ Ngọc Đại cho biết thêm.

GS. TS Hồ Ngọc Đạo nhận định: Quyết định của Nam Định là một quyết định không nên có. Bởi lẽ theo ông, ở bất cứ môi trường đào tạo nào cũng có tính hai mặt của nó. Làm như vậy là chủ quan, duy ý chí, làm trái pháp luật… và gây thiệt thòi cho một bộ phận rất lớn người đã và đang theo học ở các trường NCL.
Sinh viên công lập hay dân lập đều phải được đối xử như nhau!
Sinh viên công lập hay dân lập đều phải được đối xử như nhau!
“Nam Định đang “nói không” với… giáo dục”

Từng làm công tác quản lý giáo dục cấp cao, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD & ĐT), giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, Hiệu trưởng của một trường ĐH Dân lập và có hơn 50 năm công tác trong ngành giáo dục, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào khẳng định: “Trường công cũng như trường tư, chất lượng đào tạo đều không thể có sự đồng nhất tuyệt đối.

Chưa vội xét về mặt pháp luật, quyết định này của tỉnh Nam Định đã là đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước.

Trong khi Nhà nước đang khuyến khích sự phát triển của hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL để giảm thiểu cho các trường công lập và nâng cao chất lượng giáo dục, thì chủ trương này của Nam Định không khác nào “gáo nước lạnh” dội vào chủ trương của Nhà nước…”

Mỗi năm có hàng triệu sinh viên tốt nghiệp ra trường. Nhưng không thể đảm bảo tất cả số sinh viên đã tốt nghiệp đó đáp ứng được yêu cầu của công việc sau khi ra trường.
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào: Nam Định đang quá coi trọng bằng cấp mà quên mất “tri thức thực”
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào: Nam Định đang quá coi trọng bằng cấp mà quên mất “tri thức thực”
Và càng không phải hơn, 100% sinh viên trường công lập xin được việc làm, có thu nhập cao khi tốt nghiệp. Ngược lại, những sinh viên tốt nghiệp trường dân lập, tại chức lại xin được việc làm ngay và thành đạt trong xã hội.

Chính quá trình học tập trong trường đã có sự sàng lọc căn bản và sau khi ra trường, các nhà tuyển dụng lại tiếp tục sàng lọc họ một cách triệt để.

Tôi tán thành với quan điểm, muốn công bằng trong tuyển dụng thì hãy tổ chức thi tuyển công khai. Bằng cấp chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ” trong tuyển dụng.

Tỉnh Nam Định đang quá coi trọng bằng cấp mà quên mất một điều căn bản, đó là “tri thức thực” và đang “nói không” với giáo dục chứ không phải là lựa chọn nhân tài.

Nhìn cái “mác bề nổi” dễ để “lọt lưới nhân tài”

GS Chu Hảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, GĐ Nhà xuất bản Tri Thức, người từ trước đến nay luôn quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đã bày tỏ quan điểm: Nam Định có cái lý của mình khi quyết định không chấp nhận bằng dân lập, tại chức trong đợt thi tuyển công chức vừa qua. Tuy nhiên, cá nhân tôi không hoàn toàn đồng tình với quyết định này.

Nếu chúng ta chăm chăm nhìn vào cái mác bằng cấp mà không có sự đánh giá, thi tuyển, thử thách, sàng lọc ứng viên thật sự thì rất dễ mắc sai lầm trong tuyển dụng. Người có thực lực sẽ bị bỏ qua và đó sẽ là tổn thất lớn cho cơ quan tuyển dụng…
GS Chu Hảo: Nếu chúng ta chăm chăm nhìn vào cái mác bằng cấp mà không có sự đánh giá, thi tuyển, thử thách, sàng lọc ứng viên thật sự thì rất dễ mắc sai lầm trong tuyển dụng
GS Chu Hảo: Nếu chúng ta chăm chăm nhìn vào cái mác bằng cấp mà không có sự đánh giá, thi tuyển, thử thách, sàng lọc ứng viên thật sự thì rất dễ mắc sai lầm trong tuyển dụng
Một số khoa, một số trường NCL có chất lượng đào tạo khá tốt, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường NCL thực sự có năng lực và làm được việc (dù chưa thật sự nhiều). Do đó, đối tượng tốt nghiệp các trường công lập hay NCL đều cần được đảm bảo quyền lợi như nhau trong tuyển dụng.
Thu Hòe