Ứng cử viên đại biểu Quốc hội nói sách giáo khoa sử dụng 1 lần là rất lãng phí

21/05/2021 06:06
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hiệp, ứng cử viên đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh mong sách giáo khoa có thể được sử dụng nhiều lần.

Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sắp diễn ra vào ngày 23/5/2021, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hiệp – Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là ứng cử viên ở đơn vị bầu cử số 2 (quận 1, quận 3 và quận Bình Thạnh).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hiệp nói: là một ứng viên nằm trong hệ thống ngành giáo dục, nên cô có rất nhiều trăn trở về ngành.

Cô Hiệp nói: Giáo dục Việt Nam nên có một chiến lược rõ ràng, chứ không nên phát triển khá tự do, dẫn đến có thể khó kiểm soát như hiện nay.

Toàn bộ trẻ em Việt Nam đang trong độ tuổi thì chắc chắn phải được đến trường.

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội - cô Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế (ảnh: NTCC)

Ứng cử viên đại biểu Quốc hội - cô Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế (ảnh: NTCC)

Đối với giáo dục phổ thông, nhất là đối với các bậc học nhỏ như tiểu học hay trung học cơ sở, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hiệp nhận định: Hiện nay, chương trình học của các em đang nhồi nhét kiến thức quá nhiều, còn nhiều nặng nề, mà đúng lý ra tuổi này cần được bồi dưỡng nhiều về tâm hồn và kiến thức nhiều hơn, cần có giới hạn kiến thức của từng lớp học, không cần sâu quá.

Theo cô Hiệp, nếu trở thành đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này, cô sẽ có tiếng nói góp phần giảm tải chương trình học cho học sinh.

Một ý kiến khác về ngành giáo dục là sách giáo khoa cũng được ứng viên Nguyễn Thị Hiệp đề cập tới.

Cô Nguyễn Thị Hiệp nói rằng, sách giáo khoa không nên thay đổi nhiều, làm cho người có kinh tế thấp không mua được. Nếu sách giáo khoa mà chỉ dùng có một lần thì rất lãng phí, cần phải cho sử dụng lại.

Các hoạt động của trường học, nhất là đối với bậc học nhỏ cần được rõ ràng, tăng tính vui chơi và giải trí nhiều cho các em, hạn chế tối đa nhất sự thay đổi.

Ngoài ra, hiện nay học sinh còn phải thi cử quá nhiều, kể cả phương pháp thi, hướng nghiệp cho học sinh.

“Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cùng với các chuyên gia trong ngành bàn sâu hơn về vấn đề này” – cô Nguyễn Thị Hiệp nhấn mạnh.

Với giáo dục đại học, cần tăng cường quản lý về mặt chất lượng. Nếu một trường nào đó muốn mở ngành, thì cần phải kiểm tra xem trường đó cơ sở vật chất có đáp ứng được công việc giảng dạy hay không?

Cần phải làm cho tất cả mọi người, cả xã hội quý trọng tấm bằng đại học, chứ không phải để học đại học ra xong thì không biết làm gì.

Hiện đời sống, chế độ lương của các giáo viên, giảng viên vẫn còn thấp, thì làm sao các thầy/cô tập trung được cho công việc giảng dạy.

Trước hết, cô Hiệp cho rằng, cần giải quyết được cái gốc của vấn đề, đó là cải thiện đời sống của các giáo viên/giảng viên.

Với các trường đại học tự chủ, thì lương của thầy cô còn cao, chứ các trường khác thì chật vật lắm.

Ứng viên Nguyễn Thị Hiệp đề nghị, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để ràng buộc được các giảng viên như thế nào, để họ có thể có tiền lương đủ để yên tâm công tác.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có một cơ chế tiền thu được của các trường phổ thông, trích hẳn một phần để chi lương cho giáo viên, còn Nhà nước chỉ chi lương một phần. Như thế, sẽ cải thiện được phần nào đời sống của các thầy cô giáo.

Ứng cử viên Nguyễn Thị Hiệp còn muốn tăng cường, chăm lo nhiều hơn nữa tới đời sống tinh thần của học sinh, sinh viên, cho các em được thỏa sức vui chơi lành mạnh.

Cuối cùng, cô Hiệp sẽ đề nghị tăng tỷ lệ % học bổng, quỹ học bổng cho sinh viên nghèo, khó khăn, sinh viên giỏi, khuyến khích các trường tăng mạnh quỹ này dành cho sinh viên.

Việt Dũng