Ứớc mơ kỳ thi nghiêm túc của một giảng viên trường dự bị dân tộc

14/12/2013 08:05
GV ĐỖ THÀNH DƯƠNG/ Trường Dự bị ĐH DTTƯ Nha Trang
(GDVN) - "Thi, kiểm tra (T-KT) là việc làm thường xuyên, bắt buộc ở tất cả các cấp học và các cơ sở giáo dục. Việc thi cử nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học, giúp người dạy kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung lên lớp để kết quả học tập của học sinh ngày càng tiến bộ". Giảng viên Đỗ Thành Dương, Trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương Nha Trang đánh giá.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết của giảng viên Đỗ Thành Dương, Trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương Nha Trang nói về "Ứớc mơ kỳ thi nghiêm túc".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Ở một số cơ sở giáo dục, việc thi, kiểm tra còn thực hiện tùy tiện, không những gây tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước mà còn tạo áp lực, căng thẳng không cần thiết cho cả người dạy lẫn người học.

Đơn cử như ở trường tôi. Trừ thời gian nghỉ theo quy định, thì thời gian thực học của học sinh trường tôi, một năm học chỉ ngót 7 tháng (28 tuần), vậy mà có đến những 6 lần T-KT tập trung đầy nghiêm ngặt, căng thẳng, tính ra chỉ hơn một tháng là tiến hành một kỳ T-KT tập trung (!). Cả 6 lần thi cử nói trên đều được tiến hành hết sức bài bản, nghiêm ngặt đến mức như nhiều giảng viên nhận xét “như thi tuyển sinh đại học”!

Nghĩa là cũng lập 6 hội đồng T-KT, 6 ban ra đề T-KT, 6 ban coi T-KT, 6 ban chấm T-KT… có đầy đủ ban bệ, thành phần như Trưởng ban, các ủy viên, cán bộ giám sát, nhân viên y tế, bảo vệ, điện nước… Lại thêm mỗi đợt đều có ban ra đề T-KT, tổ in sao đề phải bị cách ly, biệt lập, bị khóa trái cửa, có cơm bưng nước rót hằng buổi (phải ở trong 4 bức tường), cho đến khi kỳ T-KT kết thúc thì mới được “giải phóng”.

Tất cả các kỳ T-KT đều có đầy đủ các khâu như: giám thị tập trung học quy chế, giám thị đánh số báo danh theo phương án bốc thăm ngẫu nhiên của chủ tịch Hội đồng, gọi học sinh vào phòng, phát giấy thi, giấy nháp có chữ ký của giám thị, phổ biến quy định T-KT cho HS trước buổi thi… Rồi 6 lần chấm T-KT tập trung (có chấm thử bài, thống nhất và điều chỉnh đáp án), rồi hồi phách, vào điểm… Không biết trên đất nước ta hay cả trên phạm vi thế giới có cơ sở giáo dục nào căng thẳng, dồn dập trong chuyện thi cử như vậy không?

Giá thử, việc thi cử nghiêm túc như vậy mà dẫn đến kết quả thực chất thì cũng chẳng có gì đáng bàn, và trường tôi sẽ trở thành điển hình thi cử tốt, tất cả các cơ sở giáo dục khác phải học tập để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà. Đằng này thực tế thì không phải vậy! Đầu năm học, trong nghị quyết nhà trường đã xác định rõ chỉ tiêu kết quả học tập là XX% HS trên trung bình, YY% HS có kết quả đạt khá giỏi, bắt buộc giảng viên phải thực hiện cho được, nếu không thì sẽ bị nhắc nhở, chấn chỉnh ngay lập tức, và dứt khoát sẽ ảnh hường đến danh hiệu thi đua vào cuối năm.

Mà ở trường tôi, giảng viên đảm nhiệm tất cả các khâu từ giảng dạy, hạn chế nội dung T-KT, ra đề, chấm điểm, thanh tra kết quả … chỉ trong phạm vi nội bộ trường, không hề được sự thường xuyên kiểm tra, đánh giá, kiểm định của bất cứ cấp nào, theo kiểu “sau lũy tre làng”. Cho nên nhiều thầy cô hay đùa là kiểu dạy học, thi cử của trường tôi như chuyện cầu trường “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Và y như rằng, năm học nào cũng như năm học nào, ai cũng dễ dàng đoán biết được kết quả: hầu hết HS đều “tốt nghiệp” với điểm số (ảo) cao chất ngất, được phân bổ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, chễm chệ ngồi cùng chiếu với các sinh viên phải vất vả học hành đạt điểm cao trong kỳ thi.

Như trong chuyện cổ tích, nếu có được một điều ước thì chúng tôi sẽ ước rằng: Mong sao việc thi cử ở trường tôi sớm được đổi mới cho hợp lý, hòa trong xu thế đổi mới chung của giáo dục cả nước; giảng viên trường tôi được tin tưởng trao quyền nhiều hơn trong việc thực hiện thiên chức giáo dục của mình; việc thi cử được nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực căng thẳng không cần thiết cho thầy và trò; tiết kiệm được ngân sách nhà nước và trên hết - kết quả học tập của học sinh trường tôi thoát khỏi di căn “bệnh thành tích”, học sinh có kết quả học tập được đánh giá đúng thực chất của mình./.

GV ĐỖ THÀNH DƯƠNG/ Trường Dự bị ĐH DTTƯ Nha Trang