"Văn - Sử bất phân" cớ sao môn Văn thi tự luận mà môn Sử lại thi trắc nghiệm

19/05/2022 06:55
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng từ năm học 2022 - 2023 ở bậc trung học phổ thông, theo đó, môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn.

Việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đang thu hút nhiều luồng ý kiến. Càng tới gần thời gian áp dụng chương trình 2018, nhiều tọa đàm, buổi tham vấn ý kiến của các chuyên gia liên tục được tổ chức.

Bàn luận về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng, nguyên Phó Trưởng Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bản thân kiến thức môn Lịch sử là sự tích hợp nhiều ngành bởi lịch sử xã hội loài người bao gồm tất cả các lĩnh vực. Nó phản ánh đầy đủ từ chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, tư tưởng, chính vì vậy, dạy Lịch sử cũng là dạy các nội dung của xã hội.

“Cái quan trọng nhất của môn Lịch sử là có chức năng, nhiệm vụ và ưu thế riêng, không chỉ dạy quá khứ mà còn dạy cả hiện tại và liên quan đến tương lai. Nó là một hệ thống, dạy cho con người ta điều cần làm, điều cần tránh.

Lịch sử không phải chính trị nhưng nó lý giải rất nhiều vấn đề mang tính chính trị, chế độ xã hội và góp phần to lớn giữ được chế độ xã hội.

Không phải học Lịch sử thì mới là yêu nước nhưng chỉ có Lịch sử mới dạy chúng ta nguyên nhân yêu nước gắn với chế độ xã hội chủ nghĩa; dạy chúng ta yêu chế độ xã hội. Điều này, những môn học khác không làm được nhưng riêng môn Lịch sử lại có thể lý giải một cách sâu sắc, có lý, có sức thuyết phục tạo cho học sinh niềm tin vào sự lựa chọn của dân tộc ta.

Môn học dạy cho học sinh những giá trị cốt lõi của một công dân yêu nước, trở thành con người hiện đại của dân tộc Việt Nam”, Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng phân tích.

Với những vai trò to lớn không thể phủ nhận như vậy, nguyên Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, môn học này không thể là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông.

Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng (bên phải), nguyên Phó Trưởng Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: N.A

Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng (bên phải), nguyên Phó Trưởng Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: N.A

“Môn Lịch sử là môn bắt buộc đối với học sinh cấp trung học cơ sở, tuy nhiên học sinh khi đó mới 14, 15 tuổi, tư duy, nhận thức còn cảm tính, chưa sâu. Chính vì vậy, nếu chỉ dừng ở mức trung học cơ sở mà coi như đã hoàn thành nhiệm vụ giáo dục mọi mặt của môn Lịch sử thì thực sai lầm, chưa đủ.

Khi biến nó thành môn học lựa chọn ở cấp phổ thông, một bộ phận khá lớn do nhiều nguyên nhân không chọn môn Lịch sử thì sẽ bị thiếu hụt về mặt kiến thức, tư duy. Hệ lụy của nó là sẽ làm mờ nhạt đi cả về lý tưởng và phẩm chất”, Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng nói.

Cần kết hợp thi tự luận và trắc nghiệm để rèn tính tư duy của học sinh

Một trong những vấn đề nhức nhối đối với môn Lịch sử hiện nay là học sinh không thích học vì khó và kiến thức máy móc. Để khắc phục điều này, Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng kiến giải:

Thứ nhất, phải thay đổi từ người thầy. Giáo viên cần giỏi chuyên môn, giỏi Sử học. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận không nhỏ giáo viên trình độ, năng lực và tri thức chưa đủ, vì vậy rất khó trong việc lý giải thuyết phục kiến thức, sự kiện cho học trò.

Thứ hai, giáo viên phải giỏi về nghiệp vụ nghề nghiệp, có phương pháp dạy đúng, hay và hấp dẫn, khơi dậy được hứng thú học tập cho học sinh. Để làm được điều đó, ngoài áp dụng những phương pháp đổi mới như học nhóm, tranh biện, dùng tư liệu,..

Theo quan điểm của thầy Tùng, mỗi tiết học Lịch sử, giáo viên phải kể được cho học sinh nghe một vài câu chuyện có điểm nhấn của bài học hôm đó; về câu chuyện và thái độ của nhân vật. Điều quan trọng, kể về sự kiện lịch sử một cách chân thực đúng như nó đã xảy ra mới có thể tạo được niềm tin cho học sinh.

Tuy nhiên, giáo viên dạy Lịch sử ngày nay thiếu những câu chuyện đó, vì vậy bài học trở nên khô khan, mất đi sự sống động.

Thứ ba, phải đổi mới thi cử. Nhiều đề thi Lịch sử không đúng với đặc trưng bộ môn, hỏi nhiều chi tiết vụn vặt, đánh đố khiến học sinh nhanh chán. Đây là một vấn đề cần phải phải đổi.

Để tạo được niềm hứng thú đối với môn học thì không chỉ thay đổi từ người thầy, thi cử mà lãnh đạo các cấp, nhà trường và bản thân học sinh cũng phải hỗ trợ, chú ý nhiều hơn tới giá trị của môn Lịch sử.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng nêu quan điểm, hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử không phù hợp, cần có sự thay đổi.

“Điều quan trọng trong Lịch sử là học sinh phải trình bày bằng ngôn ngữ, có văn phong diễn đạt, lập luận rõ ràng, hệ thống. Và hình thức thi trắc nghiệm đang hạn chế điều đó.

Khi thi trắc nghiệm kiến thức bài thi sẽ rất rộng, buộc học sinh phải học nhiều. Chưa kể đến, trong một bài thi trắc nghiệm còn có nhiều câu đánh đố, hỏi những chi tiết vụ vặt hoặc xuất hiện những đáp án gần giống nhau khiến học sinh dễ nhầm lẫn. Đây cũng là một trong những lý do khiến học sinh chán môn Lịch sử.

Một thực tế ở Việt Nam là học gì thi nấy, khi học sinh thi trắc nghiệm thì giáo viên sẽ dạy học sinh kỹ thuật khoanh đáp án một cách máy móc. Trong khi đó, hình thức thi tự luận đánh giá cao ý kiến, luận điểm của bản thân học sinh. Từ một câu trả lời của học sinh, người chấm dễ dàng nhận ra được tư tưởng, tình cảm, nhận thức và đặc biệt là sự sáng tạo - yếu tố quan trọng mà hình thức thi trắc nghiệm không bao giờ có được”, thầy Trịnh Đình Tùng bày tỏ.

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử nhấn mạnh: “Đề thi môn Lịch sử cần được cải tiến, thay đổi, chỉ nên có một phần trắc nghiệm và dành phần lớn cho câu hỏi tự luận. Có như vậy, mới làm nổi bật lên suy nghĩ, tư duy, nhận thức của học sinh.

Người ta thường nói Văn - Sử bất phân, không có lý do nào khi môn Ngữ văn thi tự luận mà môn Lịch sử lại thi trắc nghiệm”.

Trần Lý