Vì sao có tình trạng hiệu trưởng suốt đời ở một số địa phương?

01/05/2021 06:57
Đỗ Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần kiên quyết, công bằng, công khai và tránh việc cả nể trong việc giải quyết công tác luân chuyển hiệu trưởng.

Lý do khó luân chuyển hiệu trưởng

Luân chuyển hiệu trưởng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tránh tình trạng độc đoán, chuyên quyền của một số ít thủ trưởng trong cơ sở giáo dục hiện nay.

Đồng thời việc luân chuyển sẽ giúp cho các trường học có sự đổi mới trong công tác quản lý, giúp giáo viên tiếp thu những vấn đề mới, tích cực trong tư duy, thay đổi lề lối, tác phong công tác.

Đọc bài báo “Có địa phương quên luân chuyển, để tình trạng hiệu trưởng suốt đời” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/4/2021, chúng tôi nghĩ tình trạng này không chỉ diễn ra ở một vài địa phương.

Ở địa phương người viết bài này công tác, có rất nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở có thời gian đảm nhiệm chức vụ hơn 15 năm nhưng vẫn chưa được luân chuyển.

Cần kiên quyết, công bằng, công khai và tránh việc cả nể trong việc giải quyết công tác luân chuyển hiệu trưởng. (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn)

Cần kiên quyết, công bằng, công khai và tránh việc cả nể trong việc giải quyết công tác luân chuyển hiệu trưởng. (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn)

Những hiệu trưởng dự kiến luân chuyển ở các trường gần phần lớn đều nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của tổ chức.

Còn những hiệu trưởng khi dự kiến luân chuyển đến những địa bàn xa nhà mà chế độ công tác không có sự thay đổi, những trường có mâu thuẫn nội bộ lớn, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn… thì đa số hiệu trưởng đều nêu ra những lý do rất chính đáng.

Có hiệu trưởng thì xin Ủy ban nhân dân huyện cho phép mình tạm dừng việc luân chuyển vì bản thân vị này đang trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhiều kế hoạch đang dang dở, nên khi nào trường đạt chuẩn sẽ nhận quyết định thi hành.

Có vị nhờ địa phương can thiệp vì gia đình neo đơn, lại đang chăm sóc cô ruột là bà mẹ Việt Nam anh hùng (mặc dù người cô này không ở chung).

Một hiệu trưởng khác làm đơn xin ở lại với lý do sức khỏe không đảm bảo trong việc đi xa, nếu không được cấp trên chấp nhận sẽ từ chức để làm phó hiệu trưởng…

Đa số các hiệu trưởng đều có mối quan hệ thân quen với lãnh đạo phòng giáo dục, Ủy ban nhân dân huyện nên những người ký quyết định cuối cùng chưa kiên quyết trong giải quyết vấn đề này.

Một số kiến nghị, đề xuất trong việc luân chuyển hiệu trưởng

Các thông tư về Điều lệ trường mầm non; trường tiểu học; trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây và hiện nay đều có một điểm chung: hiệu trưởng công tác tại trường mầm non; trường tiểu học; trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Vì vậy để việc luân chuyển hiệu trưởng thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ trường học ở mỗi cấp học, chúng tôi đề xuất:

Một là, trước khi kết thúc nhiệm kỳ lần 2 liên tiếp, Ủy ban nhân dân các huyện hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường có cấp trung học phổ thông) nên dự kiến sắp xếp công tác tổ chức đối với các vị hiệu trưởng.

Hai là, mỗi địa phương cần ban hành các quyết định quy định cụ thể về công tác luân chuyển, trong đó ưu tiên cho những hiệu trưởng lớn tuổi, không đủ nhiệm kỳ, sức khỏe yếu được luân chuyển gần nhà.

Ba là, cần kiên quyết, công bằng, công khai và tránh việc cả nể trong việc giải quyết công tác luân chuyển hiệu trưởng.

Bốn là, xử lý kỉ luật nghiêm khắc đối với những hiệu trưởng không chịu thi hành quyết định.

Năm là, vì lý do nào đó một số hiệu trưởng không chịu luân chuyển và có nguyện vọng ở lại trường làm giáo viên, thì người đứng đầu các cấp (huyện, sở giáo dục) nên giải quyết, sắp xếp.

Tổ chức tốt công tác luân chuyển hiệu trưởng sẽ góp phần khắc phục tình trạng kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết, đồng thời thúc đẩy chất lượng giáo dục tại đơn vị trường học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Vinh