Vì sao học sinh liên tiếp tự tử?

22/03/2012 16:38
Theo Đất Việt
Học sinh thiếu kỹ năng sống, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, mối quan hệ thầy trò ngày càng sơ cứng hóa là những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh tự tử xuất hiện dồn dập trong thời gian gần đây.
3 tháng, 9 vụ học sinh tự tử

Từ đầu năm đến nay, trên các trang báo đã có ít nhất 9 vụ học sinh tự tử vì những lý do rất đơn giản, thậm chí vô lý. Trong đó, đa số nạn nhân là nữ sinh, thậm chí là những học sinh giỏi và ngoan.

Chỉ vì bị nghi ăn cắp quần jean trong một cửa hàng thời trang, nữ sinh L.T.H, học sinh Trường THCS xã Cẩm Ðiền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tự tử ngày 10/2.

Nữ sinh T.T.T.T. (17 tuổi) ở Đắk Lắk sau khi bị bố mẹ phê bình nặng lời học hành chểnh mảng đã chán nản rồi hành động dại dột treo cổ tự tử.
Khi bị tổn thương lại không có người chia sẻ, tâm sự khiến nữ sinh tuổi teen càng bi quan và hành động tiêu cực. Ảnh minh họa: Internet
Khi bị tổn thương lại không có người chia sẻ, tâm sự khiến nữ sinh tuổi teen càng bi quan và hành động tiêu cực. Ảnh minh họa: Internet
Ngày 7/1, K.O, một nữ sinh của THPT Đông Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã nhảy từ lầu 2 xuống đất ngay trong giờ học sau khi bị cô giáo bắt chép phạt và la mắng nặng lời.

Còn L.T.D, học sinh lớp 11, , Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã ăn lá ngón chết chỉ vì lời nhắc nhở của bố “dùng điện thoại phải giữ cẩn thận, nếu làm hỏng bố không có tiền sửa cho con đâu”

Ngày 28/2, hàng trăm giáo viên, học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) sửng sốt khi phát hiện nữ sinh M.T thắt cổ tự tử trong phòng trọ ở ký túc xá. Nguyên nhân cái chết cũng chỉ vì T. muốn chứng minh là mình trong sạch vì bị nghi là lấy trộm đồ của bạn cùng phòng.

Gần đây nhất, là cái chết tập thể của 3 nữ sinh lớp 7 ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông khiến dư luận bàng hoàng. Theo nhà trường và gia đình, ba nữ sinh này đều có học lực khá giỏi. Nguyên nhân có thể chỉ vì các em làm mất sổ đầu bài sợ cô giáo mắng hoặc cũng có thể vì một lời thề nguyền nào đó.

Học sinh quá thiếu kỹ năng sống

Trao đổi với Báo, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ sự lo ngại trước tình trạng số vụ học sinh tự tử gia tăng trong thời gian gần đây. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc này trong đó nguyên nhân chính là trẻ vị thành niên hiện nay quá thiếu kỹ năng sống. Cùng với nó là sự thiếu vắng những bờ vai, những bàn tay nâng rấc, kéo các em khỏi bờ vực của sự cô đơn, tuyệt vọng.

“Dù cuộc sống vật chất của trẻ hiện nay khá đầy đủ nhưng nhiều khi các em vẫn cảm thấy cô đơn ngay chính gia đình của mình. Còn khi tới trường, các em chủ yếu được trang bị con chữ, kiến thức việc cung cấp cho em kỹ năng sống còn rất hạn chế. Trong khi đó, tác động của truyền thông, mạng xã hội rất nhiều chiều mà gia đình không kiểm soát được”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, mối quan hệ giữa các thế hệ hệ trong gia đình hiện nay rất lỏng lẻo, thậm chí thiếu một số chức năng. Nhiều gia đình có tư tưởng phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, xã hội. Điều đáng lo ngại nhất là, chính những người làm cha, làm mẹ rất mù mờ trong việc đối thoại, kiểm soát con cái.

“Nhóm tuổi mới lớn, rất dễ bị tổn thương nên dù chỉ là một lời mắng cũng có thể tìm tới tự tử. Điều đánh nói là khi chúng bị tổn thương thì không có người để chia sẻ, tâm sự khiến chúng suy nghĩ càng bi quan hơn và dẫn đến những hành động tiêu cực”, ông Bình phân tích.

Không chỉ ở phía gia đình, ông Bình còn cho rằng mối quan hệ thầy trò trong nhà trường ngày càng sơ cứng hóa. Các thầy cô giáo không còn tận tụy vì học trò như thuở nào nữa mà các mối quan hệ đã bị chuyên nghiệp hóa. Có thể nhiều thầy cô rất quan tâm đến học trò, thấy trò nghỉ học là nhắn tin cho phụ huynh hỏi han nhưng sự quan tâm đó không phải là vì trò mà vì chính bản thân họ.

Lý giải hiện tượng học sinh chết tập thể, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân chính là kỹ năng sống của con trẻ quá thiếu thốn. Do đó, khi rơi vào những kịch bản, tình thế nào đó chúng không có nhiều sự lựa chọn, mọi chia sẻ chỉ bó hẹp trong một nhóm. Và khi những trẻ em gặp nhau trong tâm trạng buồn chán thì sẽ dẫn đến tình trạng chết dồn, chết tập thể.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Đất Việt