Vị thế môn chính-môn phụ không nằm ở Thông tư 22 mà ở chương trình, thi cử

25/08/2021 06:59
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc phân bổ số tiết học/ tuần và quy định các môn thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và quy ước khối thi đã mặc định vị thế từng môn học.

Chương trình, sách giáo khoa trước đây hay chương trình giáo dục phổ thông 2018 không có từ nào khẳng định các môn học như: Toán, Văn, Anh là môn học chính. Các môn học khác như Công nghệ; Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật…là môn học phụ.

Thế nhưng, với việc phân bổ số tiết học/ tuần và quy định các môn thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và quy ước khối thi suốt mấy chục năm qua đã mặc định vị thế của từng môn học.

Vì thế, nhà trường, luôn định hướng và đầu tư vào những môn học trọng điểm hoặc đúng sở trường của học sinh để nhằm phát huy thế mạnh của từng nhà trường, từng cá nhân học sinh. Phụ huynh thì cho con đi học thêm ở những môn được xem là quan trọng nhất nhằm định hướng cho tương lai của con em mình.

Số tiết phân bổ từng môn học ở cấp Trung học cơ sở Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Số tiết phân bổ từng môn học ở cấp Trung học cơ sở

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Thông tư 22 ra đời, chỉ bỏ được cách tính điểm trung bình môn học, bỏ được sự ràng buộc của các môn Toán,Văn, Ngoại ngữ trong xếp loại học lực cho học trò nhưng tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn hiện hữu trong suy nghĩ của mọi người và trong chính chương trình học phổ thông.

Môn chính, môn phụ vẫn hiện hữu trong chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ngay sau khi Bộ ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT thì nhiều ý kiến cho rằng các môn học ở trường phổ thông không còn môn chính, môn phụ bởi theo Thông tư này đã bỏ tính điểm trung bình các môn học, điểm số các môn đều có vị trí như nhau.

Đặc biệt, trong việc xếp loại học lực ở các mức không còn chịu tác động bởi 2 môn Văn và Toán (Thông tư 58) hoặc 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (Thông tư 26) như trước đây nữa. Vì thế, nhiều người cho rằng chuyện môn chính, môn phụ sẽ không còn trong trường phổ thông nữa.

Thế nhưng, chúng tôi không cho là vậy- cho dù điểm số các môn học theo hướng dẫn của Thông tư 22 đã có vị thế ngang hàng với nhau.

Bởi, nhìn vào số tiết phân chia ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì dù trên các văn bản pháp quy hướng dẫn không nói môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ là môn chính nhưng ai cũng ngầm hiểu đó sẽ là những… môn học chính.

Đối với cấp Trung học cơ sở, cả 4 năm học của cấp học này thì môn Toán và Văn đều có số tiết là 140 tiết/ năm, môn Ngoại ngữ 1 có số tiết là 105 tiết/ năm.

Môn Khoa học tự nhiên cũng có số tiết 140 tiết/ năm nhưng đây là môn học có 3 phân môn Lí, Hóa, Sinh mà 3 phân môn này là 3 môn học độc lập hiện nay.

Môn Lịch sử và Địa lý có 105 tiết nhưng cũng được ghép từ 2 môn học độc lập hiện nay là môn Lịch sử và môn Địa lí.

Các môn học còn lại chủ yếu có số tiết là 35 tiết, một vài môn ghép có 70 tiết/ năm học.

Ở cấp Trung học phổ thông thì 3 môn Toán, Văn, Anh là 3 môn học có số tiết 105 tiết/ năm và đây là các môn học có số tiết nhiều nhất trong mỗi năm học.

Như vậy, xuyên suốt bậc học phổ thông thì môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ 1 là những môn học có số tiết nhiều nhất và đây cũng là những môn học mà học sinh đang phải đi học thêm nhiều nhất.

Môn chính, môn phụ hiện hữu trong các kỳ thi, khối thi

Hiện nay, cấp học phổ thông có 2 kỳ thi tập trung là thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và thường lấy 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh để thi. Có địa phương lấy thêm tổ hợp để thi nhưng 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh thì không thể bỏ.

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trước đây và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2 năm nay vẫn có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, tiếng Anh.

Các khối xét tuyển đại học dù là khối nào đi chăng nữa vẫn hiện hữu ít nhất là 1 trong 2 môn Toán và Ngữ văn.

Như vậy, từ thực tế của chương trình, cách học tập, thi cử và trong suy nghĩ của nhiều người thì chuyện môn chính, môn phụ vẫn tồn tại chứ không thể hết- cho dù điểm số, xếp loại theo Thông tư 22 thì các môn học có vị thế ngang nhau.

Đôi điều băn khoăn từ hướng dẫn của Thông tư 22

Theo hướng dẫn của Thông tư 22 thì điểm số các môn học sẽ có vị thế ngang hàng với nhau. Học sinh đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc khi có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên;

Học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi khi có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.

Điều này cũng đồng nghĩa môn học có số lượng 4 tiết cũng giống môn 1 tiết/tuần.

Rồi đây, học sinh có thể phải đi học thêm dàn trải ở tất cả các môn học để lấy điểm chứ không chỉ riêng vài môn cơ bản như trước đây.

Bởi vì, nếu học sinh, nhà trường trọng bệnh thành tích có thể sẽ nghiêng vào học những môn ít tiết để dễ dàng đạt danh hiệu thi đua, thành tích. Lúc đó, khen thưởng cho học sinh sẽ còn nhiều hơn cả bây giờ.

Chất lượng 3 môn học Toán, Văn, Anh ở cấp phổ thông có thể càng đi xuống và nó sẽ kéo theo chất lượng đại học, cao học, nghiên cứu sinh…đi cùng.

Đặc biệt, bản chất của chương trình học sẽ mâu thuẫn. Tại sao điểm số các môn học như nhau mà số tiết học các môn học lại có sự chênh lệch quá lớn? Chẳng hạn như môn Toán, môn Văn so sánh với môn Giáo dục Công dân, Công nghệ…

Vì thế, không có sự ràng buộc giữa các môn Toán, Văn, tiếng Anh trong xếp loại học sinh cũng chưa hẳn là một việc làm hay, phù hợp với thực tế chương trình của từng môn học tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH