Vụ Nghiên cứu sinh kéo dài 9 năm: Quy định của Bộ đang bị "bóp méo"?

10/05/2012 06:35
Bích Thảo
(GDVN) - Gia thêm hạn chậm trễ, quá thời gian tối đa cho phép trình luận án đến 80 ngày nhưng vẫn được bảo vệ, Trường ĐH Bách Khoa có làm sai quy chế đào tạo Tiến sĩ?
Quá hạn 80 ngày vẫn được làm luận án Tiến sĩ

Ông Phạm Xuân Khánh chính thức có quyết định công nhận làm nghiên cứu sinh (NCS) của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vào ngày 10 – 9 – 2003. Tuy nhiên đến tận ngày 16 – 2 – 2012, ông Khánh mới bảo vệ luận án Tiến sĩ. Theo tố cáo của độc giả việc làm luận án như vậy là kéo dài đến năm thứ 9 và vi phạm quy chế.





Trong quy chế Đào tạo trình độ Tiến sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo điều 3 Chương I “Những quy định chung” đã ghi rõ rằng: “Thời gian đào tạo trình độ Tiến sĩ đối với người có bằng Thạc sĩ là 3 năm tập trung liên tục; đối với người có bằng tốt nghiệp đại học là 4 năm tập trung liên tục.

Trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục được và được cơ sở đào tạo chấp nhận thì chương trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học và nghiên cứu như quy định thì phải có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu”.


Điểm 7 điều 23 quy định nếu quá 7 năm sẽ không được công nhận kết quả NCS
Điểm 7 điều 23 quy định nếu quá 7 năm sẽ không được công nhận kết quả NCS


Ngoài ra điểm 7 điều 23 cũng quy định với trường hợp phát sinh là: “Sau khi hết thời gian đào tạo, nếu chưa hoàn thành luận án, nghiên cứu sinh vẫn có thể tiếp tục thực hiện đề tài luận án và trở lại cơ sở đào tạo trình luận án để bảo vệ nếu đề tài luận án và các kết quả nghiên cứu vẫn đảm bảo tính thời sự, giá trị khoa học; được người hướng dẫn, Thủ trưởng cơ sở đào tạo đồng ý.
Thời gian tối đa cho phép trình luận án để bảo vệ là 7 năm (84 tháng) kể từ ngày có quyết định công nhận nghiên cứu sinh. Quá thời gian này, nghiên cứu sinh không được bảo vệ luận án và các kết quả học tập thuộc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không được bảo lưu”.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Khánh được công nhận NCS vào ngày 10 – 9 – 2003, suy ra thời gian 7 năm tối đa được trình luận án để bảo vệ là ngày 10 – 9 – 2007. Nhưng sau hạn chót hơn 2 tháng (ngày 30 – 11 – 2010), NCS mới bảo vệ Luận án Tiến sĩ trước hội đồng cấp cơ sở (Bộ môn). Như vậy, luận án của ông Khánh được thông qua cấp cơ sở quá thời gian quy định đến 80 ngày.
Chậm gia hạn cho NCS đến 5 tháng
Theo quy chế, nếu NCS không thể hoàn thành được khóa luận có thể xin gia hạn thêm. Một lãnh đạo Vụ giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Không phải là ngay sau khi hết hạn đào tạo 4 năm mà là trước khi thời gian hết hạn 6 tháng, NCS phải có đơn xin phép gia hạn học tập. Việc gia hạn học tập chỉ giải quyết khi có lý do chính đáng với các điều kiện đảm bảo trong phạm vi thời gian gia hạn nghiên cứu sinh hoàn thành được nhiệm vụ học tập, nghiên cứu. Thời gian gia hạn với một NCS không được quá 24 tháng”.


Quyết định NCS của ông Khánh
Quyết định NCS của ông Khánh

NCS Phạm Xuân Khánh của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, hết hạn đào tạo 4 năm vào ngày 10 – 9 – 2007 mà ngày 1 – 2 – 2008 mới có quyết định gia hạn thêm là chậm trễ và sai quy trình. 
Hiện nay chưa có quy định nào cụ thể về thời gian bảo vệ luận án cấp Bộ Môn đến khi bảo vệ cấp Trường tối đa là bao lâu. Điều này khiến cho các luận án bị kéo dài thời gian có khi một năm đến vài năm. Trong trường hợp của ông Phạm Xuân Khánh, luận án Tiến sĩ thông qua cấp Bộ Môn từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2012 mới được bảo vệ cấp Trường là một khoảng thời gian không hề ngắn. 

Ngay khi biết đến những lùm xùm xunh quanh NCS Phạm Xuân Khánh, Vụ Giáo dục Đại học Bộ Giáo dục Đào tạo - Bộ Giáo dục & Đào tạo đã về trường kiểm tra. Tới thời điểm này, Trường ĐH Bách Khoa cũng đã có biên bản báo cáo sự việc này gửi lên Bộ Giáo dục Đào tạo.Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin xung quanh vụ việc này!

Thưa quý độc giả!

Với mong muốn trở thành tờ báo tiên phong trong lĩnh vực chấn hưng giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chính thức mở chuyên đề: Phanh phui những hiện tượng bức xúc, tiêu cực trong giáo dục. 
Tòa soạn sẽ thu nhận, xác minh và đăng tải tất cả những câu chuyện, hành vi:

- Sai phạm trong tuyển sinh - chạy trường chạy lớp

- Sai phạm về tài chính; sử dụng nhân sự

- Vi phạm đạo đức thầy và trò

- Khai man, sử dụng bằng cấp giả

Báo sẽ ưu tiên điều tra những bức xúc tiêu cực được Quý độc giả gửi tới có kèm theo chứng cứ (clip, hình ảnh, băng ghi âm, tài liệu).
Quý độc giả có thể BẤM VÀO ĐÂY để gửi ý kiến của mình, hoặc gửi vào địa chỉ emailtoasoan@giaoduc.net.vn.

Trân trọng!

Bích Thảo