Vụ trưởng GDĐH: Tăng cường tự chủ đại học đi đôi với trách nhiệm giải trình

01/02/2022 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ về chuyên môn, học thuật là xu thế phát triển tất yếu của giáo dục đại học.

LTS: Để có bức tranh tổng quan về xét tuyển đại học, tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phóng viên: Với kinh nghiệm tổ chức xét tuyển trong mùa dịch, xin Phó giáo sư cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giảm bớt nhiều áp lực và khó khăn trong công tác tuyển sinh năm 2021 như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Việc đẩy mạnh công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng và tích cực triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh. Có thể nói ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ trong công tác quản lý ngành cũng như tuyển sinh.

Cụ thể, một số nội dung đã được đưa vào quy định của Quy chế tuyển sinh 2021 như:

Thí sinh chỉ cần 01 bộ hồ sơ, nộp ngay tại trường trung học phổ thông có thể đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường. Hệ thống cơ sở dữ liệu cùng với phần mềm tuyển sinh đã hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển, hạn chế tối đa các sai sót trong đăng ký xét tuyển. Thí sinh có tài khoản và mật khẩu riêng để có thể theo dõi được các thông tin đăng ký dự thi và xét tuyển trên hệ thống.

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến tại các vùng có đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin. Trong năm 2021 có 379.276 thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, so với tổng số 798.820 thí sinh đăng ký xét tuyển, chiếm 47,48%.

100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay thế hoàn toàn việc điều chỉnh nguyện vọng bằng giấy, trừ các trường hợp phải sửa sai sót về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên, mỗi thí sinh có thể điều chỉnh tối đa 3 lần.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh: NVCC)

Công nghệ thông tin là một công cụ hữu dụng phục vụ cho công tác lọc ảo, tránh được hiện tượng ảo khi thí sinh trúng tuyển tại các trường trong nhiều năm qua. Việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã đảm bảo tính nhất quán, liên thông từ đăng ký dự thi, tổ chức thi, xét tuyển và lọc ảo, xác nhận nhập học và báo cáo thống kê; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở giáo dục đào tạo, giữa các cơ sở đào tạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo các cơ sở đào tạo có phương án nhập học qua hình thức trực tuyến. Đây là hình thức mang lại kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bệnh, khi các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Kết quả của việc nhập học trên là tiền đề cho việc các trường đã đi vào tổ chức giảng dạy trực tuyến ổn định từ tháng 8/2021 đến thời điểm hiện nay.

Ngoài việc hỗ trợ trong công tác tuyển sinh và nhập học, các nền tảng công nghệ với nhiều ứng dụng đã được các trường triển khai trong công tác tổ chức đào tạo trực tuyến.

Để phù hợp với điều kiện diễn biến của dịch bệnh, các quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong năm 2021 và các văn bản Bộ hướng dẫn các cơ sở đào tạo đều làm rõ về công tác tổ chức đào tạo và kiểm tra, đánh giá, bảo vệ luận văn, luận án theo hình thức trực tuyến với các nơi đủ điều kiện về công nghệ, đảm bảo công khai minh bạch và sự công bằng giữa các thí sinh, giữa các người học.

Qua con số thống kê từ các cơ sở giáo dục đại học, Vụ trưởng có thể đánh giá tổng quan về xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh có sự dịch chuyển ra sao khi xảy ra dịch Covid?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Trong năm 2020 và 2021, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đã gây hậu quả nặng nề về con người và kinh tế - xã hội. Theo phân tích số liệu thống kê đến thời điểm hiện tại, xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh về cơ bản ổn định như các năm trước đây; có một số thay đổi nhỏ ở một số lĩnh vực, tuy nhiên không đủ lớn để khẳng định là có sự dịch chuyển đáng kể.

Kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là những lĩnh vực thu hút số lượng nguyện vọng đăng ký của thí sinh tập trung nhiều hơn cả.

Các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển tăng cao so với các năm trước là đào tạo giáo viên, máy tính và công nghệ thông tin, nghệ thuật, báo chí và thông tin. Các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển giảm so với các năm trước là Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân, sức khỏe.

Riêng đối với ngành đào tạo giáo viên, năm 2021, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tác động mạnh mẽ đến số thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành sư phạm, số đăng ký xét tuyển tăng trên 100.000 thí sinh. Tỷ lệ số lượng nguyện vọng 1 đăng ký xét tuyển vào khối ngành sư phạm (trình độ đại học) so với tổng số nguyện vọng 1 tăng từ 6,56% năm 2020 lên 9,32% năm 2021.

Thưa bà, trong những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ có những phương án như thế nào để các trường đại học được tăng quyền tự chủ, đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá tốt năng lực của thí sinh? Và khi đó vai trò cầm trịch Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thể hiện như thế nào để kiểm soát chất lượng?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ về chuyên môn, học thuật là xu thế phát triển tất yếu của giáo dục đại học. Phải khẳng định, chủ trương đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của Đảng, trong đó tự chủ là mấu chốt của đổi mới phát triển giáo dục đại học, đây là chủ trương rất đúng đắn.

Trong những năm qua, tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng đã được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học đã được giao nhiều quyền tự chủ mạnh mẽ, trong đó có tự chủ về tuyển sinh, xác định chỉ tiêu, tự chủ về chuyên môn, học thuật,… Trong quá trình triển khai tự chủ đại học, việc tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cũng đi đôi với việc tăng trách nhiệm giải trình của cơ sở. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học cũng không ngừng đổi mới, trong đó sự “minh bạch” là yếu tố hàng đầu, gắn chặt với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh minh họa: Kim Chi

Ảnh minh họa: Kim Chi

Việc tạo điều kiện tối đa để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, gọn nhẹ, tránh tốn kém cho xã hội, đánh giá đúng năng lực của thí sinh phù hợp ngành đào tạo, tổ chức việc xét tuyển công khai, minh bạch là một trong các phương châm chỉ đạo nhất quán của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các năm qua.

Với chính sách tuyển sinh hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị “cầm trịch”, mà theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Bộ là đơn vị quản lý nhà nước, phải ban hành quy chế tuyển sinh với mục tiêu kiểm soát chất lượng nguồn tuyển, kiểm soát năng lực tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở đào tạo, đảm bảo sự công khai minh bạch, công bằng giữa các thí sinh, giữa các cơ sở đào tạo.

Trong thời gian tới với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm kiểm soát chất lượng, tạo sự công bằng, công khai minh bạch giữa các cơ sở đào tạo, và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục đại họcNghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2021 đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo và Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT quy định về tổ chức đào tạo đại học. Đây chính là các văn bản quan trọng, nền tảng nhằm định hướng các cơ sở đào tạo đưa ra chính sách tuyển sinh phù hợp với các quy định của các văn bản nêu trên để đảm bảo sinh viên ra trường đạt chuẩn đầu ra theo quy định, tạo thương hiệu, uy tín cho các nhà trường.

Quan trọng không kém chính là quá trình đào tạo đối với sinh viên sau khi đã vào học tại ngành, tại trường đã chọn để đảm bảo “sản phẩm đầu ra” của giáo dục đại học đạt chất lượng tốt.

Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học với mục đích giải phóng sức sáng tạo, tính chủ động, khả năng thích ứng và khai phóng tính dẫn dắt của giáo dục đại học trong đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, Chính phủ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định rõ tự chủ chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi cùng với tăng cường giám sát của tất cả các bên liên quan, đảm bảo từ yếu tố “đầu vào” (xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh), tới “quá trình” (hệ thống các chuẩn, trong đó trọng tâm là chuẩn chương trình đào tạo với tính hội nhập quốc tế cao, các điều kiện đảm bảo chất lượng…), và yếu tố “đầu ra” (kiểm định chất lượng) luôn được quan tâm phát triển và cập nhật.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Thùy Linh