Xã hội hóa giáo dục và lạm thu - ranh giới mong manh

27/05/2020 05:58
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi có nguồn xã hội hóa thì nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai các khoản thu, khoản chi cụ thể đến từng lớp trong dịp họp phụ huynh cuối năm.

Việc xã hội hóa giáo dục hiện nay ở các nhà trường là một chủ trương đúng đắn nhưng cách thực hiện ở nhiều trường học hiện nay lại chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và ngay cả đối với tập thế sư phạm nhà trường.

Một số hiệu trưởng nhà trường luôn sợ trách nhiệm nên thường “nhường vai” cho Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi xã hội hóa giáo dục.

Những khoản xã hội hóa không phải trường nào cũng được công khai minh bạch nên dẫn đến những phản đối của phụ huynh và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và ngành giáo dục.

Một số trường học chưa làm tốt việc xã hội hóa giáo dục và dẫn đến lạm thu (Ảnh minh họa: Giadinh.net)

Một số trường học chưa làm tốt việc xã hội hóa giáo dục và dẫn đến lạm thu

(Ảnh minh họa: Giadinh.net)

Đừng để xã hội hóa biến tướng thành hiện tượng lạm thu

Những tuần vừa qua, khi mà học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài để phòng tránh dịch bệnh thì đã có một số trường học bị phụ huynh phản đối việc xã hội hóa không phù hợp.

Chẳng hạn, trường Trung học phổ thông Quảng Xương I (Thanh Hóa) đã thu mỗi học sinh học sinh 90.000 đồng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, trong thời gian học 2019-2020 đã thu mỗi em học sinh số tiền xã hội hóa 700.000 đồng. Ngoài ra, học sinh cũng phải nộp 300.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh.

Rõ ràng những khoản thu như vậy đã không nhận được sự đồng tình của phụ huynh, nhất là đối với những phụ huynh nghèo.

Khi sự việc được phát hiện thì một số hiệu trưởng thường thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi sang Ban đại diện cha mẹ học sinh. Có người còn thản nhiên xem đó là việc làm của Ban đại diện cha mẹ học sinh chứ nhà trường không biết.

Trong khi, tại Thông tư số 55/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Như vậy, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 2 khoản tiền: “kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác;

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác”.

Sự lập lờ của một số nhà trường đã dẫn đến tình trạng xã hội hóa tự nguyện thành hình thức lạm thu và cán đều trên đầu học sinh của mỗi lớp nên nó đã trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh và tất nhiên là có nhiều phụ huynh không tán đồng.

Phải có kế hoạch rõ ràng và minh bạch nguồn thu

Nếu nhà trường muốn xã hội hóa giáo dục thì trước tiên nhà trường phải có kế hoạch cụ thể, có tờ trình để xin phép cơ quan chức năng (lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục sở tại) rồi mới triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế thì rất ít khi hiệu trưởng làm việc này vì nó phức tạp mà chưa chắc cấp trên có đồng ý với chủ trương của nhà trường hay không. Vì thế, họ thường “mượn tay” Ban đại diện cha mẹ học sinh gửi thư ngỏ vận động hoặc đứng ra kêu gọi.

Thực tế là kế hoạch hay thư ngỏ đều do nhà trường viết, phát cho học sinh, chỉ có chữ ký là của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà thôi.

Nếu trót lọt thì nhà trường có một khoản thu để chi vào một số việc theo dự kiến của hiệu trưởng. Nếu lộ ra thì hiệu trưởng đẩy trách nhiệm cho Ban đại diện cha mẹ phụ huynh nhà trường vì chữ ký không phải của hiệu trưởng.

Chính vì vậy, để đảm bảo việc xã hội hóa giáo dục và không bị phụ huynh phản đối thì trước tiên nhà trường phải có chủ trương, kế hoạch rõ ràng, được sự đồng thuận của cấp trên.

Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường, lớp phải được biết, được bàn luận thì mới đến kêu gọi sự chung tay của phụ huynh. Trên các thư ngỏ vận động phải có chữ ký của Ban đại diện cha mẹ học sinh, chữ ký của hiệu trưởng và con dấu của nhà trường.

Khi có nguồn xã hội hóa rồi thì nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai các khoản thu, khoản chi cụ thể đến từng lớp trong dịp họp phụ huynh cuối năm.

Nếu làm công khai, minh bạch, vì sự phát triển của mỗi nhà trường, không có vụ lợi, tư túi thì việc xã hội hóa giáo dục hiện nay không phải là điều quá khó mà lại đúng chủ trương và phát triển được nhà trường.

Sự phản đối của phụ huynh lâu nay đều bắt nguồn từ sự nhập nhằng của một số hiệu trưởng nhà trường chưa minh bạch các khoản thu- chi nên họ mới không đồng tình và phản ánh cho báo chí biết về các sự việc này mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/truong-thu-90-000-dong-mot-hoc-sinh-tien-phong-chong-dich-covid-19-20200515114738595.htm

KIM OANH